Người cán bộ tư pháp gần dân

(PLO) - Một cán bộ xã luôn đến từng thôn, xóm, thậm chí từng nhà vận động người dân đi đăng ký khai sinh cho trẻ theo đúng thời hạn luật định, đồng thời tuyên truyền phổ biến cho thanh niên nam nữ hiểu được quyền đăng ký kết hôn khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng, phân tích cặn kẽ thấu tình, đạt lý cho các cặp vợ chồng có mâu thuẫn nhận ra được cái sai của mình và quay về sống hạnh phúc với nhau… Đó là anh Phạm Ngọc Hinh, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Anh Phạm Ngọc Hinh giải quyết công việc hành ngày cho dân
Bám sát từng nhóm đối tượng để tuyên truyền hiệu quả
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội vào năm 2001, với sức trẻ và bầu nhiệt huyết, hành trang trên vai của chàng thanh niên trẻ khi mới ra trường là một ba lô tri thức, anh Hinh tình nguyện quay trở về quê hương Ninh Mỹ công tác và đảm nhiệm công việc của một cán bộ tư pháp - hộ tịch. 
Lúc đầu công việc còn mới mẻ,  thực tế hoàn toàn khác so với những kiến thức mà anh đã học được khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên anh đã gặp không ít khó khăn. Nhưng anh đã xác định rõ nhiệm vụ của một cán bộ tư pháp xã là cánh tay đắc lực của chính quyền địa phương về các vấn đền liên quan đến pháp luật và là địa chỉ tin cậy để người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 
Với tinh thần trách nhiệm cao cộng với lòng nhiệt tình say mê công việc, anh Hinh luôn xác định phải không ngừng học tập nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đồng thời học hỏi những cách làm hay từ các xã lân cận để triển khai tại xã nhà. Đặc biệt, anh luôn tìm tòi nghiên cứu những nội dung văn bản pháp luật mới, đồng thời tự nghiên cứu sách báo để áp dụng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của mình đúng thời điểm, đúng đối tượng. 
Anh tâm sự: “Ninh Mỹ là địa phương có dân số đông, với gần 6.000 nhân khẩu, nhân dân trong xã lại sống chủ yếu bằng nghề nông, những lúc nông nhàn một số người dân lên các thành phố lớn để tìm việc làm tăng thêm thu nhập, một số thì lười lao động thường tụ tập đua đòi ăn chơi lêu lổng dẫn đến trộm cắp, vi phạm pháp luật, vì vậy tại các hội nghị tuyên truyền tôi phải luôn bám sát từng nhóm người dân cũng như các đối tượng để tuyên truyền các văn bản pháp luật cho phù hợp”. 
Thực hiện Đề án số 16/ĐA-UBND ngày 04/12/2009 của UBND tỉnh; Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 22/7/2010 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án số 16 của UBND tỉnh Ninh Bình về phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn tỉnh, anh đã tham mưu với UBND xã kiện toàn Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật xã với 1 báo cáo viên và 4 tuyên truyền viên, thành lập 9 tổ hòa giải tại các thôn, xóm với 63 hòa giải viên; tham mưu với UBND xã phối hợp với Phòng Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức 05 hội nghị tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở; tham mưu với UBND xã xây dựng các chuyên mục “hỏi đáp pháp luật”, “chuyên mục pháp luật với đời sống”, “chuyên mục giới thiệu các văn bản pháp luật mới” phát trên đài truyền thanh của xã; tham mưu với UBND xã xây dựng các tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa các thôn xóm, hiện nay trên địa bàn xã đã có tới 15 tủ sách pháp luật với trên 50 đầu sách, thu hút hàng nghìn lượt người dân đến tra cứu, tìm hiểu, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân.
Góp phần đẩy lùi vi phạm pháp luật 
Anh còn tham mưu với UBND xã thành lập các câu lạc bộ (CLB) như: “CLB Nông dân với pháp luật”, “CLB Phụ nữ với pháp luật”, “CLB Trợ giúp pháp lý với phụ nữ”, các CLB trên hoạt động đều đặn một lần/tháng thu hút hàng trăm lượt người tham gia; bên cạnh đó, anh còn tham mưu giúp UBND xã thành lập các tổ hòa giải tại các thôn, xóm, hiện 9/9 thôn, xóm đã thành lập được tổ hòa giải. 
Trong suốt 14 năm làm công tác tư pháp tại xã nhà, anh đã trực tiếp tham gia hòa giải hơn 400 vụ việc trong đó  hòa giải thành 367 vụ việc (đạt tỷ lệ 90%) chủ yếu là các xích mích, mâu thuẫn nhỏ, góp phần giữ gìn bình yên thôn, xóm.
Hàng năm anh còn tham mưu cho UBND xã tổ chức đều đặn, có hiệu quả “Tháng An toàn giao thông”, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp “Vận động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vận động nhân dân hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia không hút thuốc lá”, vận động cán bộ, công chức trong cơ quan không hút thuốc lá nơi công sở và vận động các hộ gia đình trên địa bàn xã đăng ký xây dựng “Hộ gia đình văn hóa”, “Gia đình không có người nghiện ma túy và mắc các tệ nạn xã hội”…
Anh Hinh còn có nhiều sáng kiến hay trong công tác đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực. Hiện nay trên địa bàn xã không còn tình trạng tảo hôn, nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn và đặc biệt là không còn tình trạng trẻ em đăng ký khai sinh quá hạn.
Để đạt được những thành quả đó thật không phải dễ dàng, nhưng với niềm đam mê trong công việc cùng với sự giúp đỡ và sự phối kết hợp nhịp nhàng của các ban, ngành địa phương nên anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà chính quyền, địa phương đã tin tưởng giao phó.
Với những cống hiến của anh Phạm Ngọc Hinh, công tác tư pháp ở xã Ninh Mỹ luôn được đánh giá là đơn vị xuất sắc và dẫn đầu huyện Hoa Lư. Hàng năm, anh Phạm Ngọc Hinh luôn đạt danh hiệu đảng viên ưu tú, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND huyện và Sở Tư pháp, đặc biệt năm 2014 anh vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp.
Ninh Mỹ ngày nay đã khoác trên mình bộ áo mới, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, đường bê tông nông thôn đã vào đến tận các thôn, xóm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững, không còn tình trạng tảo hôn, vi phạm pháp luật, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài… Có được những thành quả đó có sự đóng góp một phần không nhỏ của anh Phạm Ngọc Hinh. 

Đọc thêm