Người dân và doanh nghiệp lợi gì khi ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành BHXH?

(PLO) -Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tích cực triển khai rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính (TTHC), thành phần hồ sơ nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý, đồng thời, cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN) và người dân, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH.
Hoạt động tại Trung tâm Dịch vụ khách hàng – nơi tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.
Hoạt động tại Trung tâm Dịch vụ khách hàng – nơi tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.

Nếu như trước đây, người dân và DN phải trực tiếp đến cơ quan BHXH xếp hàng, vừa tốn thời gian, chi phí, thì đến nay, việc giao dịch đã được thực hiện trên cả 3 kênh: Giao dịch tại cơ quan BHXH (bộ phận một cửa); giao dịch điện tử: 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần; giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích. Hiện đã có trên 90% đơn vị đã thực hiện và giao dịch qua hệ thống bưu chính công ích và 63/63 tỉnh, thành phố cũng đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích.

Ứng dụng CNTT đã bao phủ hầu hết các nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như: Giao dịch điện tử trên tất cả lĩnh vực thu, cấp sổ thẻ; giải quyết và chi trả chế độ; thực hiện giao dịch điện tử đối với cả tổ chức và cá nhân. Hệ thống thông tin giám định BHYT  được vận hành để phục vụ công tác quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, kết nối liên thông với 100% cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc. Đây là công cụ hữu hiệu giám sát, cảnh báo, kịp thời phát hiện những hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi người bệnh.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Qua đó, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện theo dõi, giám sát BHXH tỉnh, thành phố trong việc giải quyết TTHC, kịp thời xử lý tình trạng giải quyết chậm, muộn hoặc để tồn đọng hồ sơ BHXH của cá nhân, doanh nghiệp. Cơ quan này cũng thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch...

Phó Giám đốc Trung tâm CNTT - BHXH Việt Nam Lê Nguyên Bồng cho biết, hiện nay, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH được triển khai theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Trung tâm Ðiều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được thành lập và bắt đầu vận hành là kết quả tổng hợp từ một quãng thời gian dài hệ thống BHXH tích cực phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sớm đưa vào sử dụng các phần mềm nghiệp vụ có chức năng kết nối liên thông dữ liệu toàn diện.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), quá trình cải cách TTHC của ngành BHXH đã đem đến nhiều lợi ích và sự hài lòng của người lao động, DN và người dân đối với BHXH. Đó là sự thuận lợi khi giao dịch do TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, kịp thời niêm yết công khai, cụ thể, rõ ràng.

Người dân không cần đến cơ quan BHXH để giao dịch nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC nhờ việc đăng ký, thực hiện giao dịch điện tử, chuyển phát hồ sơ qua dịch vụ bưu chính. Các đơn vị không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ, giảm được phần lớn số giờ thực hiện thủ tục BHXH, góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đáng chú ý, nhờ cải cách TTHC, tình trạng chậm muộn hồ sơ được tối giản sau khi triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Hiện BHXH Việt Nam đang xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ ngành cũng như kết nối với các ngành khác như: thuế, hải quan, tài chính, lao động - thương binh và xã hội, y tế, ngân hàng, cơ sở KCB...

Với tất cả những nỗ lực trên, mới đây, tại Báo cáo Đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam do Hội truyền thông số Việt Nam công bố, BHXH Việt Nam là đơn vị dẫn đầu khối các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử, nhận được sự ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao của người dân và DN.