Người cuối cùng lay lắt trong “gia đình ung thư”

(PLO) -Đám tang người ung thư, quan niệm dân gian là người đang mắc bệnh ung thư không đến, nên bà day dứt: “Tôi chỉ tiếc nuối nhất vì bệnh của mình mà không được nhìn các con lần cuối, không thể đưa các con một đoạn đường”.
Người thân đã mất hết, bà Hịu sống một mình trong căn nhà xuống cấp
Người thân đã mất hết, bà Hịu sống một mình trong căn nhà xuống cấp

Nỗi buồn “gia đình ung thư”

Trong căn nhà tập thể ở tầng ba C6, khối 8, phường Quang Trung (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) không có đồ vật gì đáng giá, bà Nguyễn Thị Hịu (81 tuổi) khó nhọc nói: “Chồng mất, hai đứa con cũng lần lượt rời bỏ tôi về thế giới bên kia.

Giờ đây, tôi đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng. Chứng bệnh hành hạ đau đến mức chưa đêm nào tôi có giấc ngủ trọn vẹn. Hết uống thuốc giảm đau, cầm máu, tôi lại vào nhà vệ sinh ngồi, đến khi kiệt sức thì trườn ra ngoài. Với bệnh tình như này, tôi không chắc mình sẽ cầm cự được bao lâu nữa”.

Quê ở Thái Bình, năm 1958 sau khi lập gia đình với ông Nguyễn Quang Thắng, bà cùng chồng vào Nghệ An lập nghiệp. Bà Hịu làm công nhân ở Nông trường cao su 19/5 tại huyện Nghĩa Đàn, còn chồng vào bộ đội. Do đặc thù công việc nên ông Thắng thường xuyên xa nhà. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, kể cả chuyện chăm hai đứa con đều do một tay bà Hịu đảm nhận.

“Trong suốt thời gian công tác ở nông trường, rồi chuyển về Vinh, chẳng mấy khi tôi ốm đau, chồng con cũng vậy. Thế mà đến khi nhàn hạ một chút, cả gia đình tôi lần lượt mắc bệnh hiểm nghèo”, bà Hịu gạt nước mắt.

Theo lời kể, năm 2011 sau thời gian chịu đựng những cơn đau bụng âm ỉ bà mới đến bệnh viện thăm khám. Lúc này, người phụ nữ này hoảng hồn khi biết mình bị ung thư tử cung. Sau khi tiến hành mổ, uống thuốc theo phác đồ điều trị của bác sỹ, bà Hịu yên tâm trở về.

Khi sức khỏe chưa kịp phục hồi thì một năm sau, ông Thắng bị tai biến. “Ông nhà tôi bị tai biến nặng, nằm liệt một chỗ nên nửa người chết hẳn. Đến chuyện vệ sinh cá nhân, ông ấy cũng không chủ động được. Tất cả đều do một tay tôi lo liệu cả”, bà Hịu nhớ lại. 

Bà tâm sự, mỗi khi nhớ đến chồng, lại rơi nước mắt. “Vì đặc thù công việc vợ chồng luôn phải sống xa nhau. Vậy mà khi đoàn tụ chưa được bao lâu thì cả hai lần lượt đổ bệnh. Ông ấy không có khả năng tự ăn uống nên hàng ngày tôi phải xay thức ăn thành dạng cháo, bỏ vào xi lanh bơm vào miệng”. Ngày này qua tháng khác, vợ chồng bà sống lặng lẽ trong khu tập thể xuống cấp”. 

Một ngày giáp Tết năm 2015, chồng bà đột quỵ ngã xuống nền nhà. Do thời điểm đó bà Hịu đang điều trị tại bệnh viện nên trong nhà không có ai. May mắn là con cháu, hàng xóm phát hiện, phá cửa xông vào, nhờ đó ông Thắng đã qua cơn nguy kịch. Nhưng do bệnh tình ngày càng nặng, sức khỏe yếu nên tháng 9/2015, ông Thắng đã vĩnh viễn ra đi.

Tang chồng chưa hết thì một lần nữa người mẹ ấy phải để tang cho con trai cả Nguyễn Quang Thành. “Lúc con tôi phát hiện bị ung thư vòm họng. cháu đang công tác ở đơn vị bộ đội. Bệnh tình nặng nên sau đó, con trai tôi ra Bệnh viện K điều trị hai năm ròng. Vì lúc ấy tôi phải túc trực chăm chồng nên không phụ giúp được nó nhiều. Sau thời gian chạy chữa khắp nơi, con trai tôi đã từ giã cuộc đời”, bà Hịu buồn rầu.

Con trai mất chưa đầy 2 tháng, cô con gái thứ hai cũng đổ bệnh nặng. Bà Hịu kể: “Ngày 1/8/2016 nó chính thức cầm sổ hưu sau nhiều năm làm giáo viên mầm non thì hai ngày sau đổ bệnh. Mới đầu đi bệnh viện khám, bác sỹ chẩn đoán con gái tôi bị đau dạ dày. Nhưng sau mấy ngày uống thuốc mà bệnh tình không hề thuyên giảm, bác sỹ mới tiến hành thăm khám lại. Lúc này, họ thông báo con gái tôi đã bị ung thư tụy, giai đoạn cuối. Nghe tin đó, tôi hoàn toàn suy sụp, không ngờ “án ung thư” cứ dai dẳng đeo bám gia đình mình như vậy”.

