Người dân Hàn Quốc vẫn có xu hướng ủng hộ thống nhất hai miền

0:00 / 0:00
0:00
Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy có tới 58,7% người Hàn Quốc được hỏi cho thấy "thống nhất là cần thiết," tăng 6% so với cùng thời điểm của năm 2020.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay hữu nghị tại làng đình chiến Panmunjom. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay hữu nghị tại làng đình chiến Panmunjom. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo khảo sát thống nhất năm 2021 do Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) công bố ngày 16/7 cho thấy đa số người dân nước này vẫn ủng hộ việcthống nhất hai miền Triều Tiên.

KINU cho biết đã thực hiện cuộc khảo sát bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp với hơn 1.000 người trên 18 tuổi từ ngày 26/4 đến ngày 18/5 vừa qua, với sai số ± 3,1% và có độ tin cậy 95%.

Theo Chủ tịch KINU Koh Yu-hwan, cuộc khảo sát về thống nhất do KINU thực hiện thường niên đã được công nhận là cuộc khảo sát kéo dài và đáng tin cậy nhất về thống nhất và về Triều Tiên.

Cuộc khảo sát được tiến hành nhằm nghiên cứu nhận thức của người dân Xứ sở Kim Chi về các vấn đề như thống nhất, Triều Tiên, chính sách thống nhất, hội nhập liên Triều, định hướng an ninh và những thay đổi trong nhận thức đối với các nước láng giềng...

Cuộc khảo sát cũng nhằm xác định các yếu tố tác động khác nhau và góp phần xây dựng chính sách thống nhất và chính sách đối với Triều Tiên có sự ủng hộ và đồng tình của người dân Hàn Quốc.

Kết quả cuộc khảo sát trên cho thấy có tới 58,7% người được hỏi cho thấy "thống nhất là cần thiết," tăng 6% so với cùng thời điểm của năm 2020.

Hiện quan điểm về tương lai của quan hệ liên Triều đang phân cực thành "chung sống hòa bình" và "thống nhất" trong đó có 56,5% thích "chung sống hòa bình."

Các câu trả lời tích cực cho câu hỏi "Nếu Triều Tiên mở cửa biên giới và hợp tác về các vấn đề chính trị và kinh tế thì một quốc gia như vậy có thể được coi là thống nhất ngay cả khi hai miền Triều Tiên chưa phải là một quốc gia" đã lên tới 63,2%.

Lần đầu tiên kể từ khi câu hỏi này (năm 2018), hầu hết đều dự đoán quan hệ liên Triều sẽ được duy trì ở hiện trạng thay vì xấu đi hoặc cải thiện (66,7%).

Về chính sách đối với Triều Tiên và mối quan hệ Hàn-Mỹ, có tới 67,7% đồng ý với tuyên bố "Các thỏa thuận đạt được giữa hai miền Triều Tiên nên được tiếp tục bất kể sự thay đổi của chính phủ."

Điều này cũng cho thấy rằng sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc rất có ý nghĩa đối với việc tiếp tục theo đuổi chính sách hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên bất kể có sự thay đổi chính phủ.

93,8% những người được hỏi tin rằng việc duy trì liên minh Hàn-Mỹ là cần thiết trong tương lai (cao hơn mức 90% của năm 2020).

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của cùng một câu hỏi nhưng khác thời kỳ là "sau khi thống nhất" lại cho thấy tỷ lệ đồng ý với sự cần thiết duy trì liên minh giảm rất nhiều (còn 47,9%).

Đối với câu hỏi "Bạn đánh giá thế nào về quan hệ Hàn-Mỹ trong năm qua?" đã có 70,3% trả lời rằng "không thay đổi," cao hơn 16% so với cuộc khảo sát tháng 11/ 2020.

Ngược lại, số cho rằng "trở nên tồi tệ hơn" là 25,9%.

Đối với câu hỏi "Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Mỹ đã đồng ý tăng tỷ trọng đóng góp chi phí quốc phòng của Hàn Quốc lên 13,9%," có tới 74,5% cho rằng Hàn Quốc "đã trả quá nhiều."

Về triển vọng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Kim Jong-un, 69% tỏ thái độ tích cực.