Muốn hôn nhân, không… “gối chăn”
“Tôi là nữ, 30 tuổi, ngoại hình ưa nhìn, công việc ổn định. Trong mắt mọi người tôi hiền lành, xinh xắn, có người theo đuổi. Điều khiến tôi mặc cảm là có đọc được ở vài nơi rằng quan hệ tình dục rất quan trọng với hôn nhân, trong khi bản thân lại không hề thấy hứng thú, thường né tránh, cố gắng cũng không có cảm xúc dù tôi thực sự có tình cảm. Hiện tại, tôi độc thân nhưng mỗi khi tính tìm hiểu ai đó thường e dè vì sợ người đó ham muốn nhiều. Khi yêu, tôi chỉ thích ôm ấp và hôn, không có nhu cầu gì thêm. Tôi rất buồn về bản thân, liệu có hôn nhân nào không đi đôi với tình dục không?
Thực sự sau 30 năm tôi mới có thể chắc chắn về xu hướng tính dục của mình như vậy. Tôi vẫn thích con trai, thích các hành động âu yếm, vuốt ve, hôn, thậm chí là hơn, chỉ cần không… “chuyện ấy”. Với tôi, việc chăn gối chỉ đơn giản là chiều bạn trai chứ bản thân không cảm thấy hạnh phúc. Tôi vẫn muốn có gia đình, lấy chồng sinh con nhưng giờ khi biết được xu hướng tính dục của bản thân, tôi biết cơ hội tìm được người như mình là rất khó. Một là tìm người giống tôi, hai là ở vậy nhận con nuôi hoặc thụ tinh nhân tạo. Tôi hiểu, lấy một người bình thường thì sẽ là địa ngục với cả hai”.
Câu chuyện của Mai Linh (SN 1990) đến từ Hà Nội là một ví dụ điển hình. Linh kể, năm cấp 3, khi trái tim mình biết rung động, mình nhận ra bản thân thờ ơ với sex. Mình chưa bao giờ có hứng thú tìm hiểu về tình dục.
Lần đầu tiên có bạn trai cũng là lúc Linh hiểu thêm về con người mình. Tình yêu với Linh lúc đó chỉ dừng lại ở cái nắm tay và nụ hôn vội. Và ý nghĩ tiến tới một giới hạn quá xa luôn khiến Linh giật mình sợ hãi. Đã có lúc, cô đã từng nghĩ mình bị bệnh, một căn bệnh khó chữa. Và rồi, họ chia tay. Sợ hãi, hoang mang là những cảm giác mà Linh luôn tự kỷ ám thị về bản thân mình. Có lúc, cô mong muốn sớm “lớn nhanh” để có thể sớm thoát khỏi sự lãnh cảm và tìm được câu trả lời chính thức thực sự mình là ai, bởi tin rằng có thể là những rối loạn khi cơ thể chưa ổn định.
Tới năm 23 tuổi, khi quen một người, Linh mới tìm được câu trả lời cho mình. Cô cảm thấy nhẹ nhàng bởi biết rằng đó là một bản dạng hoàn toàn tự nhiên. Nhưng chưa bao giờ Linh nghĩ tới câu chuyện công khai mình là người vô tính với gia đình. Linh từng chia sẻ với một số bạn, không ai tin mình là người vô tính. Họ nghĩ người vô tính là do ăn kiêng, rồi trên thế gian này có ai là không có nhu cầu tình dục. Một số người nghĩ đó là bệnh và cần phải đi chữa. Thật khó để giải thích cho họ hiểu. Đến các bạn trẻ, nói còn không hiểu thì nói gì đến việc công khai với bố mẹ.
Triệu Anh (một cô gái 8X) cũng rơi vào trường hợp tương tự như Linh. Thế nhưng, điều khiến Triệu Anh cảm thấy cuộc đời này trở nên bi quan hơn đó là vì cô gái này thuộc nhóm người vô tính cảm thấy ghê sợ với tất cả các hành động thân mật như nắm tay, hôn nhau. Cảm giác chạm vào tay ai đó đã khiến Anh rùng mình, lo lắng. Đến sau này Anh mới biết, hóa ra mình là người vô tính…
Nam (23 tuổi, Hải Phòng) biết mình là người vô tính khi nhận ra mình sợ việc phải quan hệ tình dục với bạn gái: Đó là một tình yêu đẹp, nhưng bọn mình phải chia tay vì bạn ấy cần tìm một người chồng đúng nghĩa, có thể cho bạn ấy một đứa con, chứ không phải một người chỉ biết ôm và hôn. Tuy nhiên, Nam cũng không nuối tiếc nhiều về tình cũ mà cảm thấy vô cùng thoải mái với cuộc sống độc thân hiện tại.
Và ám ảnh về “hạnh phúc”
Người vô tính (trong tiếng Anh là Asexual) được định nghĩa là “người không cảm thấy bị hấp dẫn về mặt tình dục”. Thái độ đối với tình dục của người vô tính rất khác nhau: Có người ghê sợ; có người chỉ đơn giản là không thích thú; có người vẫn có ham muốn tình dục nhưng không bị hấp dẫn tình dục (một số người vô tính vẫn có thể thích xem “phim người lớn”, thủ dâm, nhưng họ không muốn làm “chuyện đó” với người khác). Hiện nay, khoa học cũng đã chứng minh, tính dục vô tính là một xu hướng tính dục tự nhiên, không ai có thể tự thay đổi, không phải do khuyết tật hay bệnh.
Tuy nhiên, với phần đa người vô tính, họ sống trong bi kịch và nỗi ám ảnh: “Tôi lớn lên với việc được dạy rằng, chỉ có duy nhất một cách để hạnh phúc: yêu đương, kết hôn và sinh con như những người “bình thường” khác. Và nếu ai đó có lỡ không đi theo con đường hạnh phúc ấy thì đó là một sự bất hạnh mà có thể họ không biết mà thôi.
Nếu bạn không đi tìm “công