Sau 5 tháng chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, người con ấy đã vĩnh viễn ra đi. “Kể từ lúc phát hiện ra bệnh đến khi cháu nhắm mắt chỉ trong vòng 6 tháng. Mới đó mà cháu đã đi được 3 tháng rồi. Chỉ trong vòng 2 năm, tôi lần lượt mất đi chồng và hai đứa con. Càng khốn khổ hơn khi chính bản thân tôi cũng đang phải chống chọi với căn bệnh đó”, đôi mắt bà Hịu ngấn lệ.

Mất đi người thân là nỗi đau quá lớn đối với cụ bà này, nhưng điều khiến bà Hịu buồn phiền hơn là phải bắt gặp những ánh mắt e ngại của một số người. Tên gọi “gia đình ung thư” khiến bà luôn cảm thấy khổ tâm, ái ngại. 

Gắng sống để nhang khói cho chồng con 

Sau hàng loạt biến cố, hiện chỉ còn bà Hịu lay lắt sống qua ngày trong căn nhà cũ kỹ. Sau thời gian phải sống bám bệnh viện, số tiền tích góp được đã cạn kiệt.

“Năm đó mổ xong, do tôi không đi thăm khám thường xuyên nên căn bệnh ung thư đã di căn sang trực tràng. Từ đó đến nay, tôi phải sống trong đau đớn vì bệnh tật. Nhiều khi ước mình nhanh chóng ra đi để chấm dứt nỗi đau. Nhưng rồi, nhìn lên di ảnh chồng con, tôi lại tự động viên thôi thì sống thêm ngày nào hay ngày đó để lo nhang khói cho người thân”, bà Hịu chua xót.

Thời điểm phát hiện bệnh ung thư đã di căn, bác sỹ có khuyên nên tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ trực tràng, nhưng vì không có tiền bà đành từ chối. Giờ đây, để chống chọi với những cơn đau thắt, cụ bà này chỉ biết uống thuốc giảm đau. Chưa hết, việc rỉ máu hậu môn và chuyện không thể đi đại tiện như người bình thường khiến mọi sinh hoạt của bà rất bất tiện, đau đớn. Từ khi phát hiện bệnh đến nay, ngày nào bà Hịu cũng phải tiêm thuốc cầm máu và giảm đau. 

“Chỉ có tiêm thuốc cơn đau mới dịu đi, tôi mới sống được. Chứ nếu không, tôi đau không thể nào chịu nổi. Căn bệnh quái ác hành hạ thân xác khiến nhiều đêm tôi chỉ biết ngồi lên, nằm xuống cho quên đi cơn đau. Cũng có nhiều đêm tôi phải ngồi trong nhà vệ sinh hơn tiếng đồng hồ”, bà kể.

Ở tuổi 81, với mức lương hưu 3 triệu đồng/tháng, vì phải tốn tiền chữa bệnh, cuộc sống của bà Hịu rất chật vật. “Chưa nói đến ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, chỉ riêng thuốc men số tiền lương hàng tháng của tôi chẳng thấm vào đâu. Trung bình mỗi ngày tôi mất 200 nghìn tiền thuốc giảm đau, cầm máu. Do vậy, tiền bạc giờ đã khánh kiệt. Tôi chật vật thì không nói làm gì, nhưng con dâu, con rể sau thời gian chăm nuôi vợ, chồng bị ung thư kinh tế cũng cạn kiệt nên không phụ giúp được gì. Mấy tháng trở lại đây, thi thoảng các cháu mới ghé qua đưa tôi đi khám”, bà nói. 

Từ ra Tết đến nay, bà sống lay lắt dựa vào sự đùm bọc, cưu mang từ bà con khối phố, họ hàng. Người ít cân gạo, người chén cơm, người ủng hộ ít tiền thuốc men. Bà Hịu tâm sự: “Thôi thì bây giờ tôi sống được ngày nào hay ngày đó để còn thờ chồng, thờ 2 đứa con”. Đám tang người ung thư, quan niệm dân gian là người đang mắc bệnh ung thư không đến, nên bà day dứt: “Tôi chỉ tiếc nuối nhất vì bệnh của mình mà không được nhìn các con lần cuối, không thể đưa các con một đoạn đường”.

Vừa giúp bà Hịu uống thuốc, bà Nguyễn Thị Thơ (SN 1936), Trưởng hội chữ thập đỏ khối 8, cũng là hàng xóm sát nhà, xót xa: “Cuộc đời bà Hịu rất éo le. Chồng mất, các con lần lượt ra đi vì ung thư, đến giờ bà ấy cũng đang phải sống trong đau đớn vì căn bệnh đó. Bệnh tật khiến kinh tế gia đình bà cạn kiệt, không còn tài sản gì đáng giá. Là hàng xóm, tôi chỉ biết tranh thủ thời gian rảnh rỗi sang tâm sự, động viên để bà Hịu bớt buồn. Chứng kiến bà ấy đau quằn quại, không ăn uống được gì vì bệnh ung thư, chúng tôi ứa nước mắt”.

Trưa muộn, trời nóng gắt, căn nhà cũ của bà Hịu nóng hầm hập. Cụ bà đang mắc bệnh ung thư khó nhọc lê bước chân đến thắp nén nhang lên bàn thờ chồng con, nhìn di ảnh người thân, nước mắt rơi….

Đọc thêm