“Những lá thư thời chiến Việt Nam” là những câu chuyện cảm động mà gia đình của những người lính đã chia sẻ với nhà văn Đặng Vương Hưng…
“ Nếu tôi không trở lại”
Những ngày thiêng liêng tri ân 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ này, lần đầu tiên đã diễn ra Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc”. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Quỹ Mãi mãi tuổi 20 tổ chức, nhằm khẳng định giá trị công trình khoa học với các thế hệ bạn đọc.
Hội thảo có sự tham gia của ông Phạm Quang Nghị- nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, GS.Hoàng Chương- Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc, Quỹ Mãi mãi tuổi 20… và nhiều tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân, cựu tù chính trị, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh và cựu chiến binh tiêu biểu.
Ngoài ra, hội thảo đã thu hút trên 30 tham luận của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước gửi về, trong đó có người là khoa học, có người là nhà báo, nhà giáo, cựu chiến binh, cựu cán bộ kháng chiến, sinh viên, cho đến các tướng lĩnh quân đội, công an… Mỗi người đều cập nhật đến một góc độ khác nhau, nhưng đều có chung một đặc điểm là: Trân trọng và biết ơn Những lá thư thời chiến Việt Nam- những kỷ vật và di vật thiêng liêng của một thời máu lửa.
Đúng như ước nguyện của Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc trong cuốn nhật kí của mình vào một ngày cuối tháng 5 năm 1972, để rồi sau đó anh đã ra đi mãi mãi: “Kẻ thù không cho tôi ở lại - Phải đi - Tôi sẽ gửi về cuốn nhật kí này, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật kí thân yêu đầu tiên của đời lính. Vì, nếu như tôi không trở lại, ai sẽ là người thay tôi viết tiếp những dòng này. Sau này, tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”
Thật xúc động khi đọc những dòng thư của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn (quê ở Gio Linh, Quảng Trị) gửi về cho gia đình. “Nhưng nếu ngày chiến thắng đến mà con không về nữa, thì mong ba má đừng buồn. Hãy nhìn lên lá cờ Tổ Quốc, ba má sẽ thấy hình con trong đó” .
Đó là từng dòng thư ôm bao nỗi nhớ của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm không chỉ thấm đẫm những nỗi day dứt cào xé tâm can của tác giả, mà còn lấy đi bao giọt nước mắt của người đọc: “Đã bao lần trong giấc mơ, con trở về trong vòng tay êm ấm của mẹ của ba, trong tiếng cười trong trẻo của các em và trong ánh sáng chan hòa của Hà Nội. Ai đó có thể vì tiền tài danh vọng mà ra đi, nhưng với con, ngoài Đảng chắc không có ai khiến con xa nổi gia đình...”.
Và trong những trang thư ấy, đôi lúc ta còn bắt gặp những mảnh kí ức và những kỉ niệm của tác giả. Để rồi từ sự giản dị, mộc mạc là cái nhìn lặng lẽ đến sững người như trong trang thư của nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã viết: “Ôi! Có ai hiểu được lòng con ao ước được về sống giữa gia đình dù trong giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc xe ô tô đưa con vào chặng đường khói lửa... Con đã đi trong muôn vàn âm thanh hỗn tạp của chiến trường. Nhưng có một âm thanh không bao giờ tắt, một âm thanh dịu dàng thiết tha mà sao có một sức vang kì lạ... Đó là âm thanh của miền Bắc yêu thương,... Đó là tất cả tiếng xào xạc hàng cây trên con đường Đại La thân thuộc. Từ tiếng sóng của Hồ Tây dào dạt trong những buổi bơi thuyền, đến cả những tiếng ồn ào của cuộc sống Thủ đô... Những âm thanh đó không lúc nào lắng trong nhận thức của con cả...”.
Cựu chiến binh Trương Công Đạo chia sẻ: “Hơn 40 năm trước, tôi đã từng viết và được đọc “Những lá thư thời chiến” của cả những đồng đội cùng trang lứa. Đó là những lá thư từ hậu phương gửi vào chiến trường và ngược lại. Là thư riêng nhưng chúng tôi đã đọc chung nhau cả Tiểu đội, Trung đội, thậm chí cả Đại đội hàng trăm người cùng nghe…Tháng 8/2015, tôi được nhà văn Đặng Vương Hưng tặng cuốn sách “ Những lá thư thời chiến Việt Nam”, tôi đã ngấu nghiến đọc tác phẩm này trong căn lán lợp tôn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Và cảm giác thật lạ, không chỉ có tôi đang đọc cuốn sách này mà dường như còn có rất nhiều những người lính đang đọc cùng tôi. Họ là những đồng đội của chúng tôi đã không may mắn trở về, đã ngã xuống và phải nằm lại ở nghĩa trang này.Họ đông lắm, không chỉ hàng vạn những ngôi mộ có tên và chưa có tên. Còn cả những người lính mà chúng ta chưa kịp quy tập hài cốt các anh về bên nhau. Dường như linh hồn các anh đã theo về cùng những trang sách mỏng manh. Và chúng tôi đã nhận ra mình trong từng trang sách ấy…
Gửi lại cho mai sau
Lá thư của nhà khoa học Hoàng Kim Giao viết ngay trên tuyến lửa gửi về cho gia đình: “Cậu mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ?... Ở đây có những quãng chỉ 2 km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom!... Dù đứng giữa bãi bom của địch, hay dưới làn mưa đạn máy bay, con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con, nửa tiếng sau đã bị hy sinh. ... Con nghĩ nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi...”
