Thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động bị xử phạt như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Nguyễn Võ (Hải Dương) hỏi: Tôi sắp học xong hệ cao đẳng và có dự định đi xuất khẩu lao động sang Nhật. Thông qua người quen tôi được giới thiệu một công ty xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, nhưng qua tìm hiểu tôi được biết công ty có thu một khoản phí môi giới. Xin hỏi, việc thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động có bị xử phạt không?
Luật sư Lê Thùy.
Luật sư Lê Thùy.

Luật sư Lê Thùy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Căn cứ khoản 8 Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau: Thu tiền môi giới của người lao động.

Như vậy, công ty xuất khẩu lao động sẽ không được thu tiền môi giới của người lao động khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do vậy, bạn không phải trả tiền cho công ty để đi xuất khẩu lao động. Nếu công ty xuất khẩu lao động có hành vi thu tiền môi giới của người lao động là vi phạm quy định pháp luật và sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, tại khoản 6 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau: Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng không quá 200 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động hoặc tuyển chọn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.

Về hình thức xử phạt bổ sung, tại điểm đ, điểm e khoản 13 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: Đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động từ 6 - 12 tháng đối với hành vi lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động để thu tiền của người lao động trái pháp luật quy định tại khoản 6 Điều này. Đình chỉ hoạt động tuyển chọn người lao động từ 6 - 12 tháng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tuyển chọn người lao động để thu tiền của người lao động trái pháp luật quy định tại khoản 6 Điều này.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc doanh nghiệp dịch vụ trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu trái pháp luật của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt khi có hành vi vi phạm quy định tại khoản 6, điểm a khoản 8 Điều này (căn cứ quy định tại điểm đ khoản 14 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Như vậy, công ty xuất khẩu lao động thu tiền môi giới của người lao động thì bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng không quá 200 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, đình chỉ hoạt động tuyển chọn người lao động từ 6 - 12 tháng. Đồng thời, buộc phải trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu trái pháp luật của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Đọc thêm