Cụ thể, theo Bộ LĐ-TB&XH, bảo hiểm hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm mang tính tự nguyện theo nguyên tắc thị trường; bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người sử dụng lao động hoặc của người sử dụng lao động và người lao động. Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động. Mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận.
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán. Khoản đóng góp vào Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân. Bên cạnh đó, Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý. Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm được chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.
Với quy định linh hoạt hơn về đóng - hưởng, Luật BHXH 2024 cũng gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu đối với người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thời gian tham gia BHXH của NLĐ ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ BHXH. NLĐ khi đủ điều kiện có cơ hội được hưởng đồng thời chế độ hưu trí ở cả Việt Nam và nước mà Việt Nam có ký điều ước quốc tế về BHXH.
Đến nay, Việt Nam mới ký Hiệp định song phương về BHXH với Chính phủ Hàn Quốc. Hiệp định đã được ký kết ngày 14/12/2021 tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Việc ký kết Hiệp định về BHXH là cần thiết để khắc phục vấn đề đóng song trùng, tối ưu hóa quyền lợi cho NLĐ hai nước.
Phạm vi áp dụng đối với Việt Nam là Luật BHXH (chỉ áp dụng với hai chế độ hưu trí và tử tuất), đối với Hàn Quốc là Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc. Đối tượng áp dụng là NLĐ là công dân Việt Nam, NLĐ là công dân Hàn Quốc và thân nhân hoặc người thừa kế của những người này theo quy định của pháp luật mỗi nước.
Hiện nay, để triển khai Luật BHXH, đặc biệt vấn đề liên quan đến lương hưu cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phương án tính lương hưu đối với NLĐ đã tham gia BHXH tại nước ngoài. Theo đó, mức lương hưu hàng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu, có thời gian tham gia BHXH theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng thời gian đóng BHXH tại Việt Nam dưới 15 năm sẽ được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 66 của Luật BHXH. Cụ thể, mỗi năm đóng trong thời gian này sẽ được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Như vậy, trường hợp Chính phủ Việt Nam ký kết hợp tác song phương với các quốc gia khác về BHXH, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng như người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam cũng sẽ được đảm bảo nhiều hơn về quyền lợi. Và bắt đầu từ ngày 1/7, khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực, NLĐ dù đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ có nhiều cơ hội hưởng lương hưu hơn.