Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm nay tăng 0,57% so với tháng trước, cao nhất so với 3 tháng gần đây.
Cụ thể, CPI tháng 2/2016 tăng 0,42% so với tháng 1/2015 và tăng 0,42% so với tháng 12/2015; CPI tháng 1/2016 không biến động so với tháng 12/2015. Trong khi đó, CPI tháng 12/2015 tăng 0,02% so với tháng 11/2015.
CPI tháng 3/2016 tăng 0,57% so với tháng trước; tăng 1,69% so cùng kỳ năm trước; tăng 0,99% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân quý I năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,25%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm tăng: Thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 24,34%; Giáo dục tăng 0,66%. Có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm: Giao thông giảm 3,64%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,54%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,23%; May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,17%; Bưu chính viễn thông giảm 0,1%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,1%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01%.
Nguyên nhân do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng?
Phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy luật tiêu dùng, CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên Đán giảm, tuy nhiên CPI tháng 3 năm nay tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng. Về cơ bản, giá một số loại hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý tăng theo lộ trình, đặc biệt là giá của dịch vụ y tế, giáo dục.
CPI tháng 3 tăng khá cao so với tháng trước, tuy nhiên, nếu so với tháng 12/2015, thì mức tăng mới chỉ là 0,99%. Với mức tăng này, dư địa điều hành kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay còn khá lớn. Mục tiêu đề ra trong năm nay, lạm phát sẽ được chủ động điều hành ở mức dưới 5%.
Tính chung trong quý I/2016, CPI tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước, đang ở mức thấp góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra, yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp.