Người dân Đà Nẵng “méo mặt” vì nhiều mặt hàng tăng giá!

Sau Tết, nhiều mặt hàng thiết yếu như: ga, giá sắt thép, vật liệu xây dựng, xe máy, thực phẩm và phân bón…tại Đà Nẵng đều tăng mạnh. Chính điều này đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân từ thành thị đến nông thôn…

Sau Tết, nhiều mặt hàng thiết yếu như: ga, giá sắt thép, vật liệu xây dựng, xe máy, thực phẩm và phân bón…tại Đà Nẵng đều tăng mạnh. Chính điều này đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân từ thành thị đến nông thôn…

"Nào, mình cùng…tăng!"

Ngày 3/2, các đại lý kinh doanh gas ở Đà Nẵng cho biết, các hãng ga đã đồng loạt tăng giá ít nhất 25.000 đồng/bình 12 kg và tăng “rỉ rả” từ trước tết. Hiện gas Sài Gòn Petro đến tay người tiêu dùng là 420.000 đồng/bình 12 kg, 470.000 đồng/bình 13 kg; gas Petro VN 400.000 đồng/bình màu hồng 12 kg. Shell gas và Petrolimex gas cũng điều chỉnh tăng giá bán khoảng 30.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá gas của các hãng này khi bán đến tay người tiêu dùng sẽ từ 4000.000 đồng đến xấp xỉ 490.000 đồng/bình 12kg, tùy thương hiệu.

Tương tự, từ người dân đang rộ lên nguồn tin dự báo, khả năng giá thép trong nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng trong quý I năm 2012, chính vì vậy, giá thép bán lẻ trên thị trường Đà Nẵng những ngày này cũng “ăn theo” và đã đồng loạt tăng thêm ít nhất 15.000 đồng/kg, tương đương 1,5 triệu đồng/tấn. Hiện giá thép bán lẻ trung bình ở Đà Nẵng đã vượt mức 17,3 triệu đồng/tấn.

Đặc biệt, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn tăng cao, nhất là thực phẩm tươi sống, tất cả đều còn giữ nguyên giá ...Tết như: thịt bò 180 - 200 ngàn đồng/kg, cá thu 130 - 145 ngàn đồng/kg, cá nục 60 - 70 ngàn đồng/kg, tôm, mực 150 - 200 ngàn đồng/kg, cá khoai 200 ngàn đồng/ký…

Sau Tết, tuy lượng rau củ về chợ Đầu mối Hòa Cường (đầu mối lớn nhất Đà Nẵng) được đánh giá đang ổn định, song nhiều loại như rau muống, rau cải, xà lách, đậu, khổ qua, dưa leo… vẫn tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg so với trước Tết.

Nhiều loại rau quả tăng giá sau tết...

“Thói quen chi tiêu của người dân hiện vẫn còn mang tâm lý tết, hơn nữa, thời điểm này, công nhân, sinh viên…. các nơi đã trở lại Đà Nẵng học tập, làm việc…nên đã đẩy phần “cầu” tăng cao. Người buôn bán cũng vì thế được nước, cứ “cung” toàn giá trên trời. Người đi chợ hiện nay phải chấp nhận “méo mặt” với giá cả”, chị Hoa, một người dân than thở giữa chợ hải sản.

Điều đáng nói, cùng với việc tăng giá hàng hóa, nhiều của hàng xăng đầu cũng thấp thỏm “găm hàng” chờ giá tăng bằng việc “chủ động” ngừng bán hàng, bán với số lượng ít hoặc hoạt động cầm chừng chờ giá mới. Cây xăng Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa (Hải Châu) hay nhiều cay xăng lớn tại Hòa Khánh (Liên Chiểu), dù không dám công khai nhưng khách hàng vẫn dễ nhận thấy là họ cho ngừng một vài cột bơm với lý do “hỏng”, “cúp điện” chờ sửa chữa”…

