Người dân Thụy Sỹ không đi làm cũng có thu nhập cơ bản?

(PLO) - Thụy Sỹ dự kiến tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về một mức thu nhập cơ bản được đảm bảo cho tất cả các cư dân cư trú hợp pháp, bất kể việc họ có làm việc hay không.
Người dân Thụy Sỹ không đi làm cũng có thu nhập cơ bản?
Thụy Sỹ - một trong những nước giàu có nhất thế giới - đang tiến hành một loạt các cuộc thăm dò ý kiến của người dân về vấn đề tiền bạc. Chỉ trong năm nay, nước này đã tiến hành 2 cuộc trưng cầu dân ý trên phạm vi toàn quốc, trong đó có một cuộc thăm dò dư luận về việc phê chuẩn giới hạn thưởng cho giới lãnh đạo. 
Hiện nay, nước này đang chuẩn bị tiến hành thêm 2 cuộc bỏ phiếu nữa. Cuộc bỏ phiếu đầu tiên là về việc đưa ra một mức lương tối thiểu và cuộc bỏ phiếu thứ hai, cũng là cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi nhất, là về một mức thu nhập cơ bản được đảm bảo cho tất cả các công dân hợp pháp của nước này, dù họ có làm việc hay không. 
Một thu nhập cơ bản chung thoạt nghe rất cấp tiến nhưng đây không phải là một ý tưởng mới. Nó đã được Thomas More đề xuất trong tác phẩm Utopia ở thế kỷ thứ 16. Những người ủng hộ đề xuất này cho rằng mức thu nhập cơ bản chung mang tính chất công bằng hơn trong khi những người phản đối lại cho rằng đây là một chính sách có thể khiến cho việc thanh toán các khoản phúc lợi xã hội trở nên lỗi thời. 
Theo ông Enno Schmidt – một trong những người ủng hộ mức thu nhập cơ bản chung – Thụy Sỹ là nơi hoàn hảo nhất và năm 2013 là thời điểm hoàn hảo để phát động một chiến dịch nhằm giới thiệu về mức thu nhập này.
“Thụy Sỹ là nơi duy nhất trên thế giới mà mọi người có quyền thực hiện dân chủ trực tiếp và thực tế”, ông Schmidt nói. Để có thể tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý trên phạm vi toàn quốc, những người ủng hộ cho khái niệm này chỉ cần thu thập được 100.000 chữ ký để kêu gọi một cuộc bỏ phiếu. 
Nhiều cử tri tại Thụy Sỹ trong thời gian qua tỏ rõ sự bức xúc trước thông tin cho biết một số ngân hàng lớn nhất của nước này như UBS vẫn tiếp tục trả cho các giám đốc điều hành những khoản thưởng kếch xù trong khi vẫn luôn báo cáo lỗ, từ đó dẫn tới một cuộc tranh luận nóng bỏng về vấn đề tiền lương và rộng hơn là về tính công bằng trong xã hội. 
Trong bối cảnh đó, việc thu thập được 100.000 chữ ký để tổ chức một cuộc bỏ phiếu về mức thu nhập chung là khá dễ dàng và chính phủ Thụy Sỹ nhiều khả năng sẽ sớm đưa ra một ngày cụ thể cho cuộc trưng cầu dân ý này. 
Tuy nhiên, đề xuất nói trên đã vấp phải phản ứng từ giới lãnh đạo các doanh nghiệp Thụy Sỹ, với một số người gọi đề xuất về “vùng đất hạnh phúc” này là sản phẩm của một thế hệ trẻ chưa từng trải qua cuộc suy thoái kinh tế lớn hay tình trạng thất nghiệp trầm trọng. Một số khác cho rằng đề xuất này sẽ không khuyến khích mọi người làm việc, kéo theo hệ lụy là các công ty khó có thể tìm được các lao động có tay nghề. 
Song, ông Schmidt đã bác bỏ điều này với lập luận số tiền thu nhập cơ bản chung 2.800 USD/tháng khó có thể đủ để sống tại nước này, do đó người dân vẫn cần phải làm việc để có tiền. Thay vào đó, ông Schmidt cho rằng mức thu nhập chung này sẽ cho phép mọi người thoải mái hơn trong việc quyết định điều mà họ thực sự muốn làm. 
Về khía cạnh vĩ mô, các nhà phân tích cho rằng đây sẽ là một động thái nguy hiểm vì Thụy Sỹ là thành viên của thỏa thuận di chuyển tự do của châu Âu. Và, dù được bàn luận rất nhiều nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất cứ ai đưa ra được một con số chính xác về chi phí cho một chương trình như vậy.

Đọc thêm