Điện ảnh Việt thiếu vắng phim chữa lành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Healing” hay còn gọi là chữa lành, một thuật ngữ vô cùng phổ biến thời gian qua khi mà con người giờ không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà cả tâm hồn. Bắt kịp xu hướng đó, các bộ phim chữa lành trên thế giới ra đời và được đông đảo khán giả đón nhận, tuy nhiên tại Việt Nam dòng phim này vẫn còn vắng bóng tại các rạp chiếu.
“Nhắm mắt thấy mùa hè” - bộ phim chữa lành hiếm có của điện ảnh Việt. (Ảnh: “Nhắm mắt thấy mùa hè”)
“Nhắm mắt thấy mùa hè” - bộ phim chữa lành hiếm có của điện ảnh Việt. (Ảnh: “Nhắm mắt thấy mùa hè”)

Phim chữa lành “phủ sóng”

Thời gian gần đây, “chữa lành” trở thành cụm từ được quan tâm và tìm kiếm nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là sau thời điểm dịch COVID-19 diễn ra. “Healing” hay “chữa lành” không còn đơn thuần là một thuật ngữ xa lạ mà đã trở thành một khái niệm toàn diện, thể hiện sự hàn gắn và phục hồi cho cả tâm hồn, cảm xúc và thể chất của con người.

Để chữa lành, có nhiều cách và nghệ thuật là một trong những phương thức chữa lành dành cho đại đa số. Người ta thường tìm về nghệ thuật khi tâm hồn bị tổn thương cần sự xoa dịu, vỗ về từ bên trong. Và phim ảnh cũng không nằm ngoài quy luật này. Đó là lý do vì sao xem phim và làm phim chữa lành đã và đang trở thành xu hướng.

Khác với những dòng phim thông thường chú trọng vào nội dung kịch tính, nhiều chi tiết khó đoán. Phim chữa lành thường là những phim mang nội dung nhẹ nhàng, không nhiều tình tiết cao trào, không drama, mà tập trung khai thác những nhân vật bình thường, yếu tố gần gũi, quen thuộc từ những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày. Đây chính là điểm khác biệt giúp dòng phim này được khán giả yêu thích và đón nhận bởi khán giả không phải đau não, căng mắt theo dõi mà có thể xem phim với tâm thế thư giãn, thoải mái hoàn toàn.

Mặc dù khái niệm chữa lành mới được biết đến nhiều trong 3 năm gần đây nhưng trên thực tế các bộ phim với nội dung tương tự đã xuất hiện từ rất lâu và được công chúng đón nhận. Thời điểm ấy dù chẳng được “điểm mặt gọi tên” là dòng phim chữa lành nhưng cứ khi nào khán giả muốn tìm đến phim để xoa dịu tâm hồn vẫn sẽ biết cần tìm phim gì, ở đâu.

Một trong những bộ phim điện ảnh chữa lành nổi tiếng có thể kể đến “Little forest”, phim được chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của tác giả Daisuke Igarashi. Tác phẩm của đạo diễn Junichi Mori chia thành 2 phần là Hạ - Thu (2014) và Đông - Xuân (2015). Xuyên suốt bộ phim là sự dẫn dắt của cô gái trẻ trở về quê nhà cùng hành trình đi tìm và thấu hiểu chính mình với công việc hàng ngày là làm nông nghiệp, trồng rau và nấu ăn các món theo mùa. Bộ phim không có cốt truyện rõ ràng, chỉ đơn giản như một cuốn nhật ký được viết tại chốn đồng quê yên ả vùng Đông Bắc nước Nhật.

Với những thước phim tuyệt đẹp về cảnh thiên nhiên tươi đẹp của 4 mùa trong năm, những món ăn đơn giản nhưng tinh tế đem theo cả một nền văn hoá của đất nước mặt trời mọc đã khiến người xem thổn thức và mãn nhãn. “Little forest là bộ phim yêu thích nhất của tôi. Nếu bạn đang mong chờ một bộ phim cao trào hay sôi động thì có lẽ bộ phim này không phải dành cho bạn, nhưng tôi tin là ai cũng sẽ có lúc muốn xem một cuốn phim mang âm hưởng nhẹ nhàng như vậy. Chắc chắn khi xem hết bộ phim bạn sẽ thấy một phần con người mình trong đó”, G.Linh (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cảm nghĩ về bộ phim.

Vào đầu năm nay, trong Lễ trao giải Quả Cầu Vàng, bộ phim “The fabelmans” của đạo diễn Steven Spielberg đã xuất sắc giành hai giải thưởng cho “Tác phẩm điện ảnh chính kịch xuất sắc nhất” và “Đạo diễn xuất sắc nhất”. Tác phẩm cũng nhận được tới bảy đề cử Oscar năm 2023. Bộ phim là cuốn hồi ký đong đầy cảm xúc về hành trình nuôi dưỡng đam mê điện ảnh của một trong những đạo diễn xuất chúng nhất mọi thời đại - Steven Spielberg.

Song song với chặng đường theo đuổi đam mê của nhân vật chính, phim còn mang đến những lát cắt ý nghĩa về tình cảm gia đình. Được đánh giá là sự đan xen giữa thực tế và tưởng tượng, của tình yêu và sự tha thứ, bộ phim đã mang đến thông điệp vô cùng ý nghĩa “Thước phim đẹp đẽ nhất chính là cuộc sống này”. Nhận được “cơn mưa” lời khen từ phía khán giả và những nhà phê bình nổi tiếng, “The fabelmans” là minh chứng rõ ràng cho thấy khi điện ảnh chính là phương thuốc chữa lành.

