Người bị tạm giam vẫn có quyền bầu cử

(PLO) - Cuối tuần qua, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013 đã họp Phiên toàn thể lần thứ 6.
Bầu cử là quyền chính trị cơ bản, thiêng liêng nhất,
đáng tôn trọng nhất của công dân
Một nội dung nhận được nhiều ý kiến của các thành viên Hội đồng là các quy định của Dự án Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND được hợp nhất trên cơ sở hai đạo luật về bầu cử hiện hành.
Quyền chính trị quan trọng nhất
Có thể nói, Dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có phạm vi điều chỉnh mở rộng hơn khá nhiều so với Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND hiện hành; đồng thời có nhiều nội dung cần được xem xét, cân nhắc kỹ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Dự án Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được trình trong thời gian tới theo Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp (HP) 2013 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung một số nội dung mới, bước đầu cụ thể hóa các quy định của HP 2013 liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia. 
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, Dự thảo Luật còn thiếu những quy định mang tính cải cách, đột phá nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND thời gian qua như việc quy định cứng thời điểm bầu cử từ 7h sáng đến 7h tối là quá dài, chưa thực sự hợp lý; tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND về cơ bản vẫn giữ nguyên như Luật hiện hành sẽ khó đảm bảo được mục đích nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH, đại biểu HĐND để đảm đương những nhiệm vụ mới theo quy định của HP 2013… Bên cạnh đó, một số quy định của HP 2013 về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, cơ chế phối hợp giữa Hội đồng Bầu cử quốc gia với Chính phủ cũng chưa được quy định cụ thể tại Dự thảo Luật…
Bầu cử là quyền chính trị cơ bản, thiêng liêng nhất, đáng tôn trọng nhất của công dân đã được HP quy định. Vì vậy, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Dự thảo Luật cần thể hiện được tinh thần của HP mới, đề cao quyền tự quyết của công dân. GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, bầu cử cũng là phương thức kiểm soát quyền lực tốt nhất bởi cứ 5 năm một lần thể hiện thái độ của người dân với người ứng cử. 
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ thì nêu quan điểm, Dự thảo cần nêu bật nguyên tắc tự do bầu cử, tự do ứng cử nên cần có quy định về tự ứng cử. “Về cơ bản Dự thảo vẫn như cũ, không có gì mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền dân chủ thì quyền bầu cử phải là quyền đầu tiên, mở màn, không quyết liệt sẽ khó tạo động lực” – ông Thọ nhận xét.
Quyền bầu cử của công dân Việt Nam ở nước ngoài
Điều 27 HP quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử” . Do đó, việc tổ chức bầu cử đối với công dân Việt Nam đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài là cần thiết, bảo đảm quyền công dân của những đối tượng này. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Công tác đại biểu (UBTVQH) Hà Minh Sơn, trong điều kiện hiện nay, việc tổ chức bầu cử đối với công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài tương đối khó khăn, vì vậy không quy định cụ thể trong Luật này mà để UBTVQH quy định khi có đủ điều kiện thực hiện. 
“Công dân Việt Nam ở nước ngoài sẽ bầu cử cho ai – ĐBQH hay đại biểu HĐND, bầu cử ĐBQH thì ở đơn vị nào, ai kiểm phiếu…, nói chung là nhiều tranh cãi và chúng tôi cho rằng đây là vấn đề lớn phải trình xin ý kiến Quốc hội” – ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh khẳng định, Dự thảo Luật không quy định quyền bầu cử của công dân nước ngoài là thiếu, khó mấy cũng phải làm. Ông Nguyễn Phước Thọ bày tỏ, hiện có gần 4 triệu công dân Việt Nam ở nước ngoài, HP nêu rõ đây là bộ phận không tách rời, máu thịt mà bầu cử lại loại họ ra thì phải xem xét khi đây là quyền rất chính đáng. “Không thể bỏ được nhưng ở mức độ nào là vấn đề cần tính toán” – ông Thọ cân nhắc. 
Còn nếu vẫn theo phương án giao cho UBTVQH, ông Hoàng Thế Liên đề xuất cần có quy định ủy quyền cho UBTVQH có cơ sở pháp lý ban hành pháp lệnh quy định về vấn đề này với việc giới hạn rõ phạm vi, nội dung, thời gian ủy quyền.
Cũng theo quy định của HP 2013 tại Điều 31: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực  pháp luật”. Người bị tạm giam là người chưa bị kết án bởi bản án có hiệu lực của Tòa án. Mặt khác, Điều 16 HP quy định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Do vậy, nhiều thành viên Hội đồng băn khoăn với quy định về việc không được ghi tên vào danh sách cử tri đối với đối tượng người đang bị tạm giam của Dự thảo Luật, dù ông Hà Minh Sơn lý giải có nhiều người phản ứng rằng vẫn cho người bị tạm giam, tạm giữ đi bầu cử thì người ta sẽ không đi bầu cử. 
Bàn về những quy định trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ, qua một số chuyến công tác nước ngoài đã nhận được câu hỏi của nhiều Việt kiều là hỏi bao giờ cho họ bầu cử. “Việt kiều về nước thì không nói làm gì, nhưng với công dân Việt Nam ở nước ngoài, vấn đề kỹ thuật phải được quy định cụ thể, nếu tổ chức sẽ như thế nào, còn giao UBTVQH rất cần cân nhắc. Đây là quyền công dân, chỉ bị hạn chế bởi luật, đòi hỏi phải quy định sao cho bảo đảm bình đẳng để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó, đóng góp cho đất nước” - Bộ trưởng kết luận.

Đọc thêm