Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, liên quan tới việc Bộ Giao thông vận tải mới đây đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Luật Hàng không (HK) dân dụng Việt Nam quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về HK dân dụng. Đây là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến an toàn con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh.
Việc xem xét, quyết định cấp Giấy phép kinh doanh (GPKD) vận chuyển HK cần được kiểm soát chặt chẽ và phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08/04/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển HK và hoạt động HK chung, bảo đảm an ninh, an toàn, tránh nhượng quyền vận chuyển HK nội địa và tạo môi trường bình đẳng, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Tháng 9/2015, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines. Do chưa đáp ứng quy định về vốn góp và xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính, hướng dẫn Vietstar Airlines hoàn thiện Hồ sơ theo đúng quy định; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Mới đây, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng về việc này; VPCP đang lấy ý kiến cơ quan liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Trước đó, như PLVN đã thông tin, Bộ Tài chính ngày 28/4/2016 cũng có văn bản tái khẳng định: chưa đủ cơ sở để khẳng định Vietstar Airlines đã đáp ứng đủ điều kiện về vốn theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.
Như vậy, việc xác nhận vốn của Vietstar Airlines theo báo cáo của Bộ GTVT đã được Sở Kế hoạch & đầu tư TP Hồ Chí Minh thực hiện cũng như đề xuất của Bộ GTVT "xin" sử dụng Báo cáo tài chính đã được kiểm toán để thay thế văn bản xác nhận vốn theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP đều không hợp lệ và đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 30/2013. Bộ này cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế, “lịch sử” cấp phép kinh doanh cho các hãng hàng không ở Việt Nam cho thấy các hãng đều phải đảm bảo có đủ vốn pháp định bằng tiền mặt hoặc nếu đóng bằng tài sản thì phải được định giá và xác nhận đây là tài sản phục vụ cho hoạt động kinh doanh hàng không, văn bản xác nhận vốn phải tuân thủ quy định của pháp luật, không có ngoại lệ.
Việc Bộ GTVT đề xuất cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines với “ngoại lệ” văn bản xác nhận vốn không đúng quy định của pháp luật bị đặt nghi vấn có dấu hiệu “tranh thủ” chạy nước rút để ồ ạt cấp phép kinh doanh hàng không cho cả các đơn vị không đủ năng lực. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho thấy sau 5 năm hoạt động, Vietstar Airlines lỗ gần 50 tỷ đồng, nợ ngân hàng gần 300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện tối thiểu thành lập hãng hàng không.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng "lộ tham vọng" "thâu tóm" vốn tại Vietstar Airlines nhằm: "là cơ sở để hoạch định sản xuất kinh doanh dịch vụ trên không cũng như mặt đất, tăng nguồn thu, lợi thế cạnh tranh” (báo cáo số 411 ngày 9/3/2016).
Trong một diễn biến khác, tại phiên họp thường kỳ đầu tiên diễn ra từ ngày 4 -5/5, Thủ tướng đã yêu cầu Chính phủ phải làm gương trong xã hội về liêm chính, trong đó Thủ tướng và các Phó Thủ tướng không thể ký những văn bản bị chi phối bởi lợi ích nhóm, được đặt trước.