Sự đoàn kết và hành động vì môi trường
Các dự án, nhóm cộng đồng, câu lạc bộ của người trẻ yêu môi trường ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong những năm qua. Các hoạt động của người trẻ là minh chứng cho thấy sự đoàn kết và hành động nhỏ mỗi ngày từ mỗi người có thể tạo ra sự thay đổi lớn để giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp và quan trọng hơn nữa là để bảo vệ sức khoẻ của tất cả mọi người.
Với quyết tâm làm sạch những dòng kênh, mương ngập tràn rác thải tại Hà Nội, những thanh niên tình nguyện trẻ nhóm Hà Nội Xanh đã tổ chức thực hiện nhiều buổi dọn rác trong những năm qua, nhằm góp sức lấy lại vẻ đẹp trong xanh cho những con sông chạy qua Thủ đô. Được biết, nhóm được thành lập vào năm 2021 với chỉ 3 thành viên nhưng đến nay, số lượng người tham gia đã lên tới hơn 180 thành viên, chủ yếu là người trẻ. Trên mạng xã hội, người dùng Facebook và TikTok đã chia sẻ, hưởng ứng rất nhiều video và bài đăng về những buổi dọn vệ sinh của nhóm thanh niên tình nguyện này tại các con sông đen kịt do rác thải sinh hoạt của người dân thải ra như sông Tô Lịch, kênh La Khê… Hình ảnh các bạn trẻ mặc đồ bảo hộ lao động chống nước, lội xuống lòng sông ô nhiễm, nước đen kịt, miệt mài vớt từng túi nilon, chai nhựa,…, thậm chí có những hôm nắng nóng oi ả, đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với mọi người.
Dù cho nhiều người nói rằng, rác sau khi được dọn sạch thì ngày mai vẫn sẽ xuất hiện trở lại, nhưng các thành viên nhóm Hà Nội Xanh vẫn tiếp tục thực hiện công việc vớt rác của mình. Những hành động này không chỉ bày tỏ tình yêu to lớn dành cho môi trường và Thủ đô Hà Nội, truyền cảm hứng cho những người trẻ sống có trách nhiệm với môi trường, mà còn góp phần lan toả thông điệp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải của riêng ai. Nếu mỗi hộ gia đình có trách nhiệm hơn trong việc xử lý rác tại nguồn như phân loại rác, vứt rác đúng chỗ, thì thế hệ trẻ và thế hệ tương lai có thể sinh sống và trưởng thành trong một môi trường trong lành và ít rác thải hơn.
Vấn nạn ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương có biển, chẳng hạn như Phú Quốc. Kể từ năm 2015, nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh đã ra đời, hội tụ những bạn trẻ cùng chung chí hướng trong công tác bảo vệ môi trường, không quản ngại khó khăn, dành ngày nghỉ cuối tuần để làm những việc có ý nghĩa giúp “đảo ngọc” luôn xanh, sạch. Ban đầu nhóm gồm các bạn hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn nhưng rồi tình yêu môi trường của các bạn trẻ đã dần dần thu hút sự quan tâm, đồng hành của nhiều cơ quan, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, du khách trên đảo.
|
Hoạt động dọn rác tại Phú Quốc. (Nguồn: Facebook Phú Quốc Sạch và Xanh) |
Theo một thống kê của nhóm, sau 9 năm hoạt động, nhóm này đã tổ chức 267 hoạt động, thu gom hơn 205 tấn rác thải nhựa từ nhiều loại. Đồng hành của câu lạc bộ là 78 doanh nghiệp và hơn 9.374 lượt tình nguyện viên đã đóng góp vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Đơn cử như hoạt động làm sạch bãi biển, đổi rác lấy quà, đạp xe truyền tải thông điệp về giảm thiểu ô nhiễm không khí, làm cây thông từ dép vứt đi, chiến dịch thu gom pin đã qua sử dụng, chiến dịch “giải cứu rạn san hô”… Bên cạnh đó, nhóm cũng hưởng ứng “Ngày vì môi trường Phú Quốc”; đồng hành cùng dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa” do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức; tham gia hoạt động “Giám sát rác thải biển” cùng Vườn Quốc gia, WWF trong khu bảo tồn biển và nhiều bãi biển trên địa bàn thành phố. Các hoạt động không chỉ là góp sức giúp cho đảo ngọc thêm sạch, đẹp mà còn là nguồn động viên, kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng môi trường bền vững và sống xanh hơn.
