Vụ tai nạn giao thông tưởng như đơn giản nhưng đã trải qua nhiều lần trả hồ sơ điều tra lại, 4 phiên tòa vẫn chưa thể tuyên án.
Lỗi của tài xế ô tô hay xe máy?
Theo cáo trạng của VKSND huyện Bình Chánh (TP.HCM), tối 22/10/2013, Nguyễn Thành Dư (SN 1981, HKTT phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) chở bạn là Nguyễn Thanh Tùng (SN 1985) lưu thông trên đường liên ấp đoạn thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Trong khi di chuyển vượt trái một xe máy khác, anh Dư đã không đảm bảo khoảng cách an toàn làm cả mình và bạn ngã xuống đường. Cùng lúc này, một chiếc xe ô tô lưu thông ngược chiều chạy tới cán qua người anh Tùng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Tại cơ quan điều tra công an huyện Bình Chánh, anh Dư khai nhận như nội dung trên, đồng thời xuất trình giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Thành Dư.
Tuy nhiên qua xác minh tại Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho thấy cơ quan này không cấp giấy phép lái xe cho Nguyễn Thành Dư.
Công tác khám nghiệm hiện trường, biên bản khám xe và các tài liệu thu thập được, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn nêu trên là do Nguyễn Thành Dư điều khiển xe máy lưu thông vượt không đảm bảo khoảng cách an toàn, đã vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ngày 16/4/2014, TAND huyện Bình Chánh đã ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thành Dư về ba nội dung có ý nghĩa then chốt trong vụ án:
Thứ nhất, hậu quả của hành vi của bị cáo: Theo TAND huyện Bình Chánh thì bị cáo điều khiển xe gắn máy vượt không đảm bảo an toàn nên đã va chạm với một xe gắn máy khác đang lưu thông cùng, chiều khiến bị cáo và nạn nhân bị ngã xuống đường. Từ đó có cơ sở để xác định bị cáo đã có hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vượt không đảm bảo an toàn, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, cũng theo HĐXX, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, bản ảnh khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường và lời khai của những người làm chứng, có cơ sở để xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm anh Nguyễn Thanh Tùng chết là do bánh xe sau bên trái của ô tô cán qua vùng đầu, cổ, ngực của anh Tùng ở tư thế nạn nhân đang nằm trên phần đường lưu thông của xe máy.
Mặt khác, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không thể xác định hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của bị cáo đã gây ra thương tích thế nào đối với nạn nhân Tùng?
Thứ hai, xác định có lỗi của người lái xe ô tô hay không: Mặc dù đường lưu thông ngay vị trí xảy ra tai nạn không có kẻ vạch phân làn đường, nhưng có sơ sở để xác định xe ô tô đã lưu thông lấn sang phần đường của hướng lưu thông ngược chiều, vi phạm quy tắc giao thông đường bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả làm chết anh Tùng. Do đó hành vi của người lái xe ô tô cũng có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.
Thứ ba, có sự va chạm giữa xe gắn máy do bị cáo điều khiển và một xe gắn máy khác (không xác định): Tại phiên tòa, bị cáo Dư khai không nhớ khi va chạm với xe gắn máy khác, xe bị cáo đang điều khiển té ngã vào bên hông xe tải đang lưu thông ngược chiều; hay sau khi xe bị cáo ngã thì xe tải mới đến.
Trong quá trình điều tra, người lái xe ô tô khai, nhìn thấy xe gắn máy do bị cáo điều khiển va chạm với một xe gắn máy khác khi đang lưu thông giữa thân xe tải do ông đang điều khiển.
Song người làm chứng lại khai sau khi xe máy do bị cáo điều khiển ngã xuống đường thì xe ô tô mới lưu thông đến và cán vào người nạn nhân. Như vậy, lời khai của nhân chứng và người lái xe ô tô là mâu thuẫn với nhau về vị trí, thời điểm; nên cần điều tra bổ sung làm rõ.
1 hay 2 tội?
Dù TAND đưa ra các “đề bài” như trên, ngày 17/7/2014, khi TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố trước đó. HĐXX sau đó đã tuyên phạt bị cáo 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Đối với người điều khiển xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng quy định, tòa cho rằng việc xe ô tô cán quan người nạn nhân là sự kiện bất ngờ, không phải là nguyên nhân chính gây ra tai nạn, có lỗi phụ.
Nguyễn Thành Dư kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 21/11/2014, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại với nhận định hoàn toàn mới so với cấp sơ thẩm: Ngoài hành vi phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, bị cáo Dư bị cho là còn có hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả nhằm lừa dối cơ quan chức năng. Hành vi như vậy là có dấu hiệu phạm một tội khác (cụ thể là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức -PV), nhưng chưa được điều tra làm rõ.
|
Bị cáo Dư cha đã chết, mẹ đã già, nên ngồi một mình trong phiên tòa lần thứ 4. |
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan điều tra công an huyện Bình Chánh đã tiến hành giám định giấy phép lái xe nêu trên. Tại bản kết luận giám định xác định: Giấy phép lái xe đứng tên Nguyễn Thành Dư là giấy phép lái xe giả. Tại cơ quan điều tra, anh Dư khai vào đầu năm 2012, đã nhờ một người không rõ lai lịch làm giấy phép lái xe với giá 1 triệu đồng. Anh Dư hoàn toàn không biết giấy phép này là giấy phép lái xe giả.
Ngày 18/3/2016, TAND huyện Bình Chánh đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 2.
Trong phiên tòa này, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng làm anh Nguyễn Thanh Tùng tử vong. Với tình tiết được chứng minh trên, HĐXX có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Nguyễn Thành Dư đã phạm tội: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Đối với hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả của bị cáo: TAND huyện Bình Chánh đã ra quyết định trả điều tra bổ sung hai lần. Tuy nhiên, VKSND huyện Bình Chánh cho rằng bị cáo sử dụng giấy phép lái xe giả là do bị cáo không biết và không tham gia làm bằng giả, nên nên vẫn giữ nguyên quan điểm không truy tố bị cáo về hành vi này.
Từ đó những căn cứ trên, TAND huyện Bình Chánh đã tuyên phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Trong phiên phúc thẩm mới đây vào ngày 1/6/2016, sau nhiều giờ xét xử, HĐXX TAND TP.HCM cho rằng bị cáo biết rõ giấy phép lái xe là giả nên có dấu hiệu phạm tội khác. Từ đó tòa phúc thẩm tiếp tục tuyên hủy án vụ án để điều tra xét xử lại.
PL&TĐ sẽ tiếp tục thông tin về kỳ án này khi có những diễn biến mới.