Người dân có vì sợ kỳ thị mà không dám đi du lịch?

(PLVN) - Dịch bùng phát ở Đà Nẵng khiến cả trăm nghìn du khách trở về từ thành phố này “bất đắc dĩ” rơi vào “vùng báo động đỏ”. Lo lắng đi chơi mà “người mất tật mang”, tâm lý du khách sẽ ngày càng e ngại đi du lịch kể cả khi dịch đã được kiểm soát. 
Du khách TP. HCM mắc kẹt tại Đà Nẵng được xét nghiệm trước khi về lại địa phương.

Nỗi lòng du khách trở về từ Đà Nẵng

Sự kỳ thị của cộng đồng đã khiến một bộ phận người dân đi du lịch Đà Nẵng bị “sốc”. Trước đó, một quán mì cay ở Phú Yên vấp phải phản đối từ cộng đồng bởi nhiều người cho rằng chủ quán đang kỳ thị người Đà Nẵng và người trở về từ Đà Nẵng. Trong thông báo dán ở cửa hàng có nội dung: “Nếu là người Đà Nẵng hoặc từ Đà Nẵng trở về trong 7 ngày qua, vui lòng không vào quán”.

Biểu hiện này trở nên rõ ràng hơn khi nhiều clip mang tính chất kỳ thị Đà Nẵng lan truyền trên mạng xã hội ngay sau khi dịch bệnh được công bố ở thành phố này. Trước đó, chủ tài khoản Tiktok thuy.kami đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì đăng tải clip có hành vi kỳ thị, xúc phạm người Đà Nẵng và người trở về từ Đà Nẵng, trong đó phần lớn là người đi du lịch. Dù vậy, một số cá nhân nhận phạt vẫn chưa đủ để thay đổi sự kì thị của người dân vùng khác đối với du khách trở về từ Đà Nẵng. 

Phân khúc du lịch MICE sẽ bị ảnh hưởng nhiều

Trong các kịch bản hậu Covid-19 lần thứ nhất, phân khúc du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty) được đặc biệt quan tâm.

Nhưng thực tế cho thấy, những hoạt động này đều đòi hỏi sự tập trung đông người tham dự. Chỉ cần có sơ suất trong hoạt động phòng chống dịch có thể khiến lây nhiễm rộng trong cộng đồng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng dù đây là loại hình du lịch tiềm năng nhưng vẫn khó thực hiện. 

 Sau khi kiểm soát dịch bệnh, các sự kiện hội họp trong nước có thể sẽ được ưa chuộng hơn so với các hình thức hội họp quốc tế.

Tuy nhiên, về quy mô sự kiện có thể được cắt giảm để đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội và các quy trình phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tổn thất nghiêm trọng sau dịch cũng khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí cho các sự kiện và hoạt động giải trí. 

Những phản ứng từ kỳ thị đến xa lánh của những người thân quen khiến du khách cảm thấy lo lắng, thậm chí sợ hãi. Quốc Huy (30 tuổi) trú tại quận Thanh Xuân, là khách du lịch từ Đà Nẵng trở về vào ngày 15/7 sau chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm cùng gia đình. Sau khi Đà Nẵng công bố bệnh nhân Covid 416, gia đình anh tuân thủ đúng yêu cầu, khai báo y tế và tự cách ly ở nhà.

Sau 15 ngày không thấy có biểu hiện ho, sốt, vợ anh ra chợ mua đồ và nhận ngay phải lời quở trách từ người quen: “Từ vùng dịch về mà đi khắp nơi như ngựa thế, có làm sao lại khổ bao nhiêu người”. Nghe vợ kể lại với cảm giác “tủi nhục”, Quốc Huy ngán ngẩm: “Họ lo một, chúng tôi lo mười. Hồi mới biết chúng tôi đi du lịch đặt được vé, khách sạn giá rẻ, bao người xúm vào hỏi kinh nghiệm. Đến khi có dịch, họ quay ra chê bai, tỏ thái độ”.

Câu chuyện của gia đình Quốc Huy không phải là cá biệt. Hàng trăm ngàn du khách quay trở về từ Đà Nẵng cùng gia đình, người thân của họ đang chịu một áp lực vô hình như vậy hàng ngày kể từ khi đại dịch tái phát.

Sợ chỉ trích, nhiều du khách khi trở về đã không không dám đối diện, thậm chí giấu bệnh, không khai báo. Nhiều tài khoản Facebook vội xóa đi những hình ảnh trong chuyến du lịch Đà Nẵng vì lo sợ khi nhiều người kéo nhau vào nhắc nhở “đã khai báo y tế chưa”, “đừng mang dịch bệnh về”…

Điển hình, khi danh sách những người đi du lịch Đà Nẵng trở về tỉnh Sóc Trăng bị lan truyền trên mạng xã hội, họ đã bị chỉ trích rất cay nghiệt.