Nhiều tựa phim chữa lành nổi tiếng trên thế giới. (Ảnh: Chụp lại từ phim)

Nhiều tựa phim chữa lành nổi tiếng trên thế giới. (Ảnh: Chụp lại từ phim)

Ngoài 2 bộ phim kể trên, trong kho tàng điện ảnh thế giới còn rất nhiều cái tên thành công với hướng đi này. Trên thực tế, nhiều bộ phim nổi tiếng: Silver Linings Playbook (2012), Inside Out (2015), It’s A Wonderful Life (1946), 500 Days Of Summer (2009), As Good As It Gets (1997), hay mới nhất là Everything Everywhere All at Once bộ phim đại thắng với 7 giải Oscar… đều mang đến những nguồn năng lượng tích cực.

Điện ảnh Việt bắt nhịp chậm

Từ năm 2020, theo dòng chảy nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện các dự án điện ảnh về dòng phim chữa lành, với tần suất 2 - 3 phim/năm, khác biệt lớn so với những năm về trước. Thế nhưng, tại Việt Nam dòng phim chữa lành vẫn thiếu vắng ở điện ảnh Việt, nếu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một trong những lý do cốt lõi nhất được nhiều người trong giới nhận định là nhà sản xuất phim trong nước không mặn mà với những câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước, không nhiều kịch tính, cao trào.

Về mặt thị trường, các nhà làm phim vẫn muốn xây dựng những bộ phim có đề tài một là nhẹ nhàng, hài hước, đơn giản, dễ xem; hai là các bộ phim “xoắn não”, “trực quan sinh động”, có các yếu tố bất ngờ, kịch tính. Còn những bộ phim đi sâu vào vấn đề nội tâm để chia sẻ và chữa lành vẫn đang khiến các nhà làm phim phải “dè chừng”.

Để sản sinh ra được một bộ phim chữa lành thành công là điều không dễ, không chỉ cần một kịch bản hay, hấp dẫn mà diễn viên cũng cần phải “tròn vai”. Bởi phim ở đề tài này, khán giả cần tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc giữa mình với nhân vật, với câu chuyện được kể, từ đó mới tìm thấy được sự xoa dịu trong và sau khi xem phim. Nhìn chung phim đề tài chữa lành cần “ghi điểm” ở mọi mặt mới có thể chạm đến trái tim của công chúng.

Bên cạnh đó, sự quan tâm đến sức khoẻ tinh thần tại nước ta vẫn còn thiếu dẫn đến việc phim chữa lành chưa được đặt đúng vị trí. Từ khán giả, nhà đầu tư, nhà làm phim cho đến cả xã hội vẫn chưa thực sự coi trọng sức khoẻ tinh thần. Lý giải cho điều này, một phần là do văn hoá cộng đồng, một phần là vì sức khoẻ tinh thần vẫn còn là một lĩnh vực khá mới tại Việt Nam. Trong khi, rõ ràng sức khoẻ tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng, dù là bất cứ ai, bản thân mỗi người đều có những mất mát, buồn đau, tổn thương cần được vỗ về, an ủi mà phim ảnh có chức năng và khả năng để thực hiện điều đó.

Một trong những bộ phim chữa lành hiếm hoi của nền điện ảnh Việt có thể kể đến “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn 9x Cao Thuý Nhi. Ra mắt vào năm 2018, bộ phim gây ấn tượng với người xem ngay từ phút đầu với từng khung hình được trau chuốt kỹ lưỡng tại miền quê nước Nhật. Phim nói về hành trình của cô gái trẻ Nhật Hạ đến thị trấn Higashikawa, Hokkaido, Nhật Bản để tìm kiếm cha. Cùng với câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng, trong trẻo giữa cô gái Việt Nam và chàng trai Nhật Bản đã cho khán giả được chiêm ngưỡng một bộ phim đầy chất thơ nhưng cũng mang nhiều thông điệp thực tế từ cuộc sống.

Trên một hội nhóm nhận xét phim trên mạng xã hội Facebook, tài khoản N.T.T.Hoài đã chia sẻ: “Không như những bộ phim Việt với một kịch bản đao to búa lớn thường gặp. “Nhắm mắt thấy mùa hè” lựa chọn một lối đi riêng. Cả bộ phim là một câu chuyện nhẹ nhàng dung dị nhưng lại có khả năng xông thẳng vào trái tim ta rồi nằm lỳ ở đó không chịu rời đi. Xem xong phim tôi thực sự cảm thấy được chữa lành. Những giây phút cuối của bộ phim cũng là giây phút lòng tôi như vừa được gột rửa bởi một dòng nước mát. Cảm thấy thanh thản và yêu đời đến lạ lùng. Điều này thực sự hiếm hoi giữa một rừng kịch bản phim Việt hài nhảm, hài lố và phi logic đến nực cười gần đây mà tôi được xem”.

Có thể thấy, Việt Nam làm về phim chữa lành không hề tệ, thậm chí ở mảng phim truyền hình các bộ phim làm về đề tài này đang được công chúng vô cùng yêu thích và đón nhận. Phải chăng đã đến lúc các nhà sản xuất phim điện ảnh Việt cần mạo hiểm, tiên phong để đưa các tác phẩm mang tính chữa lành đến với khán giả. Từ đó còn góp phần làm giảm nhẹ những vấn đề xã hội liên quan đến sức khỏe tâm thần vẫn đang hiện diện trong đời sống.