Theo báo cáo của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2016, giá trị nhập khẩu dược phẩm ước tính khoảng 2,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước.
Với một nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập gia tăng khiến người tiêu dùng mạnh tay hơn cho các khoản chi phí liên quan đến sinh hoạt và y tế. Điều này cũng được củng cố khi khoản chi cho mặt hàng này tính trên đầu người của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác, khoảng 30-40 USD mỗi người trên năm, so với mức 96 USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới.
Nhờ vậy, IMS Health từng đưa ra dự báo tích cực về tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp dược Việt Nam, khi xếp Việt Nam đứng thứ 2 trong nhóm các quốc gia mới nổi sau Argentina, cao hơn cả Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.
Theo báo cáo mới công bố của Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam giai đoạn 2015 - 2018 đạt khoảng 16% mỗi năm, với doanh số toàn thị trường sẽ tiệm cận mức 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, Việt Nam cũng chỉ được xếp vào nhóm 3 trên bản đồ dược thế giới, thuộc nhóm 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển (pharmerging countries). Nguyên nhân đến từ việc không đủ tiềm lực tự phát minh thuốc mới và chỉ một số ít doanh nghiệp có công nghệ tiếp cận với các tiêu chuẩn cao EU - GMP hay PIC/S.
Từ thực trạng này, gần 55% nhu cầu dược phẩm trong nước phải đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu, trong đó phải kể đến một lượng lớn là các loại biệt dược - thuốc có bản quyền phát minh (patent drug), với giá thành đắt đỏ do không thể sản xuất trong nước. Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD dược phẩm thì riêng các sản phẩm biệt dược được nhập khẩu chủ yếu từ 3 nước Pháp, Đức và Mỹ đã chiếm gần 200 triệu USD.
Hàng trăm triệu USD biệt dược được nhập khẩu về Việt Nam mỗi năm |
Từ đây, nguồn nhập khẩu chính được phân chia rõ rệt theo phân khúc sản phẩm, trong đó khu vực châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ) và Mỹ chủ yếu là các sản phẩm biệt dược, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc là các sản phẩm thuốc giá rẻ.
Dược phẩm generic - loại thuốc mô phỏng theo thuốc có bản quyền phát minh (patent drug) sau khi hết hạn bảo hộ quyền, cũng là một phân khúc đang trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ ưu thế về giá. Đây cũng là dòng sản phẩm ở mức cao nhất mà các doanh nghiệp Việt có thể sản xuất.
Theo FTPS, về cơ bản dược phẩm sẽ đến tay bệnh nhân theo 3 con đường trung gian chính là đấu thầu vào bệnh viện (ETC), trực tiếp qua nhà thuốc/phòng mạch hoặc qua chợ bán thuốc sỉ. Trong đó ETC là kênh chủ lực mà các đơn vị sản xuất, nhà nhập khẩu, phân phối hướng tới.
Với số lượng hơn 13.000 bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế, việc tiêu thụ qua kênh này giúp đảm bảo doanh số cho các đơn vị cung cấp. Báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho biết, hơn 70% tổng chi thuốc cả nước (khoảng 3 tỷ USD) được đóng góp qua kênh này.
Tuy nhiên, quy định lựa chọn thuốc trúng thầu khởi đầu với Thông tư 01 (hiệu lực 1/6/2012) của Bộ Y tế theo tiêu chí ưu tiên "giá thấp" khiến kênh ETC vốn đã cạnh tranh lại càng thêm khốc liệt. Đồng thời cũng tạo ra nhiều bất cập và làm méo mó trong công tác quản lý chất lượng thuốc và đấu thầu thuốc. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường này đã bị các đối thủ vô danh đánh bật chỉ sau chưa tới một năm áp dụng.
"Thông tư 01/2012 khi áp dụng đã vấp phải nhiều phản ánh về tình trạng thuốc trúng thầu tuy có giá rẻ nhưng chất lượng rất kém", báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt viết.
