Trải nghiệm “2 vai” nhà nước - doanh nghiệp
Chị Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV di chuyển như con thoi. Khi thì có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long điều phối diễn đàn khởi nghiệp; Xong lại đến từng “địa chỉ đỏ” của kinh tế xanh để cổ vũ những “tân binh” xác định “xanh từ khi khởi nghiệp”… Rồi những ngày tập trung huấn luyện các doanh nghiệp điển hình về thực hành ESG; Những chuyến thị sát để xây dựng “tệp” doanh nghiệp tiên phong ở các lĩnh vực…
Ngoài ra, chị Thủy còn tham gia tổ chức hàng loạt các diễn đàn kinh tế, từ các diễn đàn cho từng ngành lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch… đến các diễn đàn đối thoại công - tư cấp cao, quy tụ những doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam;
Rồi những cuộc giao ban doanh nghiệp (DN) hàng quý, những báo cáo về tình hình DN mà chị Thủy cùng các cộng sự khảo sát, xây dựng định kỳ, để từ đó, Ban IV phản ánh và tham mưu với lãnh đạo Chính phủ, góp phần tạo ra những quyết sách thực tiễn, giúp DN có niềm tin vượt qua từng giai đoạn khó khăn của hành trình xây dựng nền kinh tế Việt Nam…
Tất cả đều được chị Thủy và các cộng sự trong Văn phòng Ban IV thực hiện cần mẫn và nhiệt huyết trong nhiều năm qua, được cộng đồng DN đánh giá rất cao. Và Văn phòng Ban IV dưới sự dẫn dắt của “trưởng thôn, trưởng bản” Phạm Thị Ngọc Thủy đã trở thành địa chỉ tin cậy, là nơi mà cộng đồng DN tư nhân Việt Nam đặt niềm tin mỗi khi gặp phải một vướng mắc nào đó…
|
Gọi chị Thủy là “trưởng thôn, trưởng bản” bởi chị vốn là một sinh viên của Học viện Hành chính quốc gia, theo học chuyên ngành Hành chính công. Chị kể, thời điểm còn đang đi học, chưa thể hình dung được “rồi mình sẽ làm gì”, bạn bè, người thân trêu trọc thì Thủy đùa “sau này ra làm trưởng thôn, trưởng bản”. Ý nghĩ mình sẽ gắn bó với một vai trò gì đó trong hệ thống cơ quan nhà nước luôn ở trong đầu Thủy thời bấy giờ. Và quả thật, 10 năm đầu sau khi ra trường, Thủy đã làm việc và phát triển bản thân ở một số cơ quan nhà nước, luôn được ghi nhận là cán bộ trẻ có năng lực, được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo từ khá sớm.
Nhưng dường như không gian trong môi trường nhà nước ấy chưa đủ để Phạm Thị Ngọc Thủy thỏa chí. Bởi Thủy mong muốn “chạm tới” và giải được nhiều bài toán có tính thực tiễn nhiều hơn. Thế là Thủy quyết định xin nghỉ làm nhà nước và chuyển sang công việc điều hành DN.
“Đây là một khoảng thời gian rất giá trị bởi tôi có thể đi sâu vào thực tiễn của DN. Trước đó có rất nhiều chuyện chỉ nhìn được từ góc độ chính sách nhưng khi sang DN rồi thì tôi bất ngờ mất một khoảng thời gian. Ban đầu hơi bị “sốc văn hóa” bởi nhận ra tư duy hai bên công - tư có nhiều điểm rất khác nhau, đặc biệt, tư duy của DN luôn gắn chặt với giá trị lợi ích thiết thực về nguồn lực, lợi nhuận và có cơ chế điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo được mục tiêu cuối cùng chứ không bị lệ thuộc vào những quy trình cứng” - chị Thủy kể.
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tư nhân
Gắn bó với môi trường DN được hơn 1 năm thì chị Thủy muốn có sự thay đổi bởi cô luôn nhớ rõ “tâm huyết của mình vẫn là bài toán cộng đồng”. Do đó, khi các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá “tiếng nói của DN tư nhân trong nước còn thiếu và yếu trong các hoạt động đối thoại chính sách”, đã mời chị cùng đội ngũ chuyên gia xây dựng một mô hình, là Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam. Sau nhiều tháng suy nghĩ, chị Thủy đã nhận lời tham gia hoạt động điều phối này.
