Gần 60 DN không được người tiêu dùng bình chọn
Cuộc khảo sát được thực hiện tại 12 tỉnh, TP gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, TP HCM, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp - những vùng kinh tế trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC).
Hơn 15.500 hộ tiêu dùng trực tiếp, các cá nhân tiêu dùng và DN đã được tiến hành khảo sát tập trung tại các vùng nông thôn đối với tất các sản phẩm, hàng hóa thuộc 37 ngành, hàng; trong đó, chủ yếu là các ngành hàng tư liệu sản xuất.
Theo kết quả điều tra, đã có hơn 3.826 DN được NTD Việt Nam nhắc tới; trong đó có 805 DN đạt đủ tỷ lệ bình chọn; 42 DN đạt danh hiệu HVNCLC trong suốt 21 năm liên tục và 144 DN đạt được danh hiệu này lần đầu, 114 DN đạt lại danh hiệu này sau nhiều năm không đạt. Số DN “rớt” danh hiệu chỉ là 59 DN nhưng cao hơn 18 DN so với năm trước.
Nổi bật trong số những ngành có tỷ lệ DN đạt danh hiệu HVNCLC phải kể tới ngành nước chấm gia vị, ngành thực phẩm khô và đồ ăn liền, ngành bánh kẹo, ngành vật liệu xây dựng (thiết bị vệ sinh, ốp lát) và ngành đồ uống không cồn.
Thị trường vào tay “ông lớn”
Theo chuyên gia thị trường Trương Cung Nghĩa, Chương trình HVNCLC đã được triển khai 21 năm và thu được nhiều thành công mang tính đột phá, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chương trình cũng gặp phải nhiều thách thức, nhất là đối với việc làm thế nào để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho DN Việt Nam.
Kết quả điều tra cho thấy, mức độ tập trung NTD ở tất cả các kênh phân phối không còn sôi động như những năm trước. Kênh phân phối là chợ truyền thống đã giảm hẳn vị thế do hệ thống siêu thị đang ngày càng hút khách hơn. Trong khi đó, những kênh phân phối như cửa hàng chuyên, đại lý, tạp hóa... vẫn ổn định, do đem lại sự thuận tiện trong lựa chọn đối với NTD.
Trong một chừng mực nhất định, NTD Việt Nam vẫn quen kiểu mua sắm - giao dịch trực tiếp. Hệ thống phân phối online có khởi sắc nhưng chưa chiếm ưu thế. NTD chỉ tập trung mua online đối với những sản phẩm như thời trang, mỹ phẩm và hàng điện tử...
Trong khi đó, các DN Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức lớn về “sức ép” và “lỗ hổng” trong hệ thống bán lẻ ngay tại thị trường nội địa. “DN nào có hệ thống phân phối sâu rộng thì chiếm ưu thế trên thương trường. Ưu thế tuyệt đối độc quyền của một số DN lớn có tiềm lực về tài chính để mở rộng và sâu mạng lưới phân phối, quan tâm đến cách trưng bày tại điểm bán, bao bì đẹp, truyền thông nhiều và có dải sản phẩm rộng ngày càng rõ nét”, ông Nghĩa phân tích.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, NTD có tâm lý ngày càng e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc, nhất là với những sản phẩm thực phẩm, may mặc, nông sản tươi... Nhưng hàng Thái Lan đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này để lấp chỗ trống, gia tăng quyết liệt mức tiếp cận thị trường (Metro, BigC…), tổ chức loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý “sính” hàng ngoại của NTD Việt.
Người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn
Mặc dù hiện nay internet và smarphone khá phổ biến song kết quả khảo sát cho thấy với khách hàng nông thôn và bình dân, mạng xã hội chưa phải là kênh thông tin quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. “Dường như họ miễn nhiễm với kênh thông tin online”, ông Nghĩa nhận xét.
Tuy nhiên, NTD vẫn đang bị chi phối bởi quảng cáo. “Dù phủ hàng tốt, xuất hiện ở những vị trí ưu tiên, nhưng NTD vẫn chưa thể thay đổi thói quen mua hàng, đặc biệt là những khách hàng trung thành (chỉ đứng bên ngoài gọi vô cửa hàng, không có cơ hội để người bán hàng giới thiệu sản phẩm mới), cho nên làm thị trường vẫn phải có quảng cáo, nhiều DN dùng cách khuyến mại cho người bán để họ có động lực giới thiệu sản phẩm cho NTD”, ông Nghĩa phân tích, hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác không chỉ là nỗi lo của DN mà cả chính NTD bởi thực tế đã có tình trạng nhiều DN không sản xuất, chỉ mua hàng Trung Quốc về dán nhãn rồi tung ra thị trường.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của NTD hiện nay là vấn nạn thực phẩm bẩn và tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất. “NTD không ngần ngại nói lên những e ngại của chính họ. Lo ngại lớn nhất là chưa có nhiều thực phẩm sạch để thay thế. Trong nhiều trường hợp, NTD dù biết là hàng không đảm bảo nhưng vẫn ăn bởi họ không có sự lựa chọn khác”, ông Nghĩa phát biểu.