Đại diện châu lục nhận giải Goldman
Một ngày cuối tháng 11/2017, bà Khanh có email thông báo được chọn đại diện châu Á trao giải thưởng Goldman. Bà kể lại, lúc mới lướt qua email, cứ nghĩ một tổ chức nào đó “vinh danh vớ vẩn”. Trước đó bà không đăng kí dự thi gì.
Hồ nghi, bà phúc đáp hỏi về chương trình vinh danh thì nhận được thư trả lời chi tiết. Sau thời gian tìm hiểu, thẩm tra qua các mối quan hệ, bà mới hay Golman là giải thưởng uy tín của Quỹ môi trường Goldman ở San Francisco (Mỹ).
Ban tổ chức giải thưởng giải thích, để đảm bảo khách quan, toàn bộ quy trình tuyển chọn “người hùng môi trường” diễn ra thầm lặng. Năm 2018, Quỹ Goldman tiếp nhận 87 ứng viên được đề cử trên toàn thế giới. Sau vòng sơ tuyển còn 20 ứng viên, ban tổ chức chọn ra bảy ứng viên xuất sắc, nghiên cứu từng cá nhân trong sáu tháng rồi mới quyết định vinh danh. Thời điểm tháng 11/2017 là lúc ban tổ chức đã chốt danh sách cuối cùng, thông báo cho người đoạt giải biết.
Sau này khi sang Mỹ, bà Khanh được Ban tổ chức trưng ra tập hồ sơ dày cộm kèm lời giải thích: “Chúng tôi đã nghiên cứu, đánh giá qua các mối quan hệ, đối tác của bà suốt thời gian qua”. Lúc này bà Khanh chỉ biết lặng thinh vì quá bất ngờ và hạnh phúc.
Đến ngày 23/4 vừa qua, Quỹ môi trường Goldman chính thức công bố bảy anh hùng môi trường nhận Giải thưởng môi trường năm 2018. Theo thông báo từ Ban tổ chức, Giám đốc GreenID được vinh danh nhờ đã sử dụng các nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tham gia vào vận động cho các dự án năng lượng dài hạn bền vững; giảm sự lệ thuộc nguồn than thông qua việc nêu bật những phí tổn và tác động môi trường của nhiệt điện than.
Trở về sau chuyến đi Mỹ nhận giải, người phụ nữ quê Bắc Giang hết mực khiêm tốn. Bà nói một mình GreenID không thể làm được thay đổi lớn trong chính sách năng lượng ở Việt Nam. Đó là công sức của rất nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động môi trường: “GreenID chỉ tiên phong, mạnh dạn nêu ra những thách thức thực tế liên quan tới nhiệt điện than cũng như tiềm năng của năng lượng tái tạo. Thậm chí đưa những nội dung mà các nhà khoa học bàn bạc trong phòng kín ra công chúng bàn luận”, bà Khanh chia sẻ.
“Ngược chiều” quan điểm phát triển nhiệt điện than
Thành lập tổ chức phi chính phủ GreenID năm 2011, Giám đốc Ngụy Thị Khanh bắt tay ngay vào việc tìm hiểu chính sách năng lượng ở Việt Nam. “Quy hoạch điện 6” tập trung vào thủy điện là tài liệu đầu tiên bà Khanh nghiên cứu. Bà đúc rút ra rằng nếu các dự án thủy điện có sự tham gia các bên từ bước lập quy hoạch sẽ có lộ trình phát triển tốt hơn rất nhiều.
Cùng thời điểm năm 2011, Chính phủ Việt Nam công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện 7). Trong đó vạch ra nhu cầu năng lượng của đất nước trong tương lai và đặt mục tiêu đạt tổng công suất 75.000 MW nhiệt điện than đến năm 2030.
Bà Khanh cùng các chuyên gia đồng quan điểm cần thận trọng với “Quy hoạch điện 7” vì nhiều hệ lụy chưa được cảnh báo. Điều lo ngại nhất là nhập khẩu 2/3 nguyên liệu than từ bên ngoài liệu có đảm bảo tính ổn định? “Cùng lúc đó thế giới phản đối nhiệt điện than mạnh mẽ. Ở Indonesia, Úc là những nước Việt Nam dự định nhập khẩu than, người dân còn đến bao vây mỏ than. Nguồn cung như thế liệu có ổn định”, bà nhớ lại.
Các chuyên gia GreenID sau khi tiếp nhận báo cáo nghiên cứu quốc tế đã về từng địa phương ở Việt Nam đối chiếu, khảo sát các thay đổi liên quan tới nguồn nước, môi trường. Tổ chức này khuyến cáo nhiệt điện than tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường. Thời điểm năm 2012- 2013 các sự cố môi trường liên quan đến nhiệt điện chưa xảy ra nhưng GreenID đã có những nghiên cứu, cảnh báo các nhà máy nhiệt điện sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước, chất lượng không khí và chất lượng cuộc sống.
