Người đàn ông Quảng Ninh bị thủng dạ dày hiếm gặp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật cấp cứu một người bệnh nguy kịch do thủng mặt sau tá tràng gây nhiễm trùng khoang sau phúc mạc.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân là ông L.T.Q (65 tuổi, trú tại TP Hạ Long) có tiền sử đặt stent mạch vành cách đây 4 tháng, đái tháo đường, viêm loét dạ dày. Trước nhập viện 3 ngày, bệnh nhân nhập bị nôn, đau bụng dữ dội, đau tức vùng hông lưng bên phải.

Khám tại bệnh viện, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm thăm dò chẩn đoán. Kết quả có hình ảnh dịch dọc hành lang đại tràng phải lan xuống vùng tiểu khung, có khí sau phúc mạc. Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận tình trạng thủng tá tràng, chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí tổn thương.

Quá trình phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy kiểm tra thấy trong ổ phúc mạc không có dịch tiêu hóa, mở khoang sau phúc mạc thành bụng phải tràn ra nhiều dịch tiêu hóa màu xanh lẫn thức ăn với áp lực cao, vị trí mặt sau D2-D3 tá tràng có lỗ thủng kích thước 2 cm đang chảy dịch tiêu hóa, dịch mật.

Xác định bệnh nhân bị thủng mặt sau tá tràng D2 -D3 gây nhiễm trùng khoang sau phúc mạc bên phải. Phẫu thuật viên đã tiến hành sinh thiết và dẫn lưu lỗ thủng tá tràng (không khâu lỗ thủng), hút dịch bẩn, rửa ổ bụng, đặt dẫn lưu rộng rãi cạnh vị trí lỗ thủng.

Sau phẫu thuật 12 ngày, được chăm sóc hậu phẫu tích cực, sức khỏe bệnh nhân ổn định và xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Thủng dạ dày - tá tràng là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, nếu không phát hiện và phẫu thuật điều trị kịp thời thức ăn, dịch tiêu hóa, máu có thể tràn vào ổ bụng gây nhiễm trùng khoang bụng (viêm phúc mạc), người bệnh có thể tử vong do sốc nhiễm khuẩn toàn thân.

Trường hợp bệnh nhân này, vị trí thủng mặt sau tá tràng ra sau phúc mạc không thường gặp, rất khó chẩn đoán vì triệu chứng không điển hình. Quá trình phẫu thuật rất phức tạp do diện phẫu tích rộng, phẫu thuật viên phải di động toàn bộ đại tràng phải và lật khối tá tụy để tiếp cận tổn thương lỗ thủng mặt sau. Bên cạnh đó, phẫu thuật tiến hành với thời gian kéo dài trên nền bệnh nhân cao tuổi kèm theo nhiều bệnh lý nền nặng nề (đặt stent mạch vành, đái tháo đường) phải đối mặt với nguy cơ tử vong do biến chứng tim mạch, nhiễm trùng nặng…

Vì vậy, ca phẫu thuật đòi hỏi phẫu thuật viên phải hiểu sâu về bệnh lý giải phẫu, thao tác kỹ thuật nhanh gọn, chuẩn xác, đảm bảo xử trí tận gốc tổn thương và an toàn tính mạng người bệnh. Đặc biệt quá trình hồi sức trong mổ, phục hồi thể trạng sau phẫu thuật góp phần quan trọng vào sự thành công cứu sống người bệnh.”

Thủng dạ dày – tá tràng có nguyên nhân do viêm loét dạ dày – tá tràng. Những người bệnh thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống đông máu, thuốc điều trị loãng xương với liều cao và trong thời gian dài có nguy cơ viêm loét dạ dày – tá tràng. Bên cạnh đó chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh (ăn quá no, bỏ bữa, ăn khuya, ăn nhiều đồ cay nóng…) và căng thẳng mệt mỏi kéo dài có thể mắc viêm loét dạ dày – tá tràng dẫn đến biến chứng thủng dạ dày – tá tràng nguy hiểm.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Khi xuất hiện các dấu hiệu của thủng dạ dày tá tràng như đau bụng dữ dội, đau liên tục, nôn, bí trung đại tiện, sốt cao rét run, môi khô, hơi thở hôi…cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Với những người bệnh có triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng như nóng rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua…cần nội soi dạ dày và dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ, tránh biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư.

Người dân, đặc biệt là người trẻ tuổi cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, học tập và lao động điều độ, xây dựng chế độ ăn nghỉ khoa học, đúng giờ, hạn chế ăn muộn, thức đêm, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị các chứng bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày.

Đọc thêm