Người trẻ rủ nhau đi… hiến tạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiến tạng - một hành động từng là điều xa lạ với nhiều người, giờ đây đã trở thành một trào lưu tích cực trong giới trẻ. Những câu chuyện cảm động về việc hiến tạng cứu người, những tấm thẻ đăng kí hiến mô tạng được khoe trên mạng xã hội và những cuộc trò chuyện sôi nổi về giá trị của hành động này đã góp phần lan tỏa một thông điệp đầy nhân văn: Hiến tạng là trao đi sự sống.
Hoa hậu Thùy Tiên đã đăng kí hiến mô, hiến tạng từ năm 2020 và luôn tích cực kêu gọi cộng đồng tham gia hoạt động ý nghĩa này. (Ảnh: NVCC)
Hoa hậu Thùy Tiên đã đăng kí hiến mô, hiến tạng từ năm 2020 và luôn tích cực kêu gọi cộng đồng tham gia hoạt động ý nghĩa này. (Ảnh: NVCC)

Trào lưu ý nghĩa từ trái tim người trẻ

“Khoe” tấm thẻ đăng kí hiến tạng trên trang cá nhân của mình, Nguyễn Thị Ngọc Hà, sinh viên năm 2 Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã nhận được rất nhiều lời động viên, khen ngợi từ phía bạn bè và cả những người không quen. Bên dưới bài viết, nhiều bạn trẻ đã hỏi Ngọc Hà thông tin về cách thức đăng kí hiến tạng và mong muốn tham gia vào hoạt động ý nghĩa này. Ngọc Hà chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ rất lâu và quyết định đăng kí hiến tạng. Nếu một ngày tôi không còn, ít nhất tôi vẫn có thể làm điều ý nghĩa cuối cùng là cứu sống người khác. Điều đó làm tôi cảm thấy cuộc sống của mình có giá trị hơn”.

Thời gian qua, hành động “khoe” thẻ đăng kí hiến tạng đã trở thành một trào lưu nho nhỏ trong một bộ phận giới trẻ. Từ các bạn sinh viên, giới văn phòng..., việc đăng kí hiến tạng được các bạn tự hào chia sẻ, tỏa lan như một hành động đẹp đẽ mang nhiều ý nghĩa cho cộng đồng. Có thể thấy, những năm gần đây, nhiều người trẻ đã có ý thức về việc hiến tạng cứu người. Ngày càng nhiều bạn trẻ, thậm chí có những trường hợp học sinh cấp 3 đã chủ động tìm hiểu về hiến tạng và đăng kí hiến mô, hiến tạng với sự ủng hộ của gia đình.

Theo thống kê, ở Việt Nam, có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công và được cứu sống nhờ sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái. Hiện nay cả nước có hơn 86.000 người đã đăng kí hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Chưa có con số thống kê chi tiết, nhưng qua những gì có thể thấy được trong cộng đồng thời gian qua, con số người trẻ đăng kí hiến tạng không hề nhỏ. Giới trẻ giờ đây không chỉ nhận thức được giá trị của hành động này mà còn mong muốn trở thành một phần trong sứ mệnh cứu người, minh chứng rõ ràng cho sự trưởng thành trong nhận thức và trách nhiệm xã hội của người trẻ hiện đại.

Ngay cả trong làng giải trí, thời gian qua, cộng đồng cũng đã chứng kiến hàng loạt nghệ sĩ trẻ đăng kí hiến tạng và lan tỏa những thông điệp tích cực nhằm khuyến khích việc hiến tạng đến người hâm mộ. Có thể kể đến những cái tên như: Hari Won, Khắc Việt, Hoa hậu Thùy Tiên, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Á hậu Tường San, Á hậu Phương Nhi, MC Hạnh Phúc, MC Minh Hương, MC Minh Hà… Những nghệ sĩ trẻ này, sau khi tham gia các chuyến thiện nguyện, chứng kiến những câu chuyện cảm động về việc người bệnh “hồi sinh” nhờ hiến tạng, đã quyết định đăng kí hiến tạng, cũng như muốn góp phần kêu gọi mọi người chung tay giúp thêm nhiều trường hợp có cơ hội sống.

Như Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, một trong những nghệ sĩ quyết định đăng kí hiến tạng từ rất sớm. Đỗ Mỹ Linh chia sẻ, năm 2019, khi ấy việc hiến tạng còn chưa phổ biến lắm và còn nhiều “rào cản” tâm lý, tâm linh... Tuy nhiên, sau khi chứng kiến nhiều câu chuyện, trong đó có hoàn cảnh một em bé nguy kịch may mắn được ghép tim nhờ có người hiến tạng, khỏe mạnh và có cuộc sống như người bình thường, sau khi tìm hiểu kĩ thông tin về hiến tạng, cô đã quyết định vượt qua những chướng ngại tâm lý của bản thân để đăng kí hiến mô, hiến tạng. Sau khi Đỗ Mỹ Linh đăng kí và chia sẻ thông tin, nhiều người hâm mộ, bạn bè... của cô cũng đăng kí, bản thân mẹ của Hoa hậu cũng đăng kí hiến tạng.

