Người con núi rừng trở về bản dạy chữ
Xã Chế Tạo là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện 35km và cũng là xã xa nhất của tỉnh Yên Bái. Từ thành phố Yên Bái vượt qua đèo Khau Phạ dài 27 km, rồi từ quốc lộ 32 rẽ trái, thêm hơn ba giờ vượt qua các đỉnh Kim Nọi, Háng Gàng, Chế Tạo cao sừng sững, mới đến xã Chế Tạo. Địa hình di chuyển khó khăn, cuộc sống người dân chủ yếu tự cung, tự cấp khiến kinh tế nơi đây không mấy khởi sắc.
Trường Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Chế Tạo hiện có 530 học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông theo học.
Cũng là đồng bào dân tộc Mông, ngay từ khi còn “theo đuổi” con chữ trên ghế nhà trường, Sùng A Trừ đã mong mỏi sớm tốt nghiệp để trở về dạy chữ cho em nhỏ quê hương. Bởi thầy hiểu rõ hơn ai hết những vất vả khi các em học chữ.
“Các em nhỏ phải đi bộ từ 6 - 7 tiếng đồng hồ để đến trường, nên mình quyết tâm về đây để có thể dùng sự nhiệt huyết đón các cháu, tuyên truyền, dạy các cháu để các cháu biết cái chữ, mong các cháu yêu thích ngôi trường và học tập tích cực”, thầy giáo Sùng A Trừ chia sẻ.
Nhớ lại những ngày băng rừng, vượt núi đi vận động các gia đình cho con đến trường, thầy Trừ tâm sự: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bản thân tôi có lẽ là những ngày vận động các em nhỏ đi học. Đường sá xa xôi, chúng tôi phải đi bộ đến từng nhà để thuyết phục các em và phụ huynh, nhưng càng vì thế tôi càng quyết tâm đưa bằng được các cháu đến trường thường xuyên hơn. Mong các cháu đến trường được các thầy cô giáo yêu quý và bạn bè cùng nhau chia sẻ, từ đó các cháu sẽ thấy yêu trường yêu lớp hơn”.
|
Mỗi tối, thầy Trừ sẽ lên lớp dạy thêm cho các bạn nhỏ học tiếng Việt. |
Sáng kiến giúp học sinh nhận mặt chữ nhanh hơn
Khó khăn nhất là một số học sinh nhỏ tuổi chưa đọc được bằng tiếng phổ thông, do đó phải kiên nhẫn giảng dạy, hướng dẫn cho các em nhỏ bằng tiếng địa phương.
Vừa đảm nhận công tác đoàn đội, vừa đảm nhận việc dạy chữ cho các bạn nhỏ, mỗi ngày sau giờ lên lớp, thầy lại tranh soạn bài giảng, tối đến tập trung giúp đỡ các em học tiếng phổ thông.
Để cải thiện việc học tiếng phổ thông cho các em, thầy Trừ đã đề ra sáng kiến nhờ học sinh lớn tuổi hơn kèm học sinh nhỏ tuổi hơn.
Thầy Trừ còn khai thác, mở rộng thêm những phương pháp dạy khác, để các em hứng thú, yêu thích tiết học hơn. Trong quá trình dạy, thầy thường tổ chức trò chơi gây hứng thú cho học sinh trước, sau đó lấy một phần nội dung bài học chính khoá. Sau nội dung bài học chính khoá thì cho các em tập thể dục.
Bốn hướng là rừng, núi, những con đường dốc, những đứa trẻ thân hình nhỏ bé, làn da đen nhẻm, mái tóc cháy nắng... Thấu hiểu khó khăn, vất vả còn dài nhưng không thầy Trừ và đồng nghiệp của thầy luôn xác định gắn bó với việc gieo chữ ở vùng cao, vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục chung mà chấp nhận hi sinh.
|
Thầy Sùng A Trừ là một trong 68 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. |
Có lẽ với những người “lái đò”, niềm vui lớn nhất là nhìn thấy học sinh của mình từng ngày tiến bộ, tương lai thêm rộng mở. Với những người thầy “bám bản” như thầy Sùng A Trừ, hạnh phúc tưởng chừng đơn giản, bắt đầu từ khi thấy các em biết chữ để giao tiếp với cộng đồng được dễ dàng hơn, có cơ hội tiếp cận với kiến thức mới nhiều hơn. Hạnh phúc ấy át đi những gian truân khi phải vừa hoàn thành công tác giảng dạy, vừa băng rừng vượt suối vận động các em đến trường...
“Giờ đây, qua nhiều năm công tác ở những môi trường dạy học khác nhau, tôi thấy nhận thức của trẻ em tốt hơn, đời sống phụ huynh đã có nhiều thay đổi, phụ huynh đã quan tâm hơn nhiều đến việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Tôi cảm nhận rõ nhất nét đáng yêu của trẻ thơ, tôi muốn trao tình yêu của mình cho nhiều thế hệ trẻ em hơn nữa trên mảnh đất Mù Cang Chải này. Tôi muốn đóng góp sức lực bé nhỏ của mình góp phần mang lại những điều tốt đẹp, những giá trị tích cực đối với các em thơ và vùng đất quê hương tôi”, thầy Trừ tâm sự.
Thầy Sùng A Trừ là một trong số 68 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.
Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức trong dịp lễ 20/11, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.