Băn khoăn khi không được hỗ trợ
Tàu mang số hiệu QNa- 90039, có công suất 900CV do ông Lương Văn Khuê (thôn Đông An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành) nằm bờ đã hơn 2 tuần nay. Tại thời điểm trao đổi với chúng tôi, ông Khuê cho biết, khả năng tiếp tục nằm bến cho đến khi cơn bão số 4 đi qua. Ông lo lắng nếu diễn biến cơn bão phức tạp hơn và kéo dài, năm nay tàu của ông chỉ hoạt động 2 chuyến biển, giảm so với cùng kỳ 2 chuyến.
Một nguyên nhân nữa theo ông Khuê, từ đầu năm đến nay ông vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ 48. “Mỗi năm tối đa nghề câu mực khơi chỉ hoạt động 4 chuyến, chưa kể có chuyến biển gặp thời tiết xấu, giá mực hạ, nhiều thuyền viên lỗ tiền chi phí đến vài chục triệu đồng. Những năm trước, nhờ QĐ 48 ngư dân có thêm khoản tiền hỗ trợ nhiên liệu giúp trang trải phần nào để yên tâm ra khơi”, ông Khuê tâm sự.
Theo quy định, các tàu hoạt động tại các ngư trường Hoàng Sa hoặc Trường Sa, mức hỗ trợ tiền dầu mỗi chuyến 100 triệu đồng. Để được nhận, mỗi tàu xuất bến ra khơi phải nhắn đủ 7 tin nhắn vào 7 ngày khác nhau khi đang hoạt động trên biển. Tuy nhiên, ông Khuê cho biết suốt 2 chuyến biển vừa qua, mỗi khi nhắn tin đều nhận được âm thanh tút tút tút ngắt quãng. Đôi khi đã nhắn tin được về trạm ông cũng không nhận được câu báo đã gửi để yên tâm.
Cũng theo ông Khuê, tất cả hồ sơ ông gửi đều hợp lệ với quy trình chung được xét duyệt hỗ trợ theo quy định. Hành trình xuất bến có xác nhận của trạm biên phòng và chính quyền xã đảo nơi ông từng đánh bắt. Thế nhưng, theo máy thông báo lại chuyến biển năm năm nay ông không hoàn thành phần, mục nào nên không được hỗ trợ xăng, dầu.
Tương tự, ông Phan Trinh, chủ tàu câu mực khơi số QNa- 91892 (thôn Đông An) cũng lo lắng vì 2 chuyến biển vừa qua việc nhắn tin đều gặp nhiều khó khăn, trục trặc. “Tôi xuất hoặc nhập bến cảng đều có xác nhận của biên phòng. Nhật ký lịch trình nhắn tin cũng thể hiện rõ nên không hề có chuyện gian lận để được nhận hỗ trợ…”, ông Trinh khẳng định.
Những năm trước, khi thực hiện các lệnh nhắn tin về ông đều nhờ người nhà liên lạc với trạm chính để biết tin nhắn tới hay chưa, rồi xác nhận “cho chắc”. Năm nay theo kinh nghiệm, ông tự làm. Do đó, chuyến biển đầu, dù hoàn tất 8 tin nhắn, chuyến thứ hai 4 tin, nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ông mong các ngành chức năng xem xét, giúp ngư dân gỡ khó khăn để sản xuất thuận lợi hơn.
Trước câu hỏi, có trường hợp nào nhờ máy tàu khác gửi nhắn tin vào trạm để được nhận tiền hỗ trợ? Hầu hết ngư dân đều bác bỏ bởi mỗi thuyền xuất bến đi khơi xa đều mang theo hơn 50 thuyền viên, chính quyền xã, người dân địa phương đều biết. Ngoài ra, tàu còn nhận sự đồng ý của đồn biên phòng, chính quyền địa phương xã đảo nơi đánh bắt. Mặt khác, đã mưu sinh nghề biển làm phải vươn khơi, ngư dân không hề trông chờ vào hỗ trợ để nằm bờ, khi đó, thuyền viên lấy gì để sinh sống…
Bắt buộc phải làm theo qui định
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, có 5 quy định mức giá hỗ trợ tiền dầu: Máy chính tàu cá có công suất 90CV đến dưới 150CV được hỗ trợ 22 triệu đồng/chuyến biển; 150 CV đến dưới 250CV được hỗ trợ 30 triệu đồng/chuyến biển; 250CV đến dưới 400CV được hỗ trợ 55 triệu đồng/chuyến biển, 400CV đến dưới 700CV được hỗ trợ 75 triệu đồng; từ 700CV trở lên hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến. Để được hỗ trợ, bắt buộc trạm bờ bố trí ở Chi cục Thủy sản tỉnh nhận đủ 7 tin nhắn của ngư dân khi đang hoạt động ở các vùng biển xa bờ mới có cơ sở để trả chi phí.
Đến nay, qua 6 năm triển khai QĐ 48, UBND tỉnh đã giải ngân hơn 234 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua máy liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp GPS, hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên, đặc biệt, hỗ trợ tiền dầu hơn 224 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, qua 1 đợt xét duyệt, UBND tỉnh đã giải ngân gần 13 tỷ đồng hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân.
Khi được hỏi liệu có do máy trạm chính và trên tàu ngư dân gặp trục trặc hay bị sự cố gửi tin? Ông Tấn khẳng định “không thể”, bởi hệ thống liên lạc để gửi và nhận tin nhắn của ngư dân và trạm bờ đều là máy liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp GPS ký hiệu VX 1700, được Nhật Bản sản xuất, rất khó hư hỏng.
“Khả năng vì máy hiện đại, ngư dân thao tác chưa thuần thục nên đôi khi thực hiện không thành công. Hiện số tàu hoạt động xa bờ của ngư dân ngày càng tăng, trong khi đó ngư dân nóng vội nhắn tin liên tục, dày đặc nên mạng bị nghẽn”, ông Tấn trả lời.
Cũng theo ông Tấn, khi ngư dân nhắn tin, trạm bờ thực hiện cùng lúc 2 chức năng: lưu giữ tin nhắn và tự động chuyển thẳng về Tổng cục Thủy sản để thống kê theo chức năng quản lý. Từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp máy trạm bờ ngừng hoạt động. Nếu có sự cố bị cúp điện, máy sẽ tự động chuyển sang hoạt động bằng nguồn năng lượng ắc quy.
Với việc ngư dân không nhận được tiền hỗ trợ dầu như hiện nay, ông Tấn chia sẻ thêm, đơn vị rất hiểu những khó khăn của ngư dân, nhưng đã quy định thì phải làm theo đầy đủ… Thời gian tới, Sở sẽ bố trí đoàn công tác đến từng địa điểm có nghề cá để kiểm tra các chi tiết trong hệ thống nhắn tin, hướng dẫn ngư dân nhắn tin cho thành thục, hiệu quả hơn.