Hoa hậu Thùy Tiên đăng kí hiến tạng vào năm 2020, khi trào lưu hiến tạng chưa lan rộng trong giới trẻ. Khi ấy, cô đã tìm hiểu về hiến mô, hiến tạng và đăng kí với tâm niệm làm thế nào để những bộ phận trên cơ thể mình còn có thể giúp ích cho nhiều người ngay cả khi mình không còn trên đời. Sau khi đăng quang, Hoa hậu Thùy Tiên đã tăng cường kêu gọi mọi người hiến mô tạng và hiến xác. Trong một video clip kêu gọi có Hoa hậu Thùy Tiên góp mặt, một điểm đăng kí hiến tạng đã thu hút được hơn 1.000 người đăng kí tham gia.

Lan tỏa hành động đẹp

Thời gian gần đây, nhiều thông tin về các bệnh nhân vượt qua cửa tử, được hồi sinh nhờ hiến tạng đã lay động cộng đồng. Như câu chuyện xảy ra vào tháng 11, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Bệnh viện Quân y 103 tổ chức lấy 7 mô tạng gồm tim, gan, phổi, 2 thận, 2 giác mạc từ người hiến chết não. Người hiến tạng là nam thanh niên chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu ngày thứ 5. Sau những nỗ lực cứu chữa của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Đại diện gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng của nạn nhân để cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác.

Hay như trường hợp vừa qua tại Bệnh viện Thống nhất TP Hồ Chí Minh, nam thanh niên nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng trong tình trạng hôn mê sâu, sau đó chết não. Với tấm lòng nhân ái, gia đình nam thanh niên đã đồng ý hiến mô, hiến tạng và nhanh chóng, Bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức lấy, vận chuyển 7 đơn vị tạng của chàng trai và ghép thành công cho những người nhận. Những mô, tạng ấy đã có một cuộc sống khác, trong sự tái sinh của nhiều con người khác nhau.

Nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên đã đăng kí hiến tặng với sự ủng hộ của gia đình. (Ảnh: MHN)

Nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên đã đăng kí hiến tặng với sự ủng hộ của gia đình. (Ảnh: MHN)

Những năm qua, việc hiến tạng không chỉ là một trào lưu mạng xã hội mà còn mang lại những kết quả thực tế, thay đổi cuộc đời của những người bệnh nguy cấp. Chính những câu chuyện đẹp này đã khơi dậy ý thức nhân ái trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ, thành động lực để nhiều người quyết định đăng kí hiến mô, hiến tạng cứu người.

Dù mang ý nghĩa cao đẹp, phong trào hiến tạng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Định kiến xã hội là một trong những “rào cản” lớn. Một số người vẫn cho rằng hiến tạng là “xui xẻo” hoặc đi ngược lại quan niệm truyền thống về cái chết. Nhiều bạn trẻ rất muốn hiến mô, hiến tạng nhưng lại gặp khó khăn trong việc thuyết phục gia đình. Lưu Ngọc Lâm Anh, 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi tôi nói muốn đăng kí hiến tạng, mẹ tôi đã phản đối kịch liệt. Bà bảo rằng đang yên đang lành mà đi hiến tạng là “điềm gở”. Cạnh đó, khi mất mà thân thể không được toàn vẹn, phải chịu đau đớn mổ xẻ thì sợ không thể “siêu thoát” được”. Lâm Anh chia sẻ, cô đã mất đến 1 năm để thuyết phục mẹ bằng những câu chuyện, bài báo về các trường hợp được cứu sống nhờ ghép tạng kịp thời, giúp mẹ từ từ có chuyển biến về nhận thức. Cuối cùng, Lâm Anh đã được sự đồng ý của gia đình, đăng kí hiến mô, hiến tạng vào tháng 5/2024.

Chính vì nhiều “rào cản” về mặt quan niệm, về phong tục tập quán nên nhiều năm qua, Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung đang có tỉ lệ hiến mô, hiến tạng trên người chết não rất thấp so với các nước trên thế giới. Cụ thể, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tỷ lệ 0,1 trên 1 triệu dân, thấp nhất thế giới. Thực tế cho thấy, ở nước ta 94% nguồn tạng hiến từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não. Điều này ngược lại với các nước phát triển là 40 - 90% tạng hiến từ người chết não.

Những năm gần đây, nhờ sự tích cực truyền thông của Nhà nước, của các tổ chức, sự thay đổi nhận thức từ giới trẻ, tình hình đã có chuyển biến tốt nhưng con số đăng kí hiến mô, hiến tạng vẫn còn rất thấp.

Theo các chuyên gia, để phong trào hiến tạng tiếp tục phát triển, cần có sự chung tay từ nhiều phía. Các tổ chức y tế, trường học và mạng xã hội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về giá trị của việc hiến tạng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận với quy trình đăng ký hiến tạng. Chẳng hạn, các ứng dụng trực tuyến hoặc sự kiện công cộng có thể giúp việc đăng kí trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.

Hiến tạng là một hành động đầy ý nghĩa, không chỉ cứu sống những người bệnh mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái và trách nhiệm cộng đồng. Với sự tham gia ngày càng đông đảo của giới trẻ, phong trào này không chỉ dừng lại ở một trào lưu mà đang trở thành một giá trị văn hóa mới, thể hiện lòng yêu thương và khát khao cống hiến của thế hệ trẻ. Những tấm thẻ đăng kí hiến tạng không chỉ là một biểu tượng, mà là nhịp cầu nối dài sự sống. Mong rằng những hành động đẹp ấy sẽ tiếp tục lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn.

Đọc thêm