Người dân phá rừng, Kiểm lâm viên chịu tội?

Chỉ vì ký vào biên bản cho phép người dân được cải tạo bãi chăn thả gia súc thuộc khu vực rừng Tả Lèng thành đất canh tác, kiểm lâm viên Lương Ngọc Trạnh bị kết án 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng” do các hộ dân phá rừng già ở tiểu khu 459 khoảnh 15, trạng thái rừng 3A2 (rừng sản xuất) cùng địa bàn.

Chỉ vì ký vào biên bản cho phép người dân được cải tạo bãi chăn thả gia súc thuộc khu vực rừng Tả Lèng thành đất canh tác, kiểm lâm viên Lương Ngọc Trạnh bị kết án 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng” do các hộ dân phá rừng già ở tiểu khu 459 khoảnh 15, trạng thái rừng 3A2 (rừng sản xuất) cùng địa bàn.

 

Cho phép làm nương sản xuất một nơi…

Lương Ngọc Trạnh là kiểm lâm viên (KLV) Hạt kiểm lâm huyện Mường Chà (Điện Biên), được giao phụ trách địa bàn xã Huổi Lèng. Xuất phát từ thực tế trước đây dân bản Huổi Lèng được làm nương ở khu vực Pa Xoan, giờ chia tách xã khu vực đó thuộc về xã Hừa Ngài nên người dân thiếu đất canh tác.

Người dân xin phép được cải tạo khu bãi chăn thả trâu bò thuộc rừng Tả Lèng để làm nương. Sáng 3/3/2011, trong buổi làm việc với ông Thàn Quán Sàng - Trưởng bản Huổi Lèng, Trạnh nhất trí bằng miệng cho phép người dân bản cải tạo rừng Tả Lèng chia cho các hộ làm nương rẫy.

Trong biên bản họp dân Huổi Lèng ngày 3/3/2011 có chữ ký của 32 hộ dân ghi rõ: “Đưa khu rừng Tả Lèng chia đều cho các hộ trong bản, chỉ được phép làm nương cũ và nương luân canh. Chỉ chia 2 bên sườn đồi làm đất canh tác. Riêng phần đỉnh đồi bà con có trách nhiệm bảo tồn. Hộ dân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy ước của bản.” Với tư cách kiểm lâm địa bàn, Trạnh đồng ý ký thông qua Bản cam kết trên; cùng ký còn có Trưởng bản Sàng.

Theo bị cáo Trạnh, thực chất khu vực dân xin làm nương rẫy và được Trạnh cho phép không phải là rừng mà chỉ là bãi chăn thả gia súc. Theo bản đồ hiện trạng kiểm kê đánh giá rừng năm 2011, khu vực trên có trạng thái IA- IC, mà theo tiêu chí xác định rừng phải có ký hiệu từ IIA. 

Lại bị buộc tội cho người dân phá rừng ở chỗ khác

Ngày 10/3/2011, xảy ra sự việc 9 hộ dân xã Huổi Lèng phá rừng khu vực tiểu khu 459 khoảnh 15 để làm rẫy. UBND xã Huổi Lèng cử ông Giàng Chứ Di, Lương Ngọc Trạnh phối hợp với bản Ma Lùng Thàng xuống nắm tình hình. Tổ công tác thu giữ 5 con dao phát rẫy của các hộ và yêu cầu về xã giải quyết.

Trạnh báo cáo sự việc đến Đảng ủy, UBND xã. Xã thành lập tổ kiểm tra, nhưng đang tiến hành thì các thành viên bận tham gia bầu cử 3 cấp nên để qua bầu cử sẽ làm tiếp. Ngày 1/5/2011, Trạnh được điều động đi xã khác làm nên không tham gia điều tra, cũng không nắm được nội dung diễn biến việc này nữa.

Đến ngày 28/7/2011, UBND huyện Mường Chà nhận được đơn thư tố cáo nhiều hộ dân xã Huổi Lèng phá hàng chục hecta rừng làm nương. UBND huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm Công an, Viện kiểm sát, Kiểm lâm phối hợp với chính quyền tiến hành điều tra xác định: Tổng diện tích rừng bị chặt phá là 162.320 m2 và 9.604 cây có đường kính từ 10cm đến 45 cm thuộc tiểu khu 459 khoảnh 15, trạng thái rừng 3A2 (rừng sản xuất) và 27 hộ chặt phá rừng.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân các hộ dân Huổi Lèng phá rừng là do Lương Ngọc Trạnh là KLV phụ trách địa bàn đã tự ý cho phép các hộ dân phá rừng. Bằng chứng là Trạnh đã ký vào Bản cam kết ngày 3/3/2011 với nội dung: “Thống nhất đưa khu rừng Tả Lèng chia đều cho các hộ gia đình trong bản Huổi Lèng để làm nương…” 

Nhận định rằng Trạnh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn tự ý cho phép dân bản Huổi Lèng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với quy hoạch, không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, TAND huyện Mường Chà xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trạnh mức án 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng”. Xét thấy các hộ dân hiểu biết hạn chế, chỉ làm theo sự chỉ đạo của Trạnh nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Lương Ngọc Trạnh đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bị cáo chỉ đồng ý, tạo điều kiện cho dân bản Huổi Lèng cải tạo khu bãi chăn thả để sản xuất, khu vực đó không phải là rừng. Phần diện tích người dân phá rừng gây thiệt hại là do họ tự ý phá, ở một khu vực khác, khi bị cáo đã chuyển công tác đi địa bàn khác. Việc các cơ quan tố tụng huyện Mường Chà buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý rừng” là oan sai cho bị cáo.

LS Nguyễn Đình Khỏe (VPLS Tràng Thi, HN): 

Không đủ cơ sở kết tội bị cáo!

“Tôi cho rằng việc kết tội kiểm lâm viên Lương Ngọc Trạnh về hành vi tự ý cho phép dân bản chia đất sản xuất ở khu rừng Tả Lèng dẫn đến hậu quả dân bản phá 162.320 m2 đất rừng và 9.604 cây gỗ các loại có đường kính từ 10cm đến 45 cm tại tiểu khu 495 khoảnh 15, trạng thái rừng IIIA2 (rừng sản xuất) là không chính xác.

Thứ nhất, hoàn toàn không có căn cứ để “đánh đồng” khu rừng Tả Lèng với khu vực rừng bị phá tại khoảnh 15 tiểu khu 459 xã Huổi Lèng. Trong hồ sơ vụ án không có sơ đồ hiện trường về khu rừng Tả Lèng là thuộc loại rừng nào, cấp nào hay cơ quan nào quản lý?

Theo bị cáo Trạnh thì rừng Tả Lèng mà dân xin làm nương chỉ là một bãi chăn thả trâu bò của bản, không phải khu rừng bị phá thuộc tiểu khu 459 khoảnh 15 như Cáo trạng đã truy tố. Theo bản đồ hiện trạng kiểm kê đánh giá rừng năm 2011 thì khu vực rừng Tả Lèng kể trên có trạng thái là từ IA- IC, mà theo tiêu chí xác định rừng thì phải từ IIA mới được coi là rừng. Thứ hai, việc Trạnh tự ý “chia” đất canh tác cho dân là không đúng quyền hạn nhưng vì không có mục đích trục lợi, không gây hậu quả nghiêm trọng nên chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, những sai sót, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng của vụ án cho thấy, việc kết tội Lương Ngọc Trạnh “Vi phạm các quy định về quản lý rừng” là không đủ cơ sở pháp luật.”

Trần Nguyên   

Đọc thêm