Một nhân viên cửa hàng cây xăng trên đường Trần Cao Vân tiết lộ: “Những ngày qua, chúng tôi rất phân vân trong việc bán hàng. Bởi nếu bán chúng tôi sẽ bị lỗ, mà không bán thì người dân không có xăng để đi. Trước đây, chúng tôi còn được chiết khấu 650 đồng/lít xăng, rồi xuống 450 đồng/lít nhưng giáp và sau Tết Nguyên đán, không hiểu vì sao chỉ còn là 50 đồng/lít xăng, trong khi đó, tất cả đầu vào tăng, giá xăng giữ nguyên, nếu chúng tôi bán không cẩn thận sẽ bị lỗ vốn. Vì vậy, cứ “lách” bớt bằng việc …tạm ngưng vài cột bơm xăng”.

Ông Lê Viết Tươi, Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng cho biết, việc tăng giá này được đánh giá là do tác động “tâm lý hàng hóa sau tết”, riêng giá gas thì do ảnh hưởng của giá gas thế giới, kéo theo đó, một số mặt hàng “ăn theo” đẩy giá lên cao. Hiện, thành phố vẫn đang kiểm soát chặt tình hình, nếu có biến động mạnh sẽ tiến hành ra quân xử lý.

Nhà nông khốn đốn!

Ông Hồ Phó, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết: “Ước tính vụ Đông Xuân, toàn thành phố sẽ gieo cấy hơn  20.000 ha. Theo đó, nhu cầu phân bón cần 18.000 tấn các loại.

Nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm cũng tăng giá.

Hiện nay, hầu hết các loại phân bón nội địa và ngoại nhập đều tăng 50- 100 ngàn đồng/tấn, thậm chí có loại tăng vọt từ 300 đến 500 ngàn đồng/tấn. Với bà con nông dân đây là một khó khăn lớn...”.

Cũng theo ông Phó, giá phân bón hiện nay đang ở mức khá cao trong nhiều năm trở lại đây.

Chị Thủy, một chủ đại lý phân bón tại Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) nói: “Trước đây, mỗi khi bước vào vụ sản xuất mới là giá phân bón có tăng, nhưng tăng không đáng kể, chỉ khoảng 5-10 ngàn đồng/bao (bao 50kg). Nhưng năm nay, tăng vọt, mức tăng 15- 20%”.

Một khách hàng cho biết thêm, thời điểm này năm ngoái, phân đạm Phú Mỹ có giá 300 ngàn đồng/bao, nay tăng lên 360 ngàn đồng/bao. Phân NPK Hàn Quốc năm ngoái 520 ngàn đồng/bao, nay lên 620 ngàn đồng/bao. Phân NPK Phi-líp-pin 445 ngàn đồng/bao... Các loại phân khác như: Lân, kali… cũng tăng đáng kể.

Trong khi phân bón tăng nhưng giá lúa lại bấp bênh khiến nhiều bà con nông dân tỏ ra lo lắng. Anh Nguyễn Công (Hòa Khương) phân trần: “Như các năm trước, mỗi sào ruộng vụ Đông Xuân cho lãi khoảng 250 ngàn đồng. Bây giờ giá phân bón tăng cao thế này, e rằng phải chuyển đổi cây trồng khác, thay lúa...”.

Nhiều nông dân cho hay, với giá phân bón như hiện nay, nông dân phải chi 2,5-3 triệu đồng tiền phân bón cho một héc-ta lúa Đông Xuân. Như trước đây, chăm bón tốt thì bình quân một héc-ta thu hoạch được 6-6,5 tấn thóc, có lãi 3-3,5 triệu đồng. Nhưng bây giờ, vì giá phân bón tăng, giá nhân công cũng tăng, nên khó có thể lãi được 2 triệu đồng/ha/vụ. Thậm chí, nếu hộ nào thiếu lao động, phải thuê mướn nữa... thì thua lỗ là chuyện có thể xảy ra.

Cũng theo nhiều nông dân, bên cạnh nỗi lo giá tăng, thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán phân bón giả, nhái nhãn hiệu… xuất hiện khá nhiều trên thị trường cũng là vấn đề khiến họ càng thêm lo lắng.

Vân Anh

Đọc thêm