Ngành Du lịch Việt làm gì để vượt qua “cơn ác mộng”?

(PLVN) - Để vượt qua “cơn ác mộng” Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành và cung ứng dịch vụ du lịch bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc quyết liệt để khẩn trương đưa ra các chính sách hỗ trợ khả thi giúp các doanh nghiệp du lịch sớm vượt qua giai đoạn khó khăn. Các biện pháp cụ thể được đưa ra tại hội nghị như giảm thuế VAT, giảm tiền điện, tiền nước, giãn thời gian trả tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.
Ngành Du lịch Việt làm gì để vượt qua “cơn ác mộng”?
Ngành Du lịch Việt làm gì để vượt qua “cơn ác mộng”?

Các hãng lữ hành “chết đứng”

Các hãng lữ hành chưa kịp mừng khi du khách tấp nập đặt tour nội địa mùa hè này thì lại bị “sa sẩm mặt mày” vì dịch Covid-19 quay trở lại. Hàng chục ngàn tour với hàng triệu du khách liên tục hủy tour khiến du lịch Việt Nam một lần nữa chao đảo.

Tổng cục Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương đã khẩn trương có Văn bản (982/TCDL-LH) gửi Sở quản lý du lịch các địa phương yêu cầu triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bảo đảm an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid-19.

Sau vài tháng “nghỉ Tết Covid”, các hãng lữ hành nhộn nhịp nhận đặt tour của du khách nội địa đúng vào tháng cao điểm (nghỉ hè), nhất là khi Tổng cục Du lịch phối hợp với các tỉnh, thành phát động kích cầu du lịch nội địa: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Các hãng lữ hành hy vọng dịp hè này có thể nhận nhiều khách để bù lỗ phần nào vài tháng “nghỉ Tết Covid”. Chưa kịp mừng, dịch Covid -19 trở lại tại Đà Nẵng rồi lan ra một số tỉnh thành khác khiến các hãng lữ hành “chết đứng”.

Những diễn biến mới của dịch ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Nam… đã tác động rất lớn đến tâm lý của khách du lịch và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch. Khách đồng loạt huỷ tour, huỷ dịch vụ du lịch trong tháng 7, tháng 8, tháng 9 khiến các công ty du lịch choáng váng.  

Theo, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương hết tháng 8/2020 tỷ lệ hủy phòng các khách sạn vào khoảng 98% - 100% ở hầu hết các địa phương; Hà Nội hủy 32.000 tour, TP.HCM hủy 35.000 tour…Nhiều khách du lịch đã hoãn, hủy chương trình du lịch, dịch vụ đã đặt trước và yêu cầu hoàn tiền lại 100%. Du lịch Việt Nam chao đảo. Các hãng lữ hành đau đớn khi bị “bay hơi” hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng chỉ trong chớp mắt.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phân tích: “Qua đợt kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” vừa rồi các doanh nghiệp, khách sạn đã giảm giá dịch vụ kịch liệt, bản thân khách hàng cũng được hưởng lợi, nhưng mới chỉ đủ khởi động và nuôi dưỡng lại bộ máy, chứ doanh nghiệp du lịch chưa kịp thu được lợi nhuận sau đợt kích cầu vừa rồi thì bây giờ lại bị rơi vào khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết: “Các công ty lữ hành phải chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng lại không được hoàn các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… đặc biệt là các hãng hàng không”.

Trước sự chao đảo này, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” để gỡ khó cho các doanh nghiệp du lịch, tránh đứt đoạn, ảnh hướng đến chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho việc hồi phục nhanh các hoạt động của ngành Du lịch trong thời gian tới.

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu 80 tại Trụ sở Tổng cục Du lịch (Quán Sứ, Hà Nội) gồm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, các Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung, Hà Văn Siêu, Nguyễn Thị Thanh Hương cùng sự tham gia của những đại diện các công ty lữ hành, hãng máy bay, khách sạn…

Tổng cục trưởng đề nghị tập trung vào 2 vấn đề: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp trong việc hoãn, đổi, hoàn, hủy vé máy bay và các dịch vụ du lịch liên quan khác trên tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp và khách du lịch; Thảo luận một số phương án ứng phó, khôi phục ngành Du lịch trong thời gian tới.

Bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó TGĐ Vietravel đưa ra ý kiến: “Điều mà doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại bởi doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay rất khó khăn, cùng với đó là giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hủy tour rất lớn, 60 – 80% nhân sự của công ty hiện đang nghỉ không lương”.

Ông Lại Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP DVDL TST Tourist tiếp lời, các hãng lữ hành rất khó khăn trong việc hoàn trả lại chi phí cho khách hàng, do vậy mong muốn các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ nên có gói dịch vụ giảm giá cụ thể để hỗ trợ khách hàng hủy tour để tạo sự khích lệ cho du khách tiếp tục đi du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - Chủ tịch Công ty CP Vietnam Travelmart đề xuất, đối với Chính phủ: giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến năm 2021; chính sách giảm các chi phí lớn của doanh nghiệp như điện, nước, viễn thông… kéo dài đến hết năm 2020; tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay (hiện tại giảm 1-2% không đáng kể), hoãn nợ… cho doanh nghiệp du lịch; làm sao để các gói cứu trợ tới doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, vì hiện nay dù doanh nghiệp đã làm hồ sơ rất nhiều nhưng chưa được hỗ trợ nào từ các gói cứu trợ của Chính phủ. Đề xuất với Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu cơ chế về giảm khoản tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành...

Cần có quy định việc hoàn, trả, hủy chuyến khi bị dịch bệnh, thiên tai

Các doanh nghiệp lữ hành mong muốn những đối tác hàng không, lưu trú, dịch vụ điểm đến điều chỉnh chính sách để có thể hoàn lại kinh phí (theo tỷ lệ hợp lý) hoặc gia hạn bảo lưu ít nhất một năm đối với các khoản tiền đặt cọc vé máy bay, dịch vụ cho khách hàng.

Chia sẻ vấn đề này, đại diện của ba hãng hàng không là VietnamAirlines, VietjetAir và Bamboo Airlines tại hội nghị đã trình bày các chương trình hỗ trợ, bảo đảm cho quyền lợi của khách hàng và các công ty du lịch.

Đại diện của ba hãng hàng không cũng cam kết sẵn sàng cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn với các công ty du lịch, các công ty lữ hành cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bà Nguyễn Hồng Nga - đại diện Vietnam Airlines mong mỏi khách hàng không ồ ạt đi hoàn vé. Điều này tốt cho cả lữ hành và khách sạn. 

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra “lời giải”: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là liên quan đến vấn đề tài chính. Để giải quyết khó khăn này trong khi chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp... của nhà nước, trước mắt đề xuất cần đấu tranh quyết liệt về giảm tiền điện, nước, thuê đất... cho doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch có nhu cầu vay vốn cần giải trình rõ nguyên nhân vay, từ đó sẽ lập danh sách kiến nghị với Chính phủ, với ngân hàng nhà nước cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn; tăng cường truyền thông cho khách du lịch để; các doanh nghiệp lữ hành cần cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hủy, đảm bảo lợi ích cho khách”...

Từ bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát đại dịch Covid-19 hiện nay, các công ty lữ hành cần có các điều khoản quy định việc hoàn, trả, hủy chuyến trong hợp đồng mua tour giữa công ty với khách hàng, và giữa công ty du lịch với các công ty cung ứng du lịch nhằm tránh tình trạng bị động khi hành khách hủy tour do thiên tai, đại dịch.

Ngoài ra, theo các ý kiến của các đại biểu, ngay từ lúc này, ngành Du lịch cần kịp thời có kế hoạch phát triển thị trường du lịch để thực hiện “nhiệm vụ kép” bằng cách: Nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm công tác phòng, chống dịch an toàn, tổ chức các tour quy mô nhỏ với những nhóm khách đến những địa phương không có dịch.

Ngay khi dịch được kiểm soát, ngành Du lịch cần có chính sách quảng bá rộng rãi với nhiều hình thức về các điểm đến an toàn, thực hiện chính sách kích cầu du lịch lần 3 để đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, cũng như kịch bản đón khách quốc tế khi đủ điều kiện. 

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt của ngành du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả chung của ngành du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành du lịch.

Đọc thêm