Sau Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn ở Hà Giang, những chức danh quyền lực của các phụ huynh Sơn La có con được nâng điểm đang bị điểm danh: Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc VNPT tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, các Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La, huyện Quỳnh Nhai...
Các cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng về việc các phụ huynh này tác động tới việc sửa điểm (dẫn tới nhiều cán bộ công an, giáo dục bị khởi tố, bắt giam). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu phụ huynh có thể vô can trong chuỗi gian lận này?. Xử lý các phụ huynh liên đới ra sao là đòi hỏi của nhiều người quan tâm tới kết quả của vụ việc.
Liệu phụ huynh 222 thí sinh được nâng điểm “đánh tráo” cơ hội của 222 thí sinh khác có vô can?. Tất nhiên là không rồi. Không nói thì dư luận ai cũng biết, phụ huynh các em đã chi nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền vào “thương vụ ăn cắp cơ hội” này. Cái khó nhất của cơ quan điều tra là chứng cứ và đây là bí mật cuối cùng không thể “khám phá”, bởi khi “đưa tiền” người “nhận tiền” đâu ký?.
Hoàn toàn không võ đoán, bởi có bị can đã khai được nhận hơn nửa tỷ bạc.
Những ngành thang, bảng lương vô cùng hấp dẫn, nhiều chế độ chính sách ưu đãi đã và đang là “đích ngắm” gửi gắm “tương lai”. Ma lực của đồng tiền đã “tấn công” vào “nền tảng” giáo dục của một quốc gia.
Gian lận thi cử để lại những hậu quả rất nặng nề. Nó “tàn sát” lòng tin, nó làm nền giáo dục bị mất uy tín, làm tổn thương các thầy cô chân chính và phụ huynh tử tế. Nó phản ánh một thực trạng giáo dục màu xám. Lúc sinh thời, Bác Hồ căn dặn: “Non sông Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không, một phần nhờ công lao học tập của các cháu”. “Sự học” đó tuyệt nhiên không phải bằng “gian lận”, biến “đầu vào” các trường đại học thành chỗ “mua bán”.
Kinh nghiệm thành công, phát triển của Hàn Quốc, Singapore... - các nước không xa lạ với Việt Nam nhờ tầm nhìn vào giáo dục của các chính khách quốc gia họ. Nhưng đó là nền giáo dục khoa học, tiên tiến, trung thực.
Vụ việc “gian lận thi cử” ở các tỉnh bị phát hiện như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La (chắc còn nhiều tỉnh khác chưa bị phát hiện) xảy ra vào lúc T.Ư Đảng ban hành quyết định về trách nhiệm nêu gương: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Những cán bộ, đảng viên trong số 222 phụ huynh “bị lộ” chắc chắn “thuộc” Quyết định số 08-QĐi/TW của T.Ư. Họ đã tự “phơi bày” chân tướng “nói một đàng, làm một nẻo”, dối trá?.
Cơ quan điều tra sẽ rất khó tìm chứng cứ để buộc tội các phụ huynh này. Họ sẽ “phủi” trách nhiệm. Quy trình “buộc từ chức” thì vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, sẽ có một “tòa án” trong lòng họ lên tiếng. Họ không xứng đáng!