Người sáng tác những bản tình ca Đà Nẵng

(PLVN) - “Nhớ chi mà cháy gan cháy lòng, ước chi cho tôi được vẫy vùng trong dòng sông Nhật Lệ, cho tôi về với đất mẹ quê hương, cho tôi về với Đồng Hới yêu thương...”,  người ngân những 'tiếng lòng' thành nhạc điệu ấy là nhạc sĩ Đinh Gia Hòa (Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam).           
Nhạc sỹ Đinh Gia Hòa 

Từ một tình yêu bao la, rộng lớn

Có thể gọi NS Đinh Gia Hòa là nhạc sĩ của tình yêu thương bao la. Mỗi con đường, góc phố, cây cầu, bến nước đều có thể truyền cảm hứng cho anh. Như một lần dạo qua cầu sông Hàn để ngắm đôi bờ thành phố thân yêu: ”Chiều nay anh đưa em đi qua cầu Sông Hàn lộng gió/ Ngắm đôi bờ thành phố thân yêu/Có phải chốn xưa hay xứ sở nào đây/Thực hay mơ ôi đẹp quá mảnh đất này”

Giai điệu thiết tha tình cảm của ca khúc “Đà Nẵng đẹp như mơ” như chính hơi thở nồng nàn của nhịp sống người Đà Nẵng cũng ra đời một cách ngẫu hứng vào ba mươi tháng tư năm ấy, khi vũ đoàn Grammy hát múa mở đầu cho phần thi và trình diễn của đội pháo hoa Việt Nam tại lễ hội Pháo hoa Quốc tế diễn ra ở Sông Hàn đêm 29/4 năm 2012.

Với nội dung bài hát NS Đinh Gia Hòa lại tái hiện vẻ đẹp toàn cảnh của một Đà Nẵng tươi đẹp, đổi mới và phát triển.

Khán thính giả yêu âm nhạc Đà Nẵng dường như đã quá quen với gương mặt NS Đinh Gia Hòa qua chương trình “Câu chuyện âm nhạc” của Đài truyền hình Đà Nẵng mỗi tháng một kỳ.

Năm chào đón sự kiện APEC Việt Nam 2017, UBND TP Đà Nẵng và Sở VH-TT-DL phát động chương trình Nụ cười Đà Nẵng để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đem đến ấn tượng tốt đẹp về một Đà Nẵng thân thiện, hiếu khách cho quan khách trong nước và quốc tế đến tham gia tuần lễ APEC VN tại Đà Nẵng. Sự kiện khơi mạch nguồn cảm hứng đã ấp ủ sẵn trong trái tim người nhạc sỹ. “Nụ cười Đà Nẵng” của NS Đinh Gia Hòa được sáng tác ngay sau khi khởi quay chương trình văn nghệ của ĐRT đã chiếm cảm tình của đông đảo người Đà Nẵng.

Lời ca và nốt nhạc của ca khúc tái hiện con người của vùng đất “tình sâu, nghĩa nặng” thật cởi mở, thân thiện và hiếu khách: “Xin mời bạn đến quê tôi. Mỗi phút giây xin nở nụ cười. Mỗi con đường một lời chào thân ái. Mỗi ánh đèn một ánh mắt lung linh”… Qua tác phẩm, một lần nữa, Đà Nẵng được đặc tả như một bức tranh tươi đẹp, đổi mới.

Tình yêu quê hương, đất nước trong những sáng tác của NS Đinh Gia Hòa có sự khác biệt ở những nhiều nhạc sĩ khác ở chỗ không mang tính ước lệ. Có khi chỉ là một lần ngang qua cổng ngôi trường nọ, thấy một sân trường có khung cảnh tươi đẹp những vòm hoa Anh Đào của Nhật Bản, biểu tượng cho sức sống của ngôi trường mà anh được nghe nhiều người nhắc đến; thế là xuất hiện ca từ "Đại học Đông Á-Ngôi trường tôi yêu”. Xuyên suốt bài ca là một tình yêu, một niềm tự hào về ngôi trường đổi mới diệu kỳ trên thành phố quê hương năng động đi lên với tốc độ phi mã. “Có một ngôi trường tôi yêu, tôi yêu/ Đẹp như loài hoa xứ sở mặt trời/Qua bao thăng trầm gió mưa bão táp/Vẫn vững vàng một tư thế vươn xa”.

