Những người đưa ra lời khuyên này cho rằng cơm là thủ phạm gây tăng cân và đường huyết, đặc biệt với những người béo, bệnh nhân đã mắc tiểu đường.
Tuy nhiên, theo TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam trả lời trên báo ANTĐ, trong một số bệnh lý, người ta khuyên hạn chế ăn cái này hay cái kia chứ không ai khuyên kiêng ăn chất này hay chất nọ, vì mỗi chất dinh dưỡng đều có vai trò nhất định đối với cơ thể.
“Tiểu đường cũng vậy. Không chuyên gia nào khuyến cáo người tiểu đường không ăn cơm hoặc tinh bột” – TS Từ Ngữ nói.
Tại Lễ phát động "Chung tay phòng chống bệnh Nội tiết – Đái tháo đường”, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, bệnh nhân tiểu đường có thể ăn cơm gạo trắng bình thường với nguyên tắc giảm lượng cơm, tăng lượng rau, trái cây, kiểm soát bệnh chặt chẽ.
Còn với những người muốn giảm cân, chỉ có thể thay ăn giảm cơm hoặc thay cơm bằng ngô, khoai, sắn (chứ tuyệt đối không được bỏ tinh bột) bởi sẽ gây nên rối loạn chuyển hóa.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo 5 điểm mấu chốt trong điều chỉnh lối sống để phòng chống bệnh đái tháo đường là: Ăn uống lành mạnh, vận động thích hợp, cố gắng giảm cân, bỏ hút thuốc lá, kiểm soát các stress.