Lan tỏa nhiệt huyết và lối sống xanh
Tại TP HCM, dự án cộng đồng “Nhà nhiều lá” được khởi xướng bởi một nhóm bạn trẻ đang sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố vào cuối năm 2020. Từ căn phòng trọ nhỏ lầu 3 (11A Hòa Hưng, phường 12, quận 10, TP HCM), nhóm bạn trẻ đã thiết kế nơi này thành không gian xanh mang tên “Nhà nhiều lá”, cùng nhau tổ chức dạy học miễn phí, thư viện miễn phí, thu gom rác thải tái chế bảo vệ môi trường... Cho đến nay, dự án này đã đem lại nhiều hoạt động ý nghĩa, lan tỏa cách sống thân thiện với môi trường đến cộng đồng, thu hút được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Có thể kể tới các sự kiện, hoạt động như thu gom, tái chế giấy vụn, pin cũ, sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường thông qua những sáng kiến như “đổi chai nhựa lấy cây”, “đổi rác lấy cây”.
|
Hoạt động “Đổi chai nhựa lấy sen đá” tại “Nhà nhiều lá”. (Nguồn: svvn.tienphong.vn) |
Không dừng ở đó, dự án “Nhà nhiều lá” còn bao gồm một thư viện cộng đồng miễn phí và không gian mở dành cho mọi người trong cộng đồng. Thư viện bao gồm nhiều thể loại sách khác nhau, từ văn học, khoa học, tiểu thuyết đến sách thiếu nhi và sách học thuật. Tại đây, người mượn sách không cần phải để lại tiền bạc hoặc giấy tờ, chỉ cần cam kết trả sách đúng hạn, vừa giúp mọi người có thể dễ dàng tiếp cận sách hơn, vừa khuyến khích mọi sự gắn bó, chung tay gìn giữ, phát triển “ngôi nhà chung” này. Ngoài mượn sách miễn phí, các bạn trẻ có thể học bài, làm việc và thậm chí nghỉ ngơi. Điều này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi và giao lưu giữa các thành viên thực hiện dự án.
Có thể thấy, các hoạt động giáo dục, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường thường cần sự kiên trì, bền bỉ. Thế hệ trẻ đang ngày càng chứng minh vai trò cốt lõi trong việc chia sẻ tiếng nói, suy nghĩ và ý tưởng sáng tạo về sông xanh qua các hoạt động, diễn đàn, dự án khác nhau. Đơn cử, Thử thách làm phim “1 phút xanh” do UNICEF phát động trên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều nhóm sinh viên ở các trường đại học làm phim để lan tỏa thông điệp về môi trường, như cùng nhau sử dụng phương tiện công cộng, tiết kiệm năng lượng, dùng sản phẩm thay thế nhựa một lần…, cũng như rất nhiều cách thay đổi thói quen nhỏ hàng ngày có thể hành động ngay vì môi trường.
Dự án “Sóng xanh Podcast” ra đời vào tháng 8/2023 do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền sáng lập là một trong những dự án nhận được tài trợ của Cuộc thi sáng kiến thanh niên Chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội thuộc dự án Green Youth Labs thực hiện bởi Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES), Live & Learn, nằm trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế. Thông qua loại hình truyền tải là podcast, các bạn trẻ thực hiện dự án mong muốn tiếp cận đến nhiều thính giả trẻ hơn, cung cấp cho họ những kiến thức cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến trầm trọng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với cuộc sống con người. Những vấn đề năng lượng, an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững tưởng chừng rất chuyên môn và xa vời được thể hiện bằng ngôn ngữ của thế hệ trẻ có thể trở nên gần gũi hơn. Quan trọng là khuyến khích sự thay đổi trong lối sống mỗi người, bắt đầu từ những cái rất nhỏ, như tắt điện khi không sử dụng hay sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.
Điều tích cực là giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường nhiều hơn, thậm chí được coi là lực lượng đổi mới và hành động. Một nguyên nhân lớn là bởi người trẻ và những thế hệ tương lai đang đứng trước nguy cơ phải đón nhận những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với nguồn nhiệt huyết và khả năng dồi dào, họ có cơ hội đưa ra những quyết định và hành động nhằm định hình một tương lai bền vững và kiên cường hơn.