Một kết quả được bà Khanh chia sẻ, đó là hầu hết người dân không nắm rõ thông tin về dự án nhà máy nhiệt điện trước khi xây dựng, ngay cả địa phương cũng chỉ “biết mang máng”. Hầu hết vấn đề môi trường ít được quan tâm nhưng khi nhà máy vận hành thì bắt đầu phát sinh. Lúc này người dân phải chịu thiệt do không có các điều khoản ràng buộc từ trước.
Trong nghiên cứu của mình, GreenID nhận thấy nhu cầu dự báo tiêu thụ điện trong “Quy hoạch điện 7” là quá cao. Năm 2011, quy hoạch này dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 8%, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng gấp đôi GDP đặt ra áp lực cần sản xuất nhiều điện.
Nghiên cứu của GreenID chỉ ra mức tăng trưởng GDP trung bình cho giai đoạn 2016 - 2030 là 7%. Và nhu cầu điện năng không đến mức tăng gấp đôi GDP, nếu cải tiến công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm sẽ giảm nhu cầu đáng kể. Đó là chưa kể đến nền kinh tế thay đổi cơ cấu từ công nghiệp nặng sang dịch vụ - du lịch thì nhu cầu năng lượng còn giảm nữa.
Một công trình khác của GreenID còn chỉ ra giá nhiệt điện than nhập khẩu tiệm cận với giá điện mặt trời. Trong khi đó phần chi phí Chính phủ và người dân gánh chịu chưa được tính vào giá nhiệt điện than. Đó là các chi phí như tổn hại sức khỏe, ô nhiễm môi trường. Bởi vậy nhiệt điện than không rẻ như nhiều người suy nghĩ.
Từ những phân tích trên, năm 2015, GreenID gửi tới các nhà hoạch định chính sách Việt Nam khuyến nghị giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than. Trước đó tổ chức này kiên trì tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đối thoại công khai về nhiệt điện than.
“Chúng ta không phủ nhận vai trò của nhiệt điện. Nó có vai trò lịch sử nhưng phải cân nhắc mở rộng ồ ạt, phụ thuộc đến mức chiếm hơn nửa hệ thống năng lượng quốc gia. Chúng ta nên cân nhắc bởi cứ đi xây mới, sau đó một nhà máy chỉ vận hành 30-50% hiệu suất thì rất lãng phí”, bà Khanh nói.
Điểm nhấn năng lượng sạch
Song song với đề xuất giảm 30 ngàn kW nhiệt điện than, giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than, GreenID cũng vạch ra tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo. Bà Khanh dẫn chứng tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu 2015 (COP21), các chuyên gia còn thảo luận tính khả thi về kinh tế của năng lượng tái tạo. Nhưng chỉ hai năm sau, đến năm 2017, tại COP23 người ta không còn thảo luận về tính khả thi của năng lượng tái tạo nữa mà nó trở thành mô hình kinh doanh. Điều đó cho thấy xu thế năng lượng sạch diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, thay đổi nhận thức diễn ra rất nhanh.
Năm 2014, GreenID tiến hành nghiên cứu độc lập cho thấy nếu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, chỉ cần thay đổi công nghệ, không cần đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện mới, vẫn sẽ khai thác được khoảng 17 ngàn MW, tương đương 15 nhà máy nhiệt điện công suất 1000-1200MW.
Một năm sau, chương trình năng lượng vùng mê công của Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế có đánh giá nhu cầu ngành Điện Việt Nam đến năm 2050. Trong đó chuyên gia quốc tế tính toán nhu cầu tiết kiệm năng lượng của Việt Nam sát với kết quả của GreenID. Tổ chức này còn phân tích, chỉ ra năng lượng tái tạo có chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng không mất nhiên liệu, tiềm năng trải dài rất gần với phía Nam là vùng thiếu điện. Mặt khác, năng lượng tái tạo có xu thế giảm giá thành.
Lợi thế nữa là năng lượng tái tạo với quy mô đa dạng tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, giảm áp lực nguồn vốn nhà nước. Bà Khanh dẫn chứng như huyện nghèo Ea Súp của Đắk Lắk theo đánh giá có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo. Với chính sách điện mặt trời, các hộ gia đình có thể tự lắp đặt pin năng lượng. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều người tham gia, giảm độc quyền.
Kiên trì tiếp cận, viện dẫn các nghiên cứu kèm bằng chứng, kết quả khảo sát thực tiễn, tổ chức các hội thảo để trao đổi đa chiều, trong tờ trình gửi Chính phủ của Bộ Công Thương về vấn đề điện năng, phần phụ lục có nhắc tới việc tham khảo ý kiến của GreenID với tư cách đơn vị độc lập.
Tháng 3/2016, Chính phủ đã công bố “Quy hoạch điện 7” điều chỉnh theo hướng giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với kế hoạch trước đây, giảm 20 ngàn KW, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030.