“Nhưng quả thật cũng mất đến nửa năm, khi vừa làm một số việc cụ thể thì tôi vẫn cứ trăn trở rốt cuộc là mô hình này là để giải bài toán gì” - chị Thủy kể lại. Và sau đó là những ngày Thủy tự mình mày mò nghiên cứu, rồi gặp gỡ các chuyên gia, đại diện DN xem là nhu cầu thực tiễn của họ là gì, đâu là những khoảng trống, những dư địa để có thể dùng một mô hình được gọi là diễn đàn để tạo ra lời giải đó.
Rồi dần dần cũng bắt đầu kiến tạo ra được mô hình Diễn đàn Kinh tế tư nhân, tập trung mục tiêu thúc đẩy đối thoại chính sách công - tư trong nước, với sự ủng hộ của Chính phủ, sự vào cuộc nhiệt tình của DN, và sự cộng hợp tiếng nói của các bên khác nhau.
|
Chị Ngọc Thủy (bìa trái) tham gia điều phối nhiều diễn đàn |
Đến năm 2017, khi Thủ tướng đối thoại với 1.000 DN tư nhân, một trong những nội dung kiến nghị là “đề xuất Thủ tướng cho phép hình thành một mô hình để tiếng nói của DN tư nhân trong nước được chụm lại”. Sau diễn đàn, Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thời điểm đó cùng với một số đại diện uy tín của khu vực tư nhân Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình là đầu mối) suy nghĩ về việc hình thành một mô hình để “cộng hợp tiếng nói và nguồn lực của DN tư nhân trong nước hiệu quả hơn cho những bài toán của kinh tế quốc gia”.
Và sau nhiều cân nhắc thì mô hình Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) ra đời với mục tiêu tiếp nối dòng chảy trong việc thúc đẩy tiếng nói của DN tư nhân trong nước hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Đồng thời Ban IV phải nhận thêm một nhiệm vụ mới là “tìm cách cộng hợp nguồn lực của các DN tư nhân với những bài toán của kinh tế quốc gia”.
Do đã có kinh nghiệm từ Diễn đàn Kinh tế tư nhân, chị Thủy cùng các đại diện DN (được Thủ tướng lựa chọn) đã xây dựng mô hình Ban IV trở thành một “cầu nối công tư” có tính chất thường xuyên, liên tục, phản ánh khách quan, hiệu quả, kịp thời tiếng nói khu vực tư với khu vực công.
|
Chị Phạm Thị Ngọc Thủy cùng một số thành viên nòng cốt của Ban IV |
Ngoài ra, Ban IV cũng đã nhận sứ mệnh “mở rộng cuộc chơi để thu hút tiếng nói, nguồn lực của nhiều hiệp hội hơn, nhiều lĩnh vực hơn”. Cùng với đó, Ban IV sẽ có văn phòng chuyên trách để đảm bảo tổ chức công việc chuyên nghiệp, tập trung. Lãnh nhiệm vụ điều phối hoạt động Văn phòng Ban IV chính là Phạm Thị Ngọc Thủy.
Ngay từ ban đầu, chị Thủy đã tâm niệm, các hoạt động phải hướng đến hiệu quả thực sự và có sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, không phải khi cần mới vời DN đến, do đó Ban IV lựa chọn cách xây dựng và duy trì liên tục các hoạt động cầu nối công - tư, thông qua các Diễn đàn lớn, các cuộc giao ban tháng/quý với các hiệp hội, DN, những vấn đề kinh tế vĩ mô, những bài toán nóng, điểm nhấn của kinh tế và doanh nghiệp luôn được trao đổi thẳng thắn, đa chiều và đúc kết qua các báo cáo của Ban IV hoặc các hiệp hội với tinh thần trung thực, xây dựng, trách nhiệm.
