Ngày 17/12, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn qiao thông quốc gia, cho biết quy định trên nằm trong Quyết định 2060/2020 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện, Chính phủ thống nhất điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe cơ giới đường bộ cho phù hợp với Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ và đặc thù phương tiện tại Việt Nam; hài hòa hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tương đương với các nước phát triển.
Theo ông Hùng, nghiên cứu về tai nạn giao thông của Bệnh viện Việt Đức năm 2017 cho thấy có tới 80% số vụ cấp cứu do tai nạn giao thông xảy ra ở nhóm trẻ từ lớp 8 đến lớp 12 và trên 80% thương vong cũng nằm trong nhóm này. Phần lớn tai nạn liên quan đến học sinh đi xe máy điện, xe môtô dưới 50cc, trong khi đó học sinh đi loại xe này nhưng không được trang bị kiến thức về tham gia giao thông an toàn, không phải học bằng lái, không phải sát hạch.
Từ thực tế trên và qua nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... bắt buộc đào tạo sát hạch cấp giấp phép lái xe với các loại phương tiện có tốc độ đến 60 km/h, Chính phủ đã thống nhất đưa nội dung này vào Chiến lược Quốc gia về an toàn giao thông để luật hóa và thực thi trong thời gian tới.
Hiện Luật Giao thông đường bộ không bắt buộc sát hạch cấp bằng lái với hạng xe máy dưới 50cc và xe máy điện. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đầu năm 2020 đã bổ sung loại giấy phép lái xe A0 dành cho xe máy dung tích dưới 50cc và xe điện dưới 4kW.
Lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, quá trình xây dựng dự luật, Ban soạn thảo đã tính các phương án đào tạo, sát hạch với nhóm phương tiện này, cụ thể sẽ xây dựng các bài sát hạch tương đồng với hệ thống sát hạch xe gắn máy, môtô hiện nay để đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa việc phải mất thời gian thi lại hoặc nâng cấp bằng lái cho người dân.
"Dự kiến, để quy định này được thực thi phải mất từ 6 tháng đến hơn một năm để luật hóa, xây dựng nghị định và các văn bản hướng dẫn", đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, giấy phép lái xe được phân làm 13 hạng. Bằng lái hạng A1 cho phép điều khiển xe máy có dung tích xy-lanh từ trên 50cc đến dưới 175cc; bằng A2 cấp người điều khiển xe trên 175cc.
Điều 60 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50cc. Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh từ 50cc trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.