Cái chết của chị gây hoang mang cho những người chuyển giới. Điều đáng nói là hiện nay do luật pháp chưa cho phép nên không có một cơ sở y tế nào làm dịch vụ chăm sóc y tế đặc thù cho người chuyển giới. Họ đành tự xử lý. Nguy hiểm cũng từ đó mà ra.
Từng có những biến chứng khác
Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc truyền thông ICS (tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới), cho biết khi chị H. lâm nguy, cộng đồng người chuyển giới đã chung tay chăm sóc, đưa chị vào bệnh viện điều trị nhưng chị H. không qua khỏi. Nhiều người đã rất hoang mang, lo lắng cho thân phận mình.
Cát Thy, một trong những người chuyển giới tại TP.HCM, cho biết chị sang Thái Lan chuyển giới đã bảy năm nay. “Hai năm đầu sau chuyển giới, em uống thuốc tránh thai thường xuyên để tăng nội tiết tố nữ nhưng thuốc này có tác dụng phụ là làm cho giọng em trầm xuống hẳn nên em chuyển sang chích hóc-môn. Đến nay, một tháng em chích từ 4 đến 5 lần.
Em tự ước lượng mình chích liều lượng chừng đó đủ để cho da đẹp, hết cơ bắp, không mọc rậm lông thôi. Câu chuyện của chị H. em cũng thấy sợ nhưng em không thể ngừng tiêm hóc-môn được. Ngừng tiêm là cơ thể sẽ trở lại như đàn ông, đó là điều đáng sợ nhất của bọn em”, Cát Thy bộc bạch.
Cát Thy cho biết trước đây đã có những người trong giới sau khi chích hóc-môn thì bị teo cơ, liệt tay; có người đã mất vì gây biến chứng ở tim sau khi tiêm. Lo lắng biến chứng sau tiêm, Cát Thy đã tìm đến các dịch vụ y tế nhưng nơi nào cũng cầm hộp thuốc lên rồi lắc đầu từ chối vì không có toa thuốc chỉ định.
Cát Thy (đứng) tại một hội thảo dành cho người chuyển giới. Ảnh: TM |
Biết nguy hiểm vẫn dùng
Hiện nay, nguồn của hóc-môn do những người chuyển giới sang Thái mua về rồi bán lại cho những người khác.
Jessica, một trong những người phân phối nguồn hàng này, cho hay, chị chuyển giới từ bảy năm trước. Ban đầu chị nhờ người mua từ Thái Lan đem về. Sau này, khi biết địa chỉ rồi thì có ai qua đó chị gửi mua giùm. “Em chỉ biết trong hộp thuốc đó có tờ giấy, lên mạng tra Google dịch thì biết là estrogen làm tăng nội tiết tố nữ nhưng tác dụng phụ có thể hại đến xương, gan, nóng trong người, giảm canxi…
Lúc đầu, em không tự tiêm được phải nhờ người khác tiêm giùm và bị áp xe, mưng mủ, hành sốt, may mà qua khỏi. Bản thân em hiện nay tiêm mỗi tháng một lần. Với những người mới chuyển giới không biết cách tiêm thì em tiêm giùm cho họ luôn. Em đang tiêm cho hơn 10 người”.
Jessica cho biết tính đến nay chị đã tiêm cho cả trăm người. Là một tình nguyện viên chuyên đi truyền thông phòng chống HIV, dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tiêm hóc-môn nhưng Jessica vẫn luôn lo lắng độ an toàn sau mỗi lần tiêm.
Ông Huỳnh Minh Thảo cho biết tổ chức ICS đã có khuyến cáo là không được sử dụng hóc-môn bừa bãi, không thể truyền miệng để sử dụng một liều lượng thuốc giống nhau cho mọi người được nhưng nhu cầu người chuyển giới là quá lớn. “Họ đã liều đánh đổi để được sống trong cơ thể mong muốn dù chỉ là khoảng thời gian ngắn” - ông Thảo nói.
"Hiện luật pháp chưa cho phép nên không có cơ sở y tế nào thực hiện các dịch vụ chăm sóc y tế đặc thù cho người chuyển giới. Chúng tôi cũng vừa có một nghiên cứu với 223 người chuyển giới nên biết rằng rất nhiều người cần được chăm sóc y tế chứ không thể để họ tự xử, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Đây là nhu cầu có thật và chính đáng, rất mong các nhà làm luật cân nhắc để điều chỉnh", TS Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường nói.