Người chống tiêu cực ở ĐH Ngoại thương bị trù dập?

(PLO) - Kết luận thanh tra của Bộ GD & ĐT chưa đi đến cùng bản chất sự việc những vấn đề mấu chốt, cần làm rõ trắng đen, phải trái thì chỉ dừng lại ở mức “chưa đủ cơ sở kết luận” đã khiến cho tình hình tại trường Đại học Ngoại thương tiếp tục bất ổn. Cán bộ Đảng viên chống tiêu cực thì bức xúc và bất bình, mất niềm tin ở cơ quan quản lý giáo dục.
Người chống tiêu cực ở ĐH Ngoại thương bị trù dập?
Bất ổn, diễn biến xấu
Thái độ bất bình đối với kết luận thanh tra hiện không dừng lại chỉ ở những xì xào, bàn tán của một số cán bộ trong trường hay những bình luận mỉa mai sau lưng hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được cho là khôi hài mới được tổ chức gần đây, mà còn thể hiện ở những lá đơn vượt cấp lên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và  nhi đồng và Thanh tra chính phủ. 
Trong một lá đơn như vậy, TS. Nguyễn Huyền Minh, một giảng viên đang công tác tại trường này không ngần ngại bày tỏ thái độ: “Kết luận chưa đi đến tận cùng sự việc, đặc biệt đối với những vấn đề hết sức nghiêm trọng như dấu hiệu tham ô, tư lợi nhiều tỷ đồng của một phó hiệu trưởng nhà trường phụ trách mảng cơ sở vật chất, dự án, kế toán tài vụ. Điểm bất thường là thanh tra đã không làm rõ (hoặc không kết luận) các vấn đề mà chính các thành viên trong đoàn đã mắt thấy, tai nghe và ký xác nhận vào biển bản làm việc. Kết luận như vậy thì không có gì ngạc nhiên khi tình hình nhà trường vẫn tiếp tục bất ổn, diễn biến xấu đi sau thanh tra”.    
“Sau khi có kết luận thanh tra, Bộ GD & ĐT tình hình ở trường Đại học ngoại thương trở nên căng thẳng hơn, bức xúc hơn và các sai phạm vẫn tiếp diễn. Một số cán bộ nhà trường đã có đơn phản đối kết luận này tới các đồng chí lãnh đạo của Bộ GD & ĐT và nhiều lãnh đạo cao cấp khác”- bà Nguyễn Thị Thúy, Đảng viên, sinh hoạt tại Chi bộ Đào tạo- Tại chức, trường Đại học ngoại thương cho biết. 
Trước đó, Thanh tra Bộ GD & ĐT đã tiến hành thanh tra một số hoạt động của Trường Đại học ngoại thương từ ngày 18/3 đến 8/5/2013 với 3 nội dung về tài chính, 5 nội dung về cơ sở vật chất, 2 nội dung về đạo tạo tuyển sinh, 3 nội dung về tổ chức cán bộ do có đơn tổ cáo. Đến ngày 16/7/2013 có kết luận chính thức.  
“Qua thanh tra một số nội dung thuộc bốn nhóm vấn đề: Tài chính; tuyển sinh, đào tạo; Cơ sở vật chất; Tổ chức cán bộ cho thấy một số phản ánh không đủ chứng cứ để kết luận, đồng thời cho thấy trường còn một số thiếu sót, sai phạm. Nguyên nhân là do nhận thức của trường về tự chủ  và tự chịu trách nhiệm cũng như một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến việc thực hiện chưa đúng.”- Kết luận thanh tra nêu.    
Trù úm?
Ngày 11/10/ 2013, theo yêu cầu của Bộ GD & ĐT tiến hành họp kiểm công chức theo kết luận. Thế nhưng cuộc họp kiểm điểm đã diễn ra khá khôi hài, thay vì kiểm điểm các công chức có hành vi vi phạm pháp luật thì Bộ  lại yêu cầu cả hai phó hiệu trưởng hoàn toàn không có hành vi vi phạm pháp luật theo kết luận thanh tra phải tiến hành kiểm điểm luôn một thể. 
“Trong khi theo quy định của Chính phủ, khi người có hành vi vi phạm pháp luật là thành viên Ban giám hiệu (Hiệu trưởng, hiệu phó) thì người có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm phải là người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp, tức Bộ trưởng Bộ GD &ĐT, hoặc ít ra phải là Thứ trưởng. Tuy nhiên, cuộc họp nói trên, khi Bộ tổ chức kiểm điểm công chức để thực hiện Kết luận thanh tra thì người đứng đầu đoàn công tác của Bộ chỉ là Phó chánh thanh tra – ông Phạm Ngọc Trúc, tức hàm phó vụ trưởng còn người bị kiểm điểm là hiệu trưởng, tức hàm Vụ trưởng. Tại cuộc họp, ông Trúc cũng chẳng xuất trình giấy ủy quyền của Bộ trưởng.”- một cán bộ tham dự cuộc họp này thắc mắc. 
Cũng theo vị này, tại cuộc họp kiểm điểm này, trong thành phần dự họp về phía Trường có 14 người, trong đó đã có tới 6 người bị thanh tra kết luận là có thiếu sót, sai phạm. Như vậy, những người có sai phạm trong kết luận thanh tra lại được quyền họp kiểm điểm để phán xét người hoàn toàn không có hành vi vi phạm gì. Thậm chí, sau khi kiểm điểm những người có hành vi vi phạm, thay vì chỉ đạo các thành viên dự họp bỏ phiếu đề xuất có kỷ luật hay không đối với những người có hành vi vi phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra thì Bộ lại chỉ đạo bỏ phiếu đề xuất đối với tất cả hai phó hiệu trưởng hoàn toàn không có vi phạm theo kết luận thanh tra. 
“Với thành phần dự họp và chỉ đạo của Bộ như vậy nên kết quả là hai người trong Ban giám hiệu là Ông Hoàng Văn Châu- hiệu trưởng  (người bị kết luận là có thiếu sót sai phạm tới 14 lần trong Kết luận thanh tra) và Bà Đào thị Thu Giang – phó hiệu trưởng (người cũng có nhiều lần bị kết luận là có thiếu sót, sai phạm) lại được đa số phiếu đề nghị không xử lý kỷ luật, còn hai phó hiệu trương hoàn toàn không vi phạm, lại bị đa số đề nghị xử lý kỷ luật. Có lẽ họ bị đề nghị xử lý kỷ luật vì “Tội” đã ủng hộ các cán bộ, giáo viên đã dám vạch trần các sai phạm của ông Châu, bà Giang”- vị này ngán ngẩm.
Trước đó, ngày 20/9/2013, ông hiệu trưởng cũng đã tổ chức một cuộc họp kiểm điểm viên chức và thành phần chủ yếu cũng bao gồm những người sai phạm ở cấp trưởng phó phòng nhưng rồi cũng không kỷ luật được ai. Rõ ràng, những diễn biến như vậy tại trường Đại học Ngoại thương không chỉ thể hiện sự yếu kém, coi thường luật pháp mà còn thể hiện sự chỉ đạo yếu kém, thậm chí có biểu hiện bao che của Bộ GD & ĐT. 
 “Về việc xét thi đua khen thưởng, để loại chúng tôi khỏi danh sách chiến sĩ thi đua, ông hiệu trưởng đã ra nhiều quyết định thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng. Cùng 1 ngày, cùng 1 quyết định mà có tới 2 danh sách thành viên: 1 danh sách 27 người, một danh sách 31 người. Sở dĩ như vậy, vì danh sách 27 người khó có thể loại được chúng tôi. Do vậy ông đã bổ sung thêm 4 người tích cực bảo vệ sai phạm của họ vào. Trước khi có kết luận loại họ 2 người chúng tôi trượt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp trường, sau khi công bố kết luận loại tiếp 3 người nữa. 5 người này là những người thẳng thắn đấu tránh tiêu cực. ” - một vị cho biết.