Đơn cử như dược phẩm generic - phân khúc đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Cũng giống như nhiều hàng hóa khác, chất lượng các thuốc Generic không hoàn toàn giống nhau mà phụ thuộc vào trình độ công nghệ và định hướng kinh doanh của từng doanh nghiệp dược phẩm.
Theo FPTS, mặc dù generic được sản xuất với cùng hoạt chất chính theo công thức chung nhưng sự khác biệt sẽ được tạo ra giữa chất lượng hoạt chất chính và công nghệ tá dược - thành phần không có tác dụng chữa bệnh nhưng đóng vai trò quan trọng "dẫn đường" và "điều tiết". Để sản xuất thuốc generic giá rẻ, nhiều doanh nghiệp dược phẩm chấp nhận sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng thấp và giá thành rẻ (từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc) để cạnh tranh về giá, dù hiệu quả điều trị không cao.
Nhiều doanh nghiệp dược nội địa sản xuất generic với định hướng tập trung vào chất lượng đã vì thế mà "thất thủ" trên thị trường đấu thầu thuốc bệnh viện, một trong số đó có thể kể đến Công ty Dược phẩm Imexpharm.
Đặt trọng tâm vào các sản phẩm kháng sinh, Imexpharm là một trong số ít doanh nghiệp dược Việt Nam đi theo định hướng chất lượng, từ nguồn nguyên liệu cho tới việc nâng cấp các nhà máy từ tiêu chuẩn WHO - GMP lên EU - GMP. Trước giai đoạn 2012, tỷ trọng bán hàng của Imexpharm khá cân bằng giữa kênh đấu thầu bệnh viện (ETC) và kênh phân phối OTC.
Tuy nhiên, sau khi Thông tư 01 của Bộ Y tế năm 2012 ra đời đã khiến Imexpharm rơi vào khủng hoảng, khi không thể trụ lại tại kênh ETC.
Doanh thu qua kênh ETC của Imexpharm từ tỷ trọng gần 60% tổng doanh thu năm 2012 giảm xuống đáy 13,4% sau đó 3 năm. Mặc dù đã tăng trở lại vào năm 2016 nhưng tỷ trọng vẫn chưa tới một phần ba so với thời kỳ trước.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), do quy định ưu tiên về giá khi vượt 70 điểm tiêu chí kỹ thuật của Thông tư 01/2012 đã khiến các sản phẩm của Imexpharm kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ. Cũng vì thế mà doanh thu kênh đấu thầu bệnh viên của đơn vị này giảm mạnh, dù các sản phẩm trọng tâm của công ty là kháng sinh - vốn là sản phẩm giữ vai trò chính trong các đơn thuốc.
Mặc dù hy vọng đang trở lại với doanh nghiệp sản xuất dược này khi các quy định sửa đổi về đấu thầu thuốc (thông tư 36/2013, thông tư 31/2014 và thông tư 11/2016) tạo trạng thái cân bằng hơn giữa giá và chất lượng. Tuy nhiên, để khôi phục vị thế trên thị trường ETC với Imexpharm cũng không phải chuyện đơn giản.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/8, Việt Nam đã chi 1,7 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái (1,6 tỷ USD).
Có 5 thị trường nhập khẩu dược phẩm đạt giá trị kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên, chiếm 46,6% kim ngạch nhập khẩu dược phẩm cả nước trong cùng thời điểm. Đức hiện xếp vị trí đầu tiên với kim ngạch đạt 187,7 triệu USD. Tiếp theo là Pháp với 180 triệu USD, Ấn Độ là 164,4 triệu USD, Hàn Quốc là 111 triệu USD, Italy là 102,5 triệu USD.
Cũng theo thống kê, năm 2016 Việt Nam chi 2,563 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm (nếu tính riêng cùng kỳ năm ngoái là 1,6 tỷ USD). Con số này ở các năm 2014, 2015 lần lượt là 2,035 tỷ USD và 2,32 tỷ USD.