Không nên hạn chế người chuyển giới xác định lại giới tính
“Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do không được thay đổi giới tính trên giấy tờ hộ tịch sau khi phẫu thuật chuyển giới. Chúng tôi thành khẩn mong các nhà làm luật lên tiếng, bảo vệ quyền của những người chuyển giới với việc xem xét qui định cho phép người chuyển giới xác định lại giới tính” – một người chuyển giới (từ nam sang nữ) tâm sự tại diễn đàn. Đây cũng là thực tế mà các chuyên gia trong và ngoài nước phản ánh về những vướng mắc trong cuộc sống của người chuyển giới và công tác quản lý đối với những người này.
Bà Shoko Ishikawa (Trưởng Cơ quan đại diện của Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) khuyến nghị, Dự thảo Luật Hộ tịch nên cho phép xác định lại giới tính của người chuyển giới và qui định điều kiện cho việc xác định lại giới tính cho phù hợp với các qui phạm quốc tế; đồng thời bỏ những qui định có thể hạn chế người chuyển giới tiếp cận việc xác định lại giới tính, thay đổi giới tính về mặt pháp lý và/hoặc thay đổi tên như việc không cấp giấy tờ hộ tịch cho người chuyển giới.
Nhưng theo ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp), hiện pháp luật Việt Nam chưa qui định hay công nhận việc chuyển giới bằng phẫu thuật mà chỉ qui định về xác định lại giới tính đối với những trường hợp khi sinh ra có sự xác định nhầm giới tính tự nhiên của cá nhân. Đối với việc xác định lại hộ tịch (giới tính) thì khi có quyết định xác định giới tính của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tư pháp - hộ tịch sẽ làm thủ tục điều chỉnh lại thông tin giới tính của cá nhân trong dữ liệu hộ tịch. Dự thảo Luật Hộ tịch chỉ qui định thay đổi hộ tịch liên quan đến giới tính của người chuyển giới khi Nhà nước thừa nhận trong các luật nội dung về quyền chuyển đổi giới tính của người dân.
Cũng liên quan đến vấn đề giới tính trong đăng ký hộ tịch, chuyên gia UNDP chỉ ra rằng, qui định của Dự thảo Luật Hộ tịch về việc “giới tính của trẻ em được điền trong giấy tờ khai sinh là nam hoặc nữ” sẽ gây ra lúng túng trong trường hợp giới tính của đứa trẻ không xác định được do khi đứa trẻ được sinh ra cơ quan sinh dục không thể hiện rõ theo hướng nam hay nữ. Và để xác định rõ đứa trẻ là nam hay nữ, cha mẹ sẽ phải đề nghị tiến hành phẫu thuật cho trẻ và đứa trẻ sẽ phải điều trị hoóc môn suốt đời, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sức khỏe.
Vì thế, chuyên gia UNDP khuyến nghị, Dự thảo Luật cần qui định các biện pháp nhằm bảo đảm quyền của trẻ em ngay từ khi đăng ký khai sinh, trong đó có phương án để đăng ký giới tính cho những đứa trẻ sơ sinh liên giới tính hoặc trẻ sơ sinh có cơ quan sinh dục không rõ ràng...
Con của cặp đồng tính không bị hạn chế quyền khai sinh
Quyền của người di cư trở thành một trong những vấn đề được quan tâm tại diễn đàn về Dự thảo Luật Hộ tịch. Theo phản ánh của nhiều đại biểu, hiện đa số người di cư đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội công, nhất là giáo dục, y tế và phải bỏ ra những khoản chi phí rất lớn cho các nhu cầu này do những hạn chế trong việc đăng ký hộ tịch.
Vì thế, để tạo thuận lợi cho người dân, Bộ Tư pháp đề xuất qui định trong Dự thảo Luật Hộ tịch về việc cấp số định danh công dân và việc đăng ký hộ tịch không còn bị giới hạn theo địa giới hành chính mà có thể được thực hiện ở các cơ quan quản lý thuận tiện nhất đối với người dân.
Như vậy, dù sinh sống ở địa bàn nào thì việc đăng ký hộ tịch của người dân cũng được thực hiện đầy đủ và đảm bảo các quyền con người, quyền công dân xuất phát từ vấn đề hộ tịch. Đối với UNDP, bảo vệ quyền của người di cư, Dự luật cần làm rõ và đơn giản hóa thủ tục đăng ký khai sinh cho người di cư trong nước không cư trú ở quê gốc như cho phép người di cư đăng ký khai sinh cho con tại nơi tạm trú hoặc thường trú.
Theo đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phản ánh, do trình độ năng lực, đạo đức của cán bộ tư pháp - hộ tịch dẫn đến nhiều bất cập, thậm chí gây phiền hà khiến nhiều trường hợp không thực hiện đăng ký khai sinh. Bên cạnh đó, có trường hợp để thuận tiện cho việc đăng ký khai sinh cho trẻ, người dân đã phải “biến hóa” số phận trẻ em như từ trẻ được cha mẹ cho làm con nuôi thành trẻ bị bỏ rơi…
Do vậy, “Dự thảo Luật Hộ tịch đã có những qui định đầy đủ, bảo đảm các quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với các trẻ em trong đăng ký khai sinh” - TS.Trần Thất (chuyên gia độc lập) đánh giá. Tuy nhiên, chuyên gia của UNDP nhận thấy, Dự thảo Luật Hộ tịch không qui định rõ ràng về đăng ký khai sinh cho trẻ em là con ngoài giá thú hoặc con của người mẹ đơn thân là một “kẽ hở” lớn đối với xu hướng phát triển gia đình hiện nay…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: “Phải đổi mới tư duy về vấn đề đăng ký hộ tịch của công dân theo hướng bảo vệ quyền con người, quyền công dân như tinh thần Hiến pháp năm 2013 với mục tiêu chuyển việc đăng ký hộ tịch từ quản lý sang phục vụ tốt hơn, giảm thủ tục phiền hà cho người dân khi làm thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch”.
Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain: “Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân. Vì thế, các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Hộ tịch, trong tương lai cũng phải có những qui định tạo sự công bằng bảo vệ quyền công dân, quyền con người cho người dân”.