Trong thư gửi về cho gia đình, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết: “...Rừng chẳng nên thơ như con tưởng. Con suối chỉ làm con thêm sợ, cây cao, vỏ sù sì, dây leo chẳng có tiếng người. Cuộc đời bộ đội trong đó, nó hứa hẹn đủ điều khó khăn, ghẻ lở và ốm. Chúng con ăn bánh mì đem theo với thịt. Thịt bị thiu, bánh mỳ ẩm mùi mồ hôi. 8h tối, ngồi trong nhà tối om. Chẳng có đèn dầu, chỉ có một chiếc đèn pin thỉnh thoảng lóe lên rồi tắt. Vào màn vậy, cho đỡ ngửi thấy cái mùi ghê tởm ấy...”…
Một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Quảng Trị đã cúi đầu trước những di vật chiến sĩ Thành cổ, ông đã ôm mặt khóc khi cô hướng dẫn viên dịch bức thư của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh trong Bức thư gửi lại cho mai sau và thốt lời rằng: “Bây giờ tôi mới hiểu vì sao họ đã chiến thắng. Họ đã biết trước tất cả”.
Vâng, các anh đã biết trước tất cả, rằng dân tộc ta sẽ chiến thắng, đất nước ta sẽ hòa bình thống nhất, dân ta sẽ được ấm no hạnh phúc. Kể cả những đổi thay trên trận địa anh nằm, và những lời anh dặn dò người thân.
Trong những di vật quen thuộc của người lính thì súng đạn và áo quần, ba-lô đều han gỉ hoặc mục rữa, chỉ có lá thư và những tấm ảnh vẫn còn nguyên vẹn vì được đựng trong bì ni-lon. Đó là di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng, Thượng úy, Chính trị viên phó của tiểu đoàn.
Lần theo bức thư và tấm ảnh, Ban quản lý di tích Thành cổ đã tìm về quê anh và chắp nối lại một câu chuyện đoàn viên đến rơi nước mắt. Lê Binh Chủng quê ở Nghệ An, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, đơn vị anh đã dừng lại ở một làng quê thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Quân dân cá nước đã nảy sinh mối tình nồng thắm, sắt son giữa anh và cô giáo Lê Thị Biển Khơi. Chưa kịp làm lễ cưới, chưa kịp báo tin cho gia đình thì Lê Binh Chủng vượt Vĩ tuyến 17 vào Quảng Trị.
Lá thư cuối cùng Lê Thị Biển Khơi gửi cho anh đề ngày 15-5-1972, báo tin họ sắp có con. Anh chờ ngày kết thúc chiến dịch để về thăm con, đặng thưa với bố mẹ hai nhà. Nhưng Lê Binh Chủng bơi qua sông vào Thành cổ và không về nữa.
Hạnh phúc chỉ còn một nửa. Chị Lê Thị Biển Khơi cùng đứa con bắt đầu chuỗi ngày tháng đau buồn của mẹ góa, con côi và sự ghẻ lạnh của làng xóm, kể cả người thân về cảnh không chồng có con. Mãi đến ba mươi năm sau, bức thư, tấm ảnh của vợ mới đến tay gia đình anh. Danh phận của một người vợ, một đứa con của liệt sĩ đã được “minh oan” bởi tình yêu mãnh liệt mà người chồng, người cha gửi về từ... trong lòng đất!
Có lẽ đó chỉ là hai trong số hàng vạn lá thư mà hàng vạn người lính Thành cổ Quảng Trị chưa kịp gửi đi trước trận đánh cuối cùng và dẫu chưa kịp gửi, chúng ta đang và sẽ còn cảm nhận được nhịp đập của trái tim các anh… Bởi đó là tâm hồn, những linh hồn bất tử của các anh còn mãi. Lý giải vì sao, chị Phạm Thị Như Anh, bạn gái của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã chia sẻ: Chị có 50 lần chuyển nhà qua nhiều quốc gia, nhưng hành trang chị mang theo không bao giờ rời xa chiếc va li nhỏ, trong đó có những kỉ vật của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc là những lá thư, cuốn Nhật kí và chiếc áo màu xanh da trời người con trai ấy đã mặc trong những lần gặp chị… Chị nói, chị chẳng thể rời xa những kỉ vật ấy…
Năm 2015, tại buổi Lễ kỉ niệm “50 năm phong trào ba đảm đang”, “55 năm đội quân tóc dài” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Thiện Nhân, UVBCT, Chủ tịch UBTWMTTQVN, Bí thư Thành ủy TPHCM kể lại: sau ngày miền Nam giải phóng, ông và đồng đội đã trở lại thăm chiến trường xưa, ghé thăm những ngôi nhà ở khu IV, ông đã thấy được hình ảnh: nhiều chiếc giường tre, trên song giường hằn rõ những vết răng người, nguyên do: rất nhiều người mẹ, người vợ, đêm đêm nhớ thương chồng, con, người thân nơi chiến trường, đã vịn thành giường để bấu víu và cắn chặt hàm răng vào đó để nén nỗi nhớ mong, đau thương mà họ đang phải gánh chịu, để không bật lên tiếng khóc thành lời. Nỗi đau thương, các chị nhận cho riêng mình là vậy. Đó là minh chứng sống động cho sự hy sinh thầm lặng, lớn lao của những người phụ nữ trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.