Hành trình dài chinh phục niềm tin của doanh nghiệp, hiệp hội
Nhưng có lẽ chị Thủy và các cộng sự ở Văn phòng Ban IV không lường trước được khi đi vào hoạt động, Văn phòng Ban IV lại gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn bởi tìm kiếm, xây dựng mô hình để hoạt động hiệu quả đã giải quyết xong nhưng việc thuyết phục và tạo được niềm tin từ phía các DN, hiệp hội lại là một chặng đường dài, không đơn giản. Chị Thủy chia sẻ, có những hiệp hội phải mất 4 năm trời để chinh phục, để lấy được niềm tin của họ dù rõ ràng họ cũng cần mô hình của Ban IV và họ cũng đã đến ngay từ ban đầu nhưng với tâm thế “chưa vội đặt niềm tin”.
Trong hành trình chinh phục niềm tin của những hiệp hội này, cũng có lúc, có những người đồng đội của chị Thủy không đủ sự kiên nhẫn để theo đuổi bởi suy nghĩ “tại sao phải mất quá nhiều thời gian để nhẫn nại với những người đang không đặt niềm tin vào mình”.
Trước những băn khoăn này, chị Thủy giải thích, đó là những DN chưa quen với những câu chuyện đối thoại chính sách nên việc họ thiếu niềm tin là chuyện bình thường. Nếu vì khó khăn đó mà Văn phòng Ban IV dừng lại thì không có cách nào để kết nối được với những DN, nhân vật điển hình.
|
Cuộc giao ban liên đoàn doanh nghiệp quý IV/2024 |
“Chúng tôi đã phải rất cố gắng vượt qua và chứng minh cho họ thấy sự trong sáng của những mục tiêu, mục đích mình đặt ra, tâm huyết của những thành viên trong Ban IV và Văn phòng Ban trong quá trình bắc những chiếc cầu nối, rồi kể cả năng lực trong việc theo đuổi những dòng kiến nghị để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho DN” - chị Thủy chia sẻ. Và, chị Thủy cũng không ngần ngại chia sẻ sự “hai vai” của mình khi cũng đồng thời phải đóng một vai trò nhất định trong chuyện chung tay thúc đẩy những mục tiêu phát triển của đất nước, chứ không phải chỉ thuần túy đứng ở khía cạnh phản ánh những nhức nhối của DN.
Tức là Ban IV phải cân bằng những bài toán của “cả công cả tư”. Và để giải quyết thì không có cách nào thuyết phục các bên tốt hơn là dùng thời gian và chất lượng công việc để chứng minh, thay vì chỉ dừng ở lời nói, vì các DN hay các bên liên quan đều là những người hiểu biết, thực tiễn. Do đó, nữ Giám đốc của Văn phòng Ban IV rất nhẫn nại trong những khoảng thời gian chinh phục các DN, hiệp hội. Qua một hành trình bền bỉ, tâm huyết, Thủy và đồng nghiệp đã chiếm được niềm tin của nhiều tầng lớp DN và hiệp hội. Để rồi, từ việc chỉ có 10-20 DN, hiệp hội trong những cuộc giao ban thời kỳ đầu thì nay đã có đến cả trăm hiệp hội cùng tham gia các cuộc giao ban của Ban IV mỗi quý.
Một “bí quyết” mà chị Thủy không ngần ngại “bật mí” với PLVN khi vận hành mạng lưới này, được xây dựng ngay từ đầu và đến giờ vẫn tuân thủ rất chặt chẽ. Đó là “không ai là ngôi sao”. Tất cả mọi người đều có vai trò và tất cả cùng nỗ lực từ vai trò của mình và hướng đến một kết quả, một hiệu quả chung là xây dựng cộng đồng kinh tế tư nhân ngày một lớn mạnh, vững chắc, đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chị Thủy vui mừng khi thấy Ban IV và Văn phòng Ban đã thực sự trở thành cầu nối để cộng đồng DN có thể có những buổi đối thoại thực sự với các cơ quan nhà nước, với Chính phủ và DN tự tin hơn, cất lên những tiếng nói chất lượng hơn, chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, hướng đích cho những cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn. Bởi Thủy luôn tâm niệm “suy cho cùng, trong cuộc đối thoại, ngoài chuyện đối thoại và chất vấn thì phải đi được đến những giải pháp để hai bên phải cùng chung sức đồng lòng chứ không phải là trách nhiệm của riêng bên nào”…