Lần đầu triệu tập các hộ dân đến để công bố chủ trương thu hồi 13.000 m2 đất ruộng lúa 2 vụ, lãnh đạo UBND thị trấn (TT) Đức Thọ, Hà Tĩnh đưa ra bảng giá đền bù cực thấp, không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp luật nào và đáng ngạc nhiên bảng giá này đã được ký sẵn bởi các doanh nghiệp sẽ thụ hưởng khu đất bị thu hồi này...
Dẹp lúa, lấy đất giao doanh nghiệp
Ngày 8/10/2009, hơn chục hộ nông dân ở TT Đức Thọ nhận được giấy mời đến trụ sở UBND TT họp về việc thu hồi đất sản xuất và đền bù giải phóng mặt bằng. Khi đến nơi, người dân được thông báo đất của họ đang canh tác tại đồng Trịu sẽ được thu hồi để giao cho 4 doanh nghiệp nhỏ, đang kinh doanh thực phẩm hàng khô và đồ gia dụng tại địa bàn gồm: Hồng Đức, Thái Tuấn, Minh Huyền và Thành Đạt.
Cánh đồng Trịu
Tại buổi họp này, dù chưa có quyết định thu hồi đất, thậm chí chưa hề có thủ tục nào liên quan đến việc thu hồi đất được tiến hành, nhưng lãnh đạo TT đã công bố luôn bảng thống kê áp giá đền bù. Bà Phạm Thị Hóa – một trong 15 hộ dân bị thu hồi đất ruộng cho biết, sự việc xảy ra quá đột ngột vì trước đó gia đình chưa từng biết về chủ trương thu hồi đất này, ngay cả Ban chủ nhiệm HTX Đại Xuân cũng không hay biết.
Xem kỹ bảng áp giá đền bù do TT ban hành, các hộ dân càng tá hỏa bởi số tiền đền bù “bèo bọt” mà họ sẽ nhận được. Điều đáng nói là khi đó Nghị định 69/CP của Chính phủ (quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009.
Theo đó, các hộ bị thu hồi đất ngoài việc được hưởng mức giá đền bù mới cao hơn nhiều lần mà các hộ bị thu hồi từ 70% đất trở lên đều phải được nhận một mảnh đất dịch vụ, hỗ trợ chuyển đổi nghề tối đa bằng 5 lần giá trị bồi thường đất nông nghiệp…
Trong đơn gửi các cơ quan liên quan, các hộ dân khẳng định buổi họp ngày 8/10/2009 tại UBND TT là buổi họp đầu tiên của các hộ dân về chủ trương thu hồi đất, tuy nhiên ngay lúc đó họ bị áp luôn giá đền bù mà không được có bất cứ có ý kiến trình bày nào, cũng như không hề có trình tự thủ tục gì trước đó.
Các doanh nghiệp dự kiến sẽ thu được đất của họ cũng chưa từng gặp gỡ tiếp xúc với dân và bảng áp giá đền bù có chữ ký của đại diện 4 doanh nghiệp cũng không hề dựa trên bất kỳ thỏa thuận nào với các hộ dân theo đúng quy định.
Cần sớm trả lời người dân
Ngày 14/10/2009, các hộ dân đồng loạt ký đơn phản đối và đề nghị UBND TT khi thu hồi đất phải làm theo đúng trình tự thủ tục và phải áp dụng các quy định của Nghị định 69/CP đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân. Tuy nhiên, thái độ của UBND TT cũng rất cứng rắn theo phương châm ủng hộ doanh nghiệp, không cho phép các hộ dân đòi thêm tiền đền bù.
Sự việc nhùng nhằng cho đến ngày 25/5/2010, UBND TT lại mời các hộ đến và lần này công bố một bảng áp giá đền bù mới với mức cao hơn. Tuy nhiên, các hộ vẫn không nhất trí do mức áp giá này vẫn không đúng quy định của Nghị định 69/CP. Sự việc cứ thế kéo dài, đột nhiên ngày 7/6/2010 Phó Chủ tịch UBND TT Trần Hữu Châu ký thông báo yêu cầu các hộ dân đình chỉ sản xuất vụ hè thu 2010, trong khi vẫn chưa có quyết định thu hồi đất, chưa hề có thỏa thuận đền bù nào. Các hộ dân đã chuẩn bị xong về giống mạ, phân bón vật tư, đất ruộng cũng đã cày bừa xong và theo lịch thời vụ thì sẽ xuống giống vào ngày hôm sau (8/6/2010).
Dù các hộ dân đã nhiều lần đề nghị, nhưng UBND TT không cung cấp đầy đủ thông tin hay văn bản liên quan đến chủ trương thu hồi đất của các hộ dân. Việc thu hồi đất ở đây cũng không phải phục vụ cho công trình quốc gia, công trình công ích công cộng hay cho dự án có ý nghĩa lớn lao nào đối với phát triển kinh tế của địa phương.
Thực tế, các doanh nghiệp xin đất cũng không sản xuất kinh doanh gì lớn. Một dự án như vậy, theo Điều 28 Nghị định 69/CP thì doanh nghiệp chỉ được giới thiệu địa điểm và phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất về chuyển nhượng, cho thuê hay góp vốn. Tuy nhiên, ở đây chính quyền cơ sở đã coi nhẹ các quy định liên quan đến thu hồi đất, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân. Phải chăng có dấu hiệu khuất tất sau sự việc này? Dư luận đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng.
B.Đinh