Người chết 6 năm vẫn bị Phó chủ tịch Long Biên ra quyết định thu hồi đất

Ký “trát” thu hồi đất đối với một bà lão chết đã 6 năm chỉ là một trong số nhiều bê bối liên quan đến việc ký rồi hủy các quyết định hành chính của vị Phó chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) trong công tác giải phóng mặt bằng dự án  xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 1B đến Khu đô thị mới Việt Hưng 

Ký “trát” thu hồi đất đối với một bà lão chết đã 6 năm chỉ là một trong số nhiều bê bối liên quan đến việc ký rồi hủy các quyết định hành chính của vị Phó chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) trong công tác giải phóng mặt bằng dự án  xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 1B đến Khu đô thị mới Việt Hưng …

Như Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, năm 2010, Tp Hà Nội ra quyết định 4138 phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 1B đến Khu đô thị mới Việt Hưng với tổng mức đầu tư lên đến 724 tỷ đồng.  

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư là UBND quận Long Biên bị cho đã “làm cho qua chuyện” hoặc bỏ qua nhiều thủ tục. Theo đó, dựa vào báo cáo của phường Phúc Lợi, ngày 5/10/2011, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Huy Chiến đã ký quyết định thu hồi đất đến từng hộ. Thế nhưng, 7 tháng sau, 27/4/2012 UBND Tp. Hà Nội mới ban hành quyết định thu hồi đất tổng thể số 1753.

Đặc biệt, quận Long Biên cũng “dự báo” được văn bản sẽ ban hành bằng việc “đi trước một bước” khi ra quyết định thu hồi đất của người dân. Ví dụ, quyết định số 4466 do quận Long Biên ban hành ngày 5/10/2011 thu hồi 120m2 đất nông nghiệp đối với hộ ông Trần Tuyết Hòa ở phường Phúc Lợi lại căn cứ “văn bản số 3703 ngày 25/10/2011 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội…”.

Một dự án hơn 700 tỷ đồng, liên quan đến quyền lợi của 1.301 hộ dân, nhưng cách tiến hành các thủ tục pháp lý để thực hiện lại quá cẩu thả, thiếu trách nhiệm khi bỏ qua hàng loạt thủ tục liên quan đến quyền lợi sát sườn của người bị thu hồi đất.

Theo đó, “Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi và Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng không có bất kỳ hoạt động tổ chức họp công khai, phát tờ khai để những hộ dân có đất bị thu hồi  thực hiện việc kê khai theo luật định. Với cách làm qua quýt đó, quận Long Biên đã ra văn bản, thu hồi đất của người đã chết, hoặc thu hồi hồi nhầm đất…  Nếu có việc kê khai thì người dân sử dụng đất không thể kê khai tên người đã chết, không thể khai tên người khác vào đất nhà mình!”, đơn phản ánh của người dân, cho biết.

Cụ thể, tính đến thời điểm bị thu hồi 119m2 đất (năm 2011), bà Chu Thị Lâm (tổ 13, phường Phúc Lợi) đã mất được 6 năm (bà Lâm mất năm 2005). Trên thực tế, tài sản đất đai này của bà Lâm sau khi mất đã được cháu bà là Chu Thị Hồng Hạnh thừa kế hợp pháp. Tuy nhiên, quận Long Biên vẫn ra quyết định thu hồi đất đối với bà Lâm. Chỉ sau khi bà Hạnh khiếu nại, ngày 28/9/2012, Phó chủ tịch quận Long Biên Đỗ Huy Chiến mới ký quyết định số 4199 giao đơn vị tham mưu điều chỉnh quyết định thu hồi từ bà Lâm sang bà Hạnh.

Thế nhưng, quyết định 4199 lại tiếp tục mắc lỗi. Theo đó, quyết định này nói giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho quận điều chỉnh quyết định thu hồi đất số 5597 của quận Long Biên, từ “thu hồi 119m2 đất nông nghiệp của hộ bà Nguyễn Thị Cổn” thành “thu hồi 119m2 đất nông nghiệp của hộ bà Chu Thị Hồng Hạnh”.

Chưa biết bà Cổn sẽ phản ứng như thế nào với việc Phó chủ tịch quận Long Biên buộc bà Cổn phải “thế vai” cho người đã khuất? - Bởi bà Cổn, theo người dân ở phường Phúc Lợi, là con dâu của bà Lâm.

Trong một diễn biến bất ngờ khác, là người tự tay mình ký các quyết định cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất, Phó chủ tịch quận Long Biên Đỗ Huy Chiến sau đó đã phải đặt bút ký thêm quyết định hủy việc cưỡng chế, do chính ông ký trước đó.

Ngày 30/8/2012, ông Chiến ký quyết định số 3565 về việc cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi 78,4m2 đất của bà Nguyễn Thị Thâu. Tuy nhiên, sau đó, ông Chiến đã ký quyết định số 4450 huỷ quyết định số 3565.

Không riêng gì trường hợp bà Thâu, rất nhiều trường hợp có quyết định cưỡng chế do ông Chiến ký, nhưng sau đó cũng chính ông này ban hành quyết định “phủ nhận” hiệu lực các văn bản do chính ông Chiến ban hành.

Điều đặc biệt, trong tháng 11/2012, ngay sau khi báo chí lên tiếng, người dân mới nhận được các quyết định huỷ này, nhưng ngày tháng trong văn bản lại được đề vào thời điểm 10/2012. Các quyết định huỷ quyết định cưỡng chế đều không nêu lý do hủy…

Như Trang

Đọc thêm