Không được xin lỗi vì hết thời hiệu
Một trường hợp mà báo chí từng phản ánh là ông Nguyễn Thanh Hải (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) được Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM tuyên bố không phạm tội giết người từ năm 1988. Do thiếu hiểu biết pháp luật, đến năm 2011, ông Hải mới nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Bến Tre - nơi xử sơ thẩm kết án oan ông 14 năm tù - xin lỗi công khai, bồi thường thì bị tòa này từ chối với lý do đã hết thời hiệu theo luật định. Ông Hải đã 60 tuổi, chỉ mong mỏi có được lời xin lỗi công khai tại nơi mình sinh sống bởi nhiều người vẫn cho rằng ông là kẻ giết người khiến con cháu ông cũng bị nhiều điều tiếng.
Phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại là quyền nhân thân, quyền hiến định, không thể hạn chế bởi quy định 3 tháng nói trên. Bên cạnh đó, Luật TNBTCNN 2009 còn một loạt bất cập khác cần sửa đổi như trình tự, thủ tục bồi thường còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong việc thực hiện xin lỗi, cải chính công khai; cơ chế xác minh thiệt hại chưa được quy định rõ ràng và chưa hiệu quả; quy định về việc thụ lý đơn yêu cầu bồi thường chưa sát với thực tiễn, còn gây khó khăn, bất lợi cho người bị thiệt hại...
Vì vậy, LS Nguyễn Hồng Hà cho rằng, việc từ chối giải quyết cả yêu cầu xin lỗi công khai như trường hợp của ông Hải với lý do hết thời hiệu là vi hiến do Hiến pháp và các đạo luật đều bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Từ đó, ông Hà đề xuất Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) cần quy định thống nhất với Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Dân sự về quyền nhân thân là không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu khôi phục danh dự cho người bị oan. Ngoài ra, cơ quan gây thiệt hại phải chủ động xin lỗi người bị oan chứ không cần đợi họ có đơn yêu cầu.
Mở rộng phạm vi khôi phục danh dự
Đồng tình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (VKSNDTC) Nguyễn Thị Thủy phân tích, tổ chức trực tiếp xin lỗi người bị oan là một khâu nằm trong quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường. Việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan là trách nhiệm mà Nhà nước phải làm, không phụ thuộc vào người bị oan có yêu cầu hay không yêu cầu. Về trình tự thủ tục xin lỗi, theo bà Thủy, cần quy định rõ trong Dự thảo Luật sửa đổi để hạn chế việc xin lỗi mang tính hình thức trong thời gian vừa qua. Bởi Luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này, dẫn tới có những trường hợp thời gian giam oan 4 năm nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ mất… 5 phút đã khiến người bị oan bật khóc ngay khi chủ tọa tuyên bố kết thúc buổi lễ.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật sửa đổi có những điểm mới về trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường: Rút ngắn quy trình giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường từ 125 ngày theo luật hiện hành xuống còn khoảng 80 ngày. Đồng thời, Dự thảo Luật bỏ quy định yêu cầu bắt buộc phải nộp tài liệu, giấy tờ có liên quan về thiệt hại khi nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường; bỏ các quy định về giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Đặc biệt, phạm vi khôi phục danh dự theo Dự thảo Luật sửa đổi được mở rộng không chỉ đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự mà còn cả đối với người bị thôi việc trái pháp luật, bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng sai.
Theo đó, phân định rõ 2 hình thức phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân, nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại; đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Còn việc phục hồi danh dự đối với cá nhân là người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.