Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra hiện tượng tấn công mạng, giả mạo tin tức về giáo dục. Trong đó, việc nhiều lớp học trực tuyến của sinh viên liên tục bị những người lạ mặt phá rối dẫn đến quan ngại an ninh học đường tại các trường đại học hiện nay.
Bật nhạc, chửi tục, vẽ bậy...
Khoảng đầu tháng 10, buổi học online trên ứng dụng Zoom môn kinh tế chính trị Mác - Lênin của giảng viên H. - Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP HCM bị 5, 6 người lạ vào phá. Nhóm này "vẽ bậy" lên màn hình, chửi tục, chia sẻ video clip. Đỉnh điểm, nhóm này chiếm quyền kiểm soát lớp học, đẩy giảng viên ra khỏi lớp.
Một sinh viên cho biết lớp hơn 80 người, nhưng có nhóm người lạ, lớp lên đến 91 thành viên. "Khi nhóm này ăn nói tục tĩu, tôi phải thoát khỏi lớp học. Mấy chục sinh viên và thầy giáo bị ảnh hưởng, cả buổi không học được gì. Qua nói chuyện thì nhóm này là học sinh THPT".
Một lớp học trực tuyến tại Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP HCM bị người lạ "vẽ bậy" quấy phá
Tương tự, một lớp học trực tuyến tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng bị người lạ quấy phá. Lúc giảng viên đang dạy, hàng loạt tài khoản của sinh viên hiện lên những đoạn nhạc ầm ĩ khiến lớp không thể ổn định dưới sự ngỡ ngàng của thầy giáo.
Trong một lớp học trực tuyến tại trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM trên nền tảng Zoom cũng bị một nhóm người vào phá bằng cách bật tiếng Huấn Hoa Hồng, bà Phương Hằng đến Lộc Fuho làm ồn ào. Nhóm này còn đổi tên các thành viên trong lớp, liên tục bấm biểu tượng giơ tay cho giảng viên gọi tên, làm nhiễu lớp học.
Sinh viên rất nhiều trường phải "than trời" trước tình trạng này và đề nghị người quản lý nhóm phải kiểm duyệt chặt chẽ hơn.
Nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự
Liên quan đến thực trạng trên, Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc, Công Ty Luật TNHH TGS – (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội) cho biết, đã theo dõi và thấy thời gian gần đây, nhiều lớp học online (trực tuyến) ở các trường Đại học bị người lạ vào phá rối, vẽ bậy, chèn clip hoặc nhạc chế làm ảnh hưởng đến quá trình học khiến sinh viên rất bức xúc. Đặc biệt, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều fanpage hoặc nhóm mới lập với mục đích phá rối các lớp học trực tuyến với số lượng người tham gia lên đến hàng nghìn thành viên. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập của sinh viên mà còn gây thiệt hại thực tế có thể tính toán bằng chi phí vật chất.
Theo Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, cơ quan chức năng có thể xem xét tính chất, mức độ hành vi phá rối, cản trở các lớp học trực tuyến và hậu quả mà hành vi các cá nhân, tổ chức gây ra để có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể,Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng phân tích, trường hợp cá nhân xâm nhập vào lớp học gây rối bằng cách tung hình ảnh, âm thanh làm gián đoạn lớp học đã vi phạm điểm e Khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng 2018 đối với các “Hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
|
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc, Công Ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) |
Trường hợp một hay nhiều cá nhân cung cấp thông tin lớp học, tài khoản để lôi kéo người lạ vào phá rối lớp học thì cá nhân đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi “Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018.
Căn cứ Khoản 1 Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, theo đó sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng”. Tại điểm a Khoản 2 Điều 80 Luật này quy định đối với các hành vi “Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác” có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 289 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo đó, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 12 năm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài ra, người có hành vi còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp hoạt động xâm nhập, phá rối các lớp học online nhằm mục đích truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy qua tranh, ảnh, phim nhạc phổ biến có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 326 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, theo đó có thể bị bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài ra, người có hành vi trên còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"