Người đẹp lợi dụng nghệ thuật để quảng cáo rượu

(PLO) - Dù biết quảng cáo rượu mạnh là vi phạm pháp luật, bị dư luận “ném đá” nhưng những “sao” Việt vẫn nhiệt tình tiếp thị. Bởi mỗi lần họ xuất hiện với ly rượu trên tay đi kèm logo hãng rượu là tài khoản của họ tăng lên vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Số tiền ấy đủ để họ “chết chìm” trong bia, rượu. 
Khi người đẹp “ngất ngưởng” bên ly rượu
Rượu là một trong những mặt hàng cấm quảng cáo nên các nhãn hàng rượu không có cơ hội tiếp thị đến người tiêu dùng bằng bất cứ phương tiện nào. Tiền dành cho quảng bá rượu quá lớn mà không biết phải chi xài như thế nào nên nhiều hãng rượu đã nghĩ ra cách “cài cắm” rượu vào các sản phẩm nghệ thuật qua sự tiếp thị nhiệt tình của các “sao” Việt.
Những năm gần đây, hàng loạt “sao” Việt lợi dụng nghệ thuật để quảng cáo rượu trá hình. Năm 2013, ca sỹ Hồ N.H. đã ra mắt một MV âm nhạc. Tuy nhiên, MV này đã bị dư luận “ném đá” dữ dội khi đã quảng cáo rượu ngoại trá hình thông qua món quà tặng cha. 
Liên hoan phim (LHP) Cannes diễn ra tại Pháp, hàng loạt người đẹp như L.N.Kỳ, M., V.Trang, T.Diễm... tới tham dự với tư cách khách mời do một hãng rượu là đối tác của LHP Cannes tài trợ. Những người đẹp xúng xính áo quần, uốn oéo tạo dáng bên các chai rượu, logo của hãng rượu này. Hình ảnh hoa hậu M.P.Thúy xuất hiện khá nhiều bên đại gia hãng rượu, cầm trên tay ly rượu trong các đêm tiệc.
Sự kiện “Đêm hội chân dài 7” của Công ty Venus tổ chức cũng bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì quảng cáo cho một hãng rượu. Theo đó, trước khi sự kiện này diễn ra, trong tấm thiếp mời của chương trình đã in cả logo quảng bá cho một nhãn rượu. 
Trên thực tế, một số loại rượu mạnh có thương hiệu H. đang được quảng bá với các hình thức rất tinh vi như tổ chức đêm nhạc hoành tráng, logo, tờ rơi, áp phích rải khắp đường tràn lên sân khấu đi cùng với sự xuất hiện của các ngôi sao ca nhạc.
Không chỉ quảng cáo trá hình qua những “sao” Việt, chương trình nghệ thuật, các hãng bia, rượu còn “phủ sóng” ở điện ảnh. Bộ phim “Lửa Phật” khiến người xem bất bình khi cuối phim đặc tả nhân vật uống rượu, xoay cốc, khen rượu ngon và cận cảnh cả một thương hiệu rượu, một sản phẩm vốn bị cấm quảng cáo. 
Mặc dù ai cũng biết phim ảnh là một xã hội thu nhỏ với những con người, số phận được phóng tác và xây dựng từ cuộc sống thực nên mọi thứ tốt đẹp, xấu xa đều sẽ được xuất hiện trên phim. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ rằng thời gian gần đây, một số đạo diễn đã lạm dụng các hình ảnh diễn viên “ngất ngưởng” bên ly rượu.
 Quảng cáo rượu "trá hình" trong một cảnh quay.
Đầu độc giới trẻ
Phim ảnh, âm nhạc và thời trang là mảnh đất màu mỡ cho các thủ thuật tiếp thị của ngành công nghiệp bia rượu. Sự quảng bá lộ liễu hoặc trá hình này của một số hãng rượu và những người của công chúng khiến dư luận bức xúc. Không chỉ làm xấu hình ảnh của showbiz Việt, các “sao” còn cổ xúy việc uống bia rượu trong giới trẻ.
Theo kết quả nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, thanh niên từ 16-29 tuổi sẽ tăng mức độ tiêu thụ rượu bia từ 2 - 2,5 lần nếu họ được xem phim, nghe nhạc có các hình ảnh quảng cáo về rượu bia.
Hiện nay, giới trẻ tiêu phí quá nhiều thời gian và tiền bạc vào bia, rượu. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam gia tăng một cách đáng báo động. Khoảng 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 sử dụng đồ uống có cồn (năm 2008), tăng 10% với nam và 8% với nữ sau 5 năm, trong đó 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say.
Tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn ở nhóm tuổi từ 14-17 tăng từ 34,9% lên 47,5% và ở nhóm tuổi 18-21 tăng từ 55,9% lên 67% trong giai đoạn 2003-2008. Chỉ tính riêng bia, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc. Bia, rượu tàn phá sức khỏe và gây nhiều hệ lụy cho gia đình, cộng đồng, xã hội.
Dù biết quảng cáo rượu mạnh là vi phạm pháp luật, bị dư luận “ném đá” nhưng những “sao” Việt vẫn nhiệt tình tiếp thị. Bởi mỗi lần họ xuất hiện với ly rượu trên tay, logo hãng rượu là tài khoản của họ tăng lên vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Số tiền ấy đủ để họ “chết chìm” trong bia, rượu. 
Khoản 3 Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên. Đối với hành vi quảng cáo sản phẩm cấm quảng cáo là rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên sẽ bị xử phạt theo Khoản 7 Điều 27 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. 
Theo đó, hành vi sử dụng biểu trưng, nhãn hiệu thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào để quảng cáo cho hàng hóa, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Với số tiền phạt ấy so với catxe họ nhận được mỗi lần “bay” bia, rượu chẳng khác gì “muỗi đốt inox”. Chưa kể với việc, việc phạm luật do quảng cáo rượu, bia trá hình, bỗng chốc tên tuổi của các cô nàng, chương trình nghệ thuật, các hãng bia, rượu trở nên “nổi bần bật” trên các phương tiện truyền thông. Thế nên, chẳng lạ khi nhiều người đẹp, đơn vị tổ chức biểu diễn sẵn sàng nhận nhiều “sô” để được… phạt. 
Việc xử phạt quá nhẹ khiến các người đẹp đi quảng cáo bia rượu trá hình sẵn sàng chịu phạt để thu về bộn tiền và tiếng tăm như thách thức các nhà quản lý.

Đọc thêm