Người dân bị... phân, ruồi "bao vây" "dài cổ" chờ "trách nhiệm" của TH?

Hơn một tháng sau khi để phân bò trôi ngập ao cá của người dân, phía Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH vẫn chưa đền bù và khắc phục hậu quả, khiến người dân quanh khu vực trại bò vẫn ngày đêm sống trong ô nhiễm… Trách nhiệm với cộng đồng như quảng cáo ở đâu, mà để hàng trăm người dân vẫn dài cổ chờ.

[links()]Hơn một tháng sau khi để phân bò trôi ngập ao cá của người dân, phía Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH vẫn chưa đền bù và khắc phục hậu quả, khiến người dân quanh khu vực trại bò vẫn ngày đêm sống trong ô nhiễm… Trách nhiệm với cộng đồng như quảng cáo ở đâu, mà để hàng trăm người dân vẫn dài cổ chờ.

Phân bò lấp đầy hồ cá
Phân bò lấp đầy hồ cá

Người dân bị doanh nghiệp cho… “leo cây”

Như PLVN đã phản ánh, chiều 26/4, một “núi phân” từ trại bò của Cty TH (tại xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, Nghệ An) trôi xuống đã chôn vùi diện tích trồng bầu bí của gia đình chị Đàm Thị Hòa - xóm Sơn Trung, xã Nghĩa Sơn sâu khoảng 50cm. Đến chiều 30/4, sau một trận mưa lớn thì lượng phân từ trại bò TH tràn xuống còn khủng khiếp hơn, làm ngập cả ao cá rộng hơn 1,2ha, khiến khỏang hơn 3 tấn cá đến thời kỳ thu hoạch của gia đình chị Hòa bị chết sạch.

Ngay sau khi "gặp họa", gia đình chị Hòa đã báo với địa phương và Cty TH, sau đó, đại diện Cty TH có mặt để ghi nhận sự việc và hứa sẽ đền bù. Đến ngày 15/4, PLVN có mặt tại hiện trường hồ cá vẫn chưa được khắc phục, Cty TH vẫn chưa đền bù như đã hứa. Liên lạc qua điện thoại, lãnh đạo Cty TH cho chúng tôi biết, Cty đã mời xóm và xã vào họp.

“Việc xảy ra do thiên tai, Cty đã ủy quyền cho hội đồng đền bù đến làm việc với họ. Hiện trong quá trình xử lý, đến bữa nay cũng ổn rồi. Cty đang lập hồ sơ để đền bù cho chị Hòa”. Tuy nhiên, đến sáng 4/6, khi phóng viên PLVN trở lại gia đình chị Hòa thì mọi chuyện vẫn y nguyên.

Chị Hòa cho biết: “Tui đã nộp cái đơn thứ 3 cho Cty và lãnh đạo địa phương yêu cầu đền bù thiệt hại và cải tạo môi trường hồ cá để gia đình tiếp tục thả vụ tiếp theo, nhưng vẫn chưa thấy phía Cty xử lý cho gia đình…”.

Để làm rõ vấn đề, sáng 5/6, chúng tôi chủ động liên hệ với lãnh đạo Cty qua điện thoại nhưng không được. Tìm đến Cty thì được bảo vệ tên là Ngô Thế Chủ cho biết phải liên hệ trực tiếp với lãnh đạo và lãnh đạo đồng ý mới được vào. Theo bảo vệ thì “đây là nội quy của Cty”, dù phóng viên đã yêu cầu bảo vệ báo cáo cho lãnh đạo để phóng viên làm việc.

“Việc hồ cá chị Hòa vẫn chưa được xử lý và giữ nguyên hiện trạng khiến ô nhiễm càng trầm trọng. Chị Hòa có đơn yêu cầu Cty đền bù và cải tạo để tiếp tục nuôi cá”, ông Phạm Phú Thành, Trưởng Công an xã Nghĩa Sơn cho biết.

Chính quyền không thể chần chừ hơn nữa

Người dân xóm Sơn Trung với 465 khẩu. Do trại bò TH được bố trí trên địa hình cao hơn hẳn so với khu dân cư đang sinh sống, khiến môi sinh và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một số hộ dân phải bỏ tiền mua máy lọc nước để tắm rửa, còn nước ăn vẫn phải đi xin nơi khác về.

Tại xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm nhiều hộ dân bị ô nhiễm nguồn nước sạch. Gia đình bà Nguyễn Thị Túy cứ mỗi lần mưa là phải vệ sinh lại giếng rồi bơm nước lên bể lọc để dùng. “Dù biết nước ô nhiễm nhưng không có nguồn nước nào khác nên đành nhắm mắt sử dụng”. Nhà gia đình bà cách trại bò vài trăm mét, hiện tượng ruồi và mùi hôi thối là điều không tránh khỏi. “Nguyện vọng của gia đình là sớm được tái định cư để thoát khỏi cảnh ô nhiễm này, chứ sống ri khổ mà mệt lắm…”, con trai bà Túy cho biết.

Gia đình chị Đặng Thị Thuận – cùng xóm với bà Túy, nhà cách trung tâm chế biến thức ăn của Cty TH vài trăm mét. Theo chị Thuận: “Sống ở đây không khí ô nhiễm lắm chú à, mùi hôi thối của phân bò, mùi thức ăn, ruồi muỗi nhiều lắm. Nhiều bữa xe chở phân chạy mà phân bò tạt té vào nhà người dân, ruồi thì quanh năm, mà mùa ni thì phải dùng thuốc diệt ruồi phun để diệt mới đỡ…”.

Ông Trần Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn, cho biết, sau khi sự việc ao cá nhà chị Hòa bị phân bồi lấp, chính quyền xã đã cử người xuống ghi nhận hiện trường. Chị Hòa đã gửi đơn lên xã, xã đã báo cho Cty để phối hợp xử lý nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thấy ai về giải quyết.

Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền, phóng viên PLVN đã tìm đến UBND huyện Nghĩa Đàn nhưng được thông báo lãnh đạo huyện và lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường đi vắng.

Được giới thiệu là một dự án lớn với nhiều kỳ vọng, nhưng đấy là câu chuyện “vĩ mô”, chứ riêng đối với người dân  địa phương thì chỉ thấy đời sống bị ô nhiễm ngày mỗi nặng nề. Đã đến lúc Cty TH và các cơ quan chức năng cần ngồi lại tìm phương án xử lý để cứu người dân khỏi tình trạng ô nhiễm như hiện nay.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi liên lạc được với lãnh đạo Cty cổ phần thực phẩm sữa TH và làm việc với lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nghệ An.

Ngô Toàn

Đọc thêm