Người chuyển giới - “vô hình trong luật pháp Việt Nam”

(PLO) - Việt Nam có khoảng 100.000 người chuyển giới, chiếm khoảng 0,3% đến 0,5% dân số và trong đó có một số người chuyển giới thành công hoạt động trong lĩnh vực giải trí như ca sĩ Hương Giang Idol, Lâm Chí Khanh, Cindy Thái Tài… Thế nhưng, hầu hết người chuyển giới Việt Nam lại đang sống như những kẻ bên lề pháp luật.
Một người chuyển giới đang bày tỏ quan điểm của mình tại Hội thảo
 Hội thảo “Chuyển giới: Người vô hình trong pháp luật Việt Nam - Một số đề xuất liên quan tới quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự (BLDS)” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vừa tổ chức hôm 27/6 đang nói lên tiếng nói cấp thiết của người chuyển giới khi họ bị cộng đồng kỳ thị và chưa được pháp luật bảo hộ tốt nhất. 
Khát khao được pháp luật công nhận quyền bình đẳng của con người
Các nghiên cứu trên góc độ quyền của người chuyển giới do iSEE tiến hành trong những năm gần đây đã cho thấy rất nhiều vấn đề mà những người chuyển giới đang phải đối mặt.
Về sức khỏe, người chuyển giới gặp nhiều vấn đề cả thể chất lẫn tinh thần. Họ không dám đi khám tại các cơ sở y tế vì sợ bị kỳ thị, tự dùng hoóc-môn không có hướng dẫn, phẫu thuật cấy ghép “chui” do không được pháp luật cho phép. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và cả bạo lực từ gia đình và xã hội đã khiến nhiều người trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc hành động tự tử trên thực tế.
Dù có học vấn hay không, người chuyển giới cũng hầu như không xin được việc làm, dù đây là nguyện vọng tha thiết để đảm bảo sự sinh tồn. Hậu quả là, nhiều người phải làm những công việc chịu sự kỳ thị nặng nề hơn, như đi hát cho đám tang hoặc thậm chí bán dâm. 
Người chuyển giới hầu như không được sự thừa nhận và bảo vệ nào của pháp luật, bởi pháp luật Việt Nam hiện không cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu) cũng như trong các đăng ký nhân thân khác (như khai sinh, hộ tịch...) trừ trường hợp giới tính sinh học có khuyết tật bẩm sinh hoặc phải nhờ sự can thiệp của y học mới định hình chính xác. Pháp luật cũng không cho phép phẫu thuật chuyển giới dựa vào ý muốn chủ quan. 
“Nhiều người chuyển giới dường như đang sống “ngoài vòng pháp luật”, do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật” - ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE cho biết.
BLDS đang được lấy ý kiến cho việc sửa đổi và trình Quốc hội vào tháng 10/2014. Tại hội thảo, nhiều đại diện của cộng đồng người chuyển giới bày tỏ mong muốn được Bộ luật bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân của mình, như quyền phẫu thuật xác định lại giới tính, quyền đổi tên, quyền được thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật…
“Cần quyền xác định lại giới tính và quyền chuyển đổi giới tính”
Bà Nguyễn Ngọc Hà - một luật gia đã dành nhiều năm nghiên cứu về quyền lợi của nhóm người chuyển giới - bày tỏ:  “Để đảm bảo được quyền của người chuyển giới là một lộ trình dài và khó khăn hơn rất nhiều so với người đồng tính. Đây không chỉ là cuộc vận động về mặt xã hội mà còn là cuộc vận động về mặt chính sách”.  
Để có thể giải quyết được quyền xác định lại được giới tính hay chuyển đổi giới tính, Dự thảo BLDS cần phải đưa ra định nghĩa cụ thể về giới tính. Một số quốc gia đã công nhận một giới tính khác được gọi là “X”, ngoài giới tính sinh học nam và nữ. Việc định nghĩa cụ thể về giới tính sẽ giải quyết các vấn đề về quyền nhân thân của người chuyển giới cũng như của người đồng tính, song tính nói chung.
Theo các chuyên gia, nên bổ sung “quyền chuyển đổi giới tính”  trong một điều luật mới. Dự thảo BLDS nên bổ sung quyền chuyển đổi giới tính như là quyền dân sự của mỗi cá nhân để có thể giúp những người chuyển giới xác định lại giới tính theo bản dạng giới của mình; đồng thời có thể đưa ra các điều kiện để thực hiện chuyển đổi lại giới tính như độ tuổi, thời gian thử thách sống với giới tính đó... để tránh tình trạng lạm dụng quyền chuyển đổi giới tính với mục đích xấu.  
Trong thời gian tới, theo khuyến nghị của Hội thảo, Việt Nam cũng nên lưu tâm nhiều hơn đến Luật Bình đẳng giới. Đây là một luật rất quan trọng nhằm phá vỡ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, mà còn có thể tiến xa hơn là bảo vệ quyền của những người trong cùng một giới. Trong tương lai, khái niệm về “bình đẳng giới” có thể được mở rộng không chỉ trong giới tính sinh học mà còn bình đẳng trong xu hướng tính dục và bản dạng giới…

Đọc thêm