Người đàn ông trẻ hôn mê sau ăn một con ốc

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Sau 30 phút ăn ốc bùn bóng, ông T.V.B (37 tuổi, quê Nghệ An) xuất hiện tê miệng và chân tay, sau đó rơi vào hôn mê phải nhập viện cấp cứu.

 Hình ảnh con ốc bùn bóng mà bệnh nhân đã ăn.
Hình ảnh con ốc bùn bóng mà bệnh nhân đã ăn.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng 30 phút sau khi ăn một con ốc bùn bóng, bệnh nhân T.V.B xuất hiện tê miệng, tê tay, tê chân. Ngay sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu. Sau khoảng 2 giờ nhập viện, bệnh nhân đi vào hôn mê, suy hô hấp; bệnh nhân được xử trí cấp cứu đặt nội khí quản, truyền dịch, duy trì vận mạch.

Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An trong tình trạng ý thức mê, đồng tử 2 bên giãn 5 mm, mất phản xạ ánh sáng, thở máy qua nội khí quản, duy trì vận mạch Adrenalin. Sau khi thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc Tetrodotoxin sau ăn ốc bùn bóng

Bệnh nhân được điều trị tích cực, thở máy, bài niệu tích cực, kiểm soát huyết động. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, đã được rút ống nội khí quản, ý thức tỉnh táo.

Bệnh nhân T.V. B được điều trị tích cực, thở máy, kiểm soát huyết động

Bệnh nhân T.V. B được điều trị tích cực, thở máy, kiểm soát huyết động

Ốc bùn bóng (Nassarius glans) là một loài ốc biển thuộc họ Nassariidae, là động vật thân mềm chân bụng sống ở biển Biển Hồng Hải, Ấn Độ Dương, Vịnh Thái Lan và Biển Đông. Ốc bùn bóng có chứa độc tố Tetrodotoxin với hàm lượng 60mg/kg.

Chiều dài của vỏ thay đổi từ 15 mm đến 50 mm. Vỏ khá mỏng, nhẵn có hình trứng và hình nón. Màu nền của nó là màu trắng, với các đốm màu đỏ sẫm hoặc ở phần dưới một đốm rất lớn có cùng tông màu, nhưng sâu hơn. Trên phần lồi của vòng xoáy này có thể đếm được chín hoặc mười đường xa, song song và nằm ngang, có màu hạt dẻ sáng, đôi khi màu nâu, lúc khác màu đen.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phúc – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, một số loài hải sản có độc tố thần kinh Tetrodotoxin có thể gây độc và dẫn tới tử vong cho con người. Một số loài sản sinh chất độc Tetrodotoxin như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển…

"Độc tố Tetrodotoxin có độc tính rất mạnh bền vững với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Ở người, liều gây chết người của tetrodotoxin là khoảng 1 đến 2 mg và liều tối thiểu cần thiết để gây ra các triệu chứng được ước tính là 0,2 mg. Với liều độc rất thấp có thể gây rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Trên thực tế đã có những trường hợp bệnh nhân tử vong trên đường vận chuyển cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế.”

Ngộ độc Tetrodotoxin có thể khởi phát nhanh (10-45 phút) hoặc khởi phát chậm (thường trong vòng 3-6 giờ nhưng hiếm khi lâu hơn). Tử vong có thể xảy ra sớm nhất là 20 phút, hoặc muộn nhất là 24 giờ, sau khi phơi nhiễm; thường xảy ra trong vòng 4-8 giờ đầu tiên. Bệnh nhân sống qua cơn nhiễm độc cấp tính trong 24 giờ đầu thường hồi phục mà không bị di chứng. Các triệu chứng có thể kéo dài trong vài ngày và quá trình hồi phục mất nhiều ngày.

"Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu nên khi phát hiện người bị ngộ độc Tetrodotoxin với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi…cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Nguyễn Đức Phúc cho biết thêm.

Việc phòng ngừa nguy cơ ngộ độc Tetrodotoxin từ hải sản đối với người dân là rất cần thiết, do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân khi ăn hải sản người dân cần lưu ý: Không ăn các loại hải sản đã được các cơ quan quản lý khuyến cáo có độc tố nguy hiểm như: cá nóc, so biển, ốc bùn răng cưa, ốc mặt trăng, cua trứng hoa, mực đốm xanh…

Do độc tố có ở da, gan, buồng trứng, trong cơ thịt và không bị phá hủy ở nhiệt độ cao, vì vậy người tiêu dùng không nên sử dụng bất kỳ các loại hải sản độc này hay các bộ phận bất kỳ của cơ thể chúng để chế biến thức ăn và các sản phẩm thực phẩm khác.

Tuyệt đối không ăn hải sản lạ chưa từng ăn cũng như chưa nắm rõ đặc tính của chúng. Nên mua hải sản tại các cơ sở có thương hiệu, uy tín, hải sản bảo đảm còn tươi, không có mùi ươn thối và đáp ứng các quy định bảo quản an toàn thực phẩm.