Người khai sinh ra thương hiệu Nam Ngư
Bất ngờ hơn, người sáng lập ra thương hiệu nước mắm trứ danh Chin-su, Nam Ngư là người phụ nữ Hà Thành. Đó là bà Nguyễn Hoàng Yến, Phó Tổng giám đốc Cty CP Hàng tiêu dùng Masan, Chủ tịch HĐTV CTCP Masan PQ. Bà là vợ ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập Đoàn Masan.
Bà Nguyễn Hoàng Yến hiện nắm giữ hơn 1.877 tỷ đồng (21.779.459 cổ phiếu MSN; 129.904 cổ phiếu MSF), giữ nhiều vị trí chủ chốt tại Tập đoàn Masan. Thế nhưng ngoài công việc, nữ doanh nhân này sống đúng chất một “nữ công gia chánh”. Một người bạn của bà chia sẻ, trong những bữa liên hoan, bà ít khi ngồi ăn một chỗ, lúc ghé bàn này, khi ghé bàn nọ, đon đả hướng dẫn, mời mọc mọi người ăn cái này, uống thứ kia. Bà cũng tự nhận mình là người “có tâm hồn ẩm thực”, biết thưởng thức các món ăn và muốn người khác cũng được thưởng thức giống mình.
Có lẽ xuất phát từ một người sành ẩm thực và muốn điều ấy lan tỏa mà bà đã cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt phục vụ cho các bữa ăn? Những sản phẩm như nước mắm Chin-su, Nam Ngư; nước tương Chin-su; tương ớt Chin-su… đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mỗi người Việt Nam. Theo khảo sát, trong một năm, có đến 98% các gia đình Việt Nam từng dùng một sản phẩm của Masan. Đó là thành công của bà Yến cũng như các cộng sự của bà ở Masan.
Thế nhưng ít ai biết rằng, để có những con số ấn tượng như hôm nay, những người làm ra nước mắm Nam Ngư, Chin-su đã phải trải qua những năm tháng gian nan; không chỉ có những giọt mồ hôi mà còn là nước mắt của thất bại.
Bà Yến tâm sự, ước muốn tạo ra một loại nước mắm thơm ngon phục vụ các bữa ăn được bà ấp ủ từ lâu. Sau khi tìm hiểu, biết được đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi lý tưởng nhất Việt Nam để sản xuất nước mắm. Biển Phú Quốc là một trong bốn ngư trường lớn ở Việt Nam, với 5 điểm đánh bắt cá chính, rộng trên 63.000 km2. Trữ lượng cá cơm ở đây dồi dào, khoảng 120.000 tấn, phục vụ tốt cho nguyên liệu làm nước mắm. Thời tiết nơi đây quanh năm nóng ẩm, thích hợp cho việc ủ chượp muối cá. Ngoài ra nguồn nước ngầm Phú Quốc tươi mát cũng là một thuận lợi, vì nước ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước mắm.
Ngày 14/7/2007, bà Yến khăn gói xuống đảo Phú Quốc, tổ chức lễ động thổ Nhà máy Sản xuất Nước mắm Masan Phú Quốc. Điều đặc biệt, những người gây dựng thương hiệu nước mắm Masan chủ yếu là nữ giới. Ngoài bà Yến, còn có bà Lê Thị Nga, cũng là một người con gốc Hà Nội. Hiện bà Nga là Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cấp cao của Masan.
Từng học ở nước Nga chuyên ngành Hóa thực phẩm, tuy nhiên bà Nga thừa nhận, nếu không trải qua thực tế cùng những vấp ngã, thì chỉ lý thuyết suông thôi sẽ khó đạt được thành công. Nhớ lại những ngày đầu gây dựng nước mắm Masan, bà cho rằng đã “đốt” hàng chục tỷ đồng bởi thất bại và vấp ngã.
Nước mắm thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn ở Việt Nam |
“Thất bại là mẹ của thành công”
Vào những năm 2003-2004, khi các thương hiệu nước mắm trên thị trường Việt Nam không phải ít, muốn cạnh tranh được thì cần tạo ra một sản phẩm khác biệt hơn so với những loại đã có. Nước mắm ở Phú Quốc có mùi vị đặc trưng khác với nước mắm ở Nha Trang. Với suy nghĩ đơn giản, khi pha nước mắm Phú Quốc với nước mắm Nha Trang sẽ tạo ra sản phẩm có mùi vị khác biệt, biết đâu thị trường lại ưa thích? Nghĩ là làm, bà Nga liền cho hai loại nước mắm này hòa với nhau để tạo ra thương hiệu nước mắm mới. Thế nhưng khi đóng chai, bán ra thị trường thì không được nhiều người ưa chuộng.
Sau lần thất bại đầu tiên này, những người làm nước mắm Masan tiếp tục tìm hiểu kỹ về khẩu vị người tiêu dùng và nhận ra các loại nước mắm trên thị trường đang có độ mặn rất cao. Đây có thể là một trong những lý do khiến người tiêu dùng chưa thật mặn mà với sản phẩm. Sau khi nghiên cứu, bà Nga quyết định cho giảm độ mặn nước mắm cho phù hợp. Tháng 7/2004, sản phẩm mới được ra đời, có độ mặn thấp hơn trước, được phân phối ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Khoảng hơn tuần sau khi tung loại nước mắm này ra thị trường, bà nghe phản ánh có chai nước mắm bị chuyển màu đục, không còn trong như ban đầu. Nghĩ rằng chỉ lỗi ở một vài sản phẩm nên khi nghe thông tin này bà Nga “bình chân như vại”. Nhưng khi bà trực tiếp đi khảo sát mới “tá hỏa” hàng loạt chai nước mắm trên thị trường cũng bị chuyển màu đục. “Khi ấy tôi thật sự choáng váng và lo lắng. Hàng chục tỷ đồng đã “đội nón ra đi””, bà Nga nhớ lại.
Thế nhưng sau thất bại này, bà nhận ra rằng phải áp dụng khoa học kỹ thuật mới giải quyết được các vấn đề hiện hữu, tồn đọng của ngành hàng này. Nước mắm muốn có độ mặn thích hợp cần được thanh trùng để diệt vi khuẩn gây hại và giữ ổn định chất lượng trên thị trường.
Dù thất bại “nặng nề” nhưng khi ấy bà Nga luôn được lãnh đạo Masan động viên, đặc biệt luôn được Giám đốc Nguyễn Hoàng Yến sát cánh đồng hành và tạo mọi điều kiện. Sau hai thất bại trên, những người phụ nữ làm nước mắm Masan không hề nản chí. Họ đã khăn gói sang Thái Lan, đất nước có thói quen dùng nước mắm như người Việt Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau hàng tháng trời bôn ba xứ người, những người làm nước mắm Masan vỡ vạc ra nhiều điều...
Sau quá trình học hỏi kinh nghiệm ở Thái Lan cùng hai bài học thất bại, bà Nga nhận ra ba sự thật để có nước mắm ngon và an toàn. Ba sự thật này được ví như ba “bảo bối”, là nền tảng khoa học, công nghệ để Masan thiết kế, xây dựng và kiểm soát sản phẩm nước mắm. Ba sự thật này là: “Không phải cứ nước mắm có đạm cao mới ngon; không phải cứ đạm cao là tốt và không phải nước mắm cứ muối mặn là sạch”.
Trải qua kinh nghiệm và các bài học, cùng hỗ trợ của khoa học kỹ thuật hiện đại, những người làm nước mắm Chin-su, Nam Ngư đã tạo ra được loại nước mắm thơm ngon và an toàn từ 10 năm nay. Theo một khảo sát mới được công bố, ở Việt Nam, trung bình mỗi người sử dụng khoảng 4 lít nước mắm/năm. Như vậy, với trên 90 triệu dân, Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 360 triệu lít nước mắm.
Ngoài ra, hiện nay nước mắm Chin-su và Nam Ngư còn được xuất khẩu sang các nước như Úc, Đức, Ba Lan và Hungary... “Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng bằng cả tình yêu và trái tim của mình”, nữ Tổng Giám đốc Nước mắm Masan PQ chia sẻ.