Một tài khoản Facebook bày tỏ bức xúc: “Những người từ Đà Nẵng về trong danh sách có đóng dấu đỏ của Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng là những người đi du lịch bình thường. Khi họ về tới nhà thì vùng đó có dịch, chứ bản thân họ không phải tội phạm, càng không làm điều gì xấu. Họ được quản lý có tổ chức, được khai báo cụ thể, tự cách ly nhưng lại bị kỳ thị, xúc phạm và bị tổn hại quyền riêng tư”.

Cần phương án ứng phó với diễn biến bất ngờ

Sự lo lắng của xã hội đối với những du khách “có yếu tố Đà Nẵng” đang trở nên thái quá. Rõ ràng, tâm lý kỳ thị người từ vùng dịch trở về vẫn len lỏi trong cộng đồng, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch hiện tại. Mặt khác, đây cũng sẽ là một trở ngại đối với ngành du lịch phục hồi sau dịch khi bài học từ du lịch Đà Nẵng đã để lại một “ám ảnh tâm lý” sâu sắc đối với du khách.

Ít ai ngờ rằng mình có thể phơi nhiễm với người bệnh một lúc nào đó trong khi đi du lịch như lời chia sẻ của chị Đường Tiểu Đan, một người dân trên mạng xã hội: “Vừa rồi tôi định đưa cả nhà đi du lịch Đà Nẵng nhưng chưa kịp mua vé thì biết Đà Nẵng có dịch nên thôi. Chẳng biết nếu vẫn đi chuyến du lịch đó rồi về thì tôi còn bị kỳ thị thế nào nữa. Bệnh tật ai cũng sợ nhưng vẫn thấy buồn khi bị đối xử như thế”. 

Kể cả có vắc-xin, sự lo lắng của người dân vẫn cần có thời gian để dần ổn định. Du khách e ngại nếu nhiễm bệnh sẽ bị gián đoạn công việc, gây ảnh hưởng đến người thân, bị kì thị trong cộng đồng, … bên cạnh các lý do về sức khoẻ.

Nói cách khác, người dân sẽ càng thận trọng với sức khoẻ của mình hơn và việc đi du lịch giải trí sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Như vậy, một bài toán khó được đặt ra với các cơ quan chức năng và đơn vị làm du lịch là làm sao để trấn an tâm lý du khách, khiến họ thoải mái với các quyết định đi - ở của mình một lần nữa. 

Bên cạnh đó, phải chăng ngành du lịch cần có những phương án cụ thể hơn để kịp thời ứng phó với rủi ro bất ngờ. Lý do quan trọng nhất là du lịch ồ ạt giúp phục hồi ngành công nghiệp không khói này nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên diện rộng. Bài học từ Đà Nẵng khiến ngành du lịch phải xem xét lại toàn bộ các kịch bản sau dịch được kiểm soát trước đây.

Nói chung, nhu cầu du lịch hậu Covid-19 lần thứ hai sẽ có nhiều thay đổi so với lần thứ nhất đối với du khách nội địa. Chắc chắn sau đại dịch, ngành du lịch sẽ không thể quay trở lại như trước đây, mà sẽ có nhiều yêu cầu hơn khi đi du lịch, đặc biệt là vấn đề an toàn sức khoẻ.

Do đó, không chỉ người làm du lịch cần thay đổi tư duy để nhanh chóng bắt kịp với nhu cầu hiện tại mà chính bản thân du khách cũng cần thay đổi suy nghĩ, có trách nhiệm hơn về việc tìm hiểu và tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. 

Tâm lý không dám đi du lịch đang ảnh hưởng tiêu cực lên toàn thị trường

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc marketing Công ty du lịch TST: “Tất cả hoạt động lữ hành đã dừng lại một cách có trật tự mà cốt lõi là khách không còn hào hứng đi du lịch”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel: “Điều quan trọng phải giải quyết được tâm lý khách hàng. Nhiều hoạt động giải trí, ăn uống vẫn đang diễn ra bình thường nhưng người tiêu dùng đang lo lắng, nói không với du lịch dù đi theo quy mô gia đình hay du lịch cá nhân. Tâm lý không dám đi du lịch mang tính “dây chuyền” đang ảnh hưởng tiêu cực lên toàn thị trường”.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy hoạt động kinh tế do dịch bệnh. Hiện nay, ngành du lịch vẫn tiếp tục nghiên cứu các chương trình kích cầu du lịch hợp lý, giới thiệu những mô hình, cách thức du lịch đảm bảo an toàn cho du khách”.

Đọc thêm