Người dân Tuy Hòa kêu cứu vì... vàng

Nhiều năm nay, 14 hộ dân tổ 5 khu phố Liên Trì, phường 9, TP. Tuy Hòa nhiều lần “cầu cứu” cơ quan chức năng xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất nghiêm trọng ở khu dân cư này nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Nhiều năm nay, 14 hộ dân tổ 5 khu phố Liên Trì, phường 9, TP. Tuy Hòa nhiều lần “cầu cứu” cơ quan chức năng xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất nghiêm trọng ở khu dân cư này nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an Phú  Yên kiểm tra đột xuất một cơ sở chế biến vàng
Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an Phú Yên kiểm tra đột xuất một cơ sở chế biến vàng

Theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay trên tầng thượng căn nhà số 21, đường An Dương Vương thuộc khu dân cư nói trên của hộ gia đình ông Huỳnh Kim Hổ được xây dựng một lò nung quặng và để sản xuất, chế biến vàng, bạc.

Đáng nói là chất thải trong quá trình sản xuất từ lò nung này bao gồm chất thải lỏng và khói gây ô nhiễm vô tư lan ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nghiêm trọng. Sự tồn tại của cơ sở chế biến khoáng sản đã gây bức xúc cho người dân địa phương, nhất là những gia đình lân cận, do hàng ngày họ phải sống chung với bụi, tiếng ồn và mùi hóa chất độc hại. Nguy hiểm hơn, nước thải sau lắng lọc được xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và ruộng nước của người dân.

“Khi lò hoạt động, khói bay ra kèm theo mùi khét nghẹt, ai ngửi phải trong người thấy nôn nao, bồn chồn rất khó chịu. Chất thải lỏng thì chảy tràn ra ngoài đường màu đen ngòm, nổi váng. Nước chảy đến đâu thì cây cối chết đến đó. Sau đó, còn xuất hiện nhiều xe contener chở đất từ xa về phơi đầy trên mặt đường để đắp hồ chứa nước đãi vàng khiến bụi mù mịt, mùi hôi nồng nặc”, bà Đặng Thị Thơm, một người dân ở đây viết đơn cho hay.

Chịu hết nổi người dân ở đây đã nhiều lần yêu cầu chủ lò nung chấm dứt hoạt động nhưng không được nên họ phải kéo nhau lên trình báo với chính quyền địa phương. “Nhiều lần trình báo và điện thoại cho Phòng Cảnh sát môi trường để được can thiệp nhưng rồi không có gì thay đổi, lò vẫn hoạt động, khói cứ lan tỏa, len lỏi vào tận ngóc ngách của từng nhà, nước thải vẫn cứ xả lênh láng trước mặt nhà”, ông Phan Đăng Việt bức xúc phản ánh.  

Sau rất nhiều lần kêu cứu thì mãi tới ngày 27/7/2012 đơn của các hộ dân sau đó đã được Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Phú Yên mới thụ lý giải quyết.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Phú Yên, căn cứ đơn kiến nghị của các hộ dân, phòng đã tiến hành xác minh, kiểm tra thực tế. Qua đó cho thấy, khoảng thời gian tháng 5/2012 tại hộ ông Hổ có sản xuất chế biến vàng từ đất, cát, sa khoáng tại nhà.

Quá trình hoạt động, ông Hổ đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nên Phòng đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời đè nghị Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 20 triệu đồng về bảo vệ mội trường và yêu cầu ông Hổ dừng ngay các hoạt động sản xuất vàng tại nhà, di chuyển toàn bộ đất, cát, sa khoáng đi khỏi khu dân cư, đô thị không để ảnh hưởng đến môi trường.

“Ngày 1/8/2012 Phòng đã phối hợp với công an phường 9, tổ trưởng tổ 5, khu phố Liên Trì kiểm tra thực tế tại nhà ông Hổ nhận thấy: Hiện tại ông Hổ đã dọn dẹp tầng 4 không còn hoạt động sản xuất vàng tại nhà. Gia đình ông Hổ đã cam kết sẽ không tiến hành các hoạt động sản xuất vàng tại nhà, nếu tại phạm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”- Thượng tá Lê Chí Lượng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Phú Yên khẳng định.

Tuy nhiên, trong đơn gửi Báo PLVN mới đây, các hộ dân cho biết, mặc dù trong quyết định xử phạt ghi rõ trong vòng 10 ngày ông Hổ phải chấm dứt các công việc vi phạm, nếu còn hoạt động thì phải chịu hình phạt thích đáng theo quy định pháp luật nhưng thực tế công việc sản xuất vẫn duy trì đều đặn, quá trình phân tích kim loại, xả thải được chỉ nhà thực hiện vào ban đêm.

Quá bức xúc thái độ coi thường pháp luật của gia đình ông Hổ, các hộ dân tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng thì đến ngày 27/7/2012, ông Hổ cùng nhiều nhân công tức tốc dọn dẹp ngày và đêm di tản nguyên vật liệu xuống tạm trữ ở vị trí khác trước giờ cơ quan chắc năng vào kiểm tra.

“Tạm lắng một thời gian, khoảng nửa tháng nay công việc đãi đất sa khoáng lại được ông Hổ thực hiện ở phía đường Trường Chinh và sau đó chúng được đưa về số nhà 21, đường An Dương Vương để chiết tách. Khói, nước thải ô nhiễm lại tiếp tục được thải ra vào môi trường như cũ”, bà Nguyễn Thị Thùy Hương bức xúc nói.

Về những phản ánh của người dân tổ 5 khu phố Liên Trì, phường 9, TP. Tuy Hòa, Báo PLVN đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên sớm chỉ đạo kiểm tra và có biện pháp xử lý kiên quyết sự việc tránh khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.  

Gia Khánh  

Đọc thêm