Đến những tiếng lòng riêng

Nhắc đến Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa không thể không nói đến ca khúc viết về người mẹ.  “Con gọi mẹ”, tựa đề bài hát chỉ có 3 tiếng giản dị vậy mà cả ca từ lẫn giai điệu đều tạo ra nét khác biệt. Lời bản nhạc như tiếng lòng thành kính yêu thương, sự ngưỡng vọng Mẹ của người con hiếu thảo. So sánh người mẹ dịu dàng như ánh trăng khuya là quá đẹp... Có câu vô cùng hàm súc: ”Có những lúc bão dông đời đen bạc/Chỉ mẹ thôi như tia nắng rạng ngời”...

Bài hát này nhạc sỹ Đinh Gia Hòa sáng tác trong giai đoạn cả nước thực hiện lệnh cách ly xã hội để chống dịch Covid-19.

Bài hát đúc kết một chân lý về tình mẹ: "Ai cho con chút gì con phải trả; Chỉ mẹ thôi cho con suốt ngàn đời".

Là nhân chứng trọn vẹn cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc; Nhạc sỹ Đinh Gia Hòa thường hoài niệm về con người trong chiến tranh. Ca khúc “Bạn tôi” là chuyện kể về một người bạn chí thân, chí cốt của anh, một công dân mẫu mực đã từ bỏ giảng đường, xếp bút nghiên để ra trận: “Bạn tôi một người lính trận/Bạn tôi một dòng máu nóng/Tuổi xuân phơi phới ra đi/Chiến trường đạn bom sá gì/ Bạn tôi về trong chiến thắng/ Bạn tôi tiếp bước bút nghiên/Giảng đường thênh thang lộng gió/Tâm hồn dào dạt vần thơ”.

Thành công của bài hát này là sự kết hợp giữa giai điệu mềm mại, uyển chuyển của nhạc trữ tình truyền thống, với âm hưởng lạc quan, phới phới như những bản hùng ca của cách mạng. Vì thế, hình tượng người lính trận thật đẹp, đại diện cho lớp thanh niên thời đại “xẻ dọc trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).

NS Đinh Gia Hòa còn phổ nhạc rất thành công bài thơ “Cánh tay thầy giáo” của nhà giáo Trần Khởi ở Quảng Bình. Tác giả thơ vốn là người lính từ chiến trường trở về giảng đường, chỉ còn một tay để viết bảng:” Một cánh tay thầy để lại chiến trường/Là cánh tay đã làm nên bão lửa/Là cánh tay làm quân thù khiếp sợ/Đã viết lên bao trang sử vẻ vang”. Ca từ này đến với nhạc sĩ vốn sẵn trong tim dòng nhiệt huyết rân trọng lý tưởng sống cao đẹp của tuổi mình, để rồi những nốt nhạc trầm, bổng xao xuyến và tự hào vang lên.

Sẽ là thiếu sót nếu như không nói đến tình yêu lứa đôi trong ca khúc của nhạc sỹ Đinh Gia Hòa. Tình yêu ấy không đứng riêng ở từng bản nhạc; mà thường đan xen trong hầu hết các tác phẩm trữ tình có chủ thể Anh-Em, gắn với tình yêu đời, yêu phong cảnh quê hương. Người nghe những âm hưởng trong trẻo “Có một tình yêu” của anh không khỏi bất ngờ nếu biết tác giả ở tuổi 75.

Có một tình yêu không nói lên lời/Có một tình yêu không nói trên đôi môi/ Có một tình yêu không nói bằng ánh mắt/Có một tình yêu để khắc trong tim thôi”. Bài hát này được viết trong giai đoạn cả nước thực hiện cách ly xã hội để chống dịch Covid-19. Tác giả muốn truyền đi thông điệp về tình yêu đôi lứa, người yêu nhau có thể xa cách về không gian, thời gian nhưng không thể cách lòng...                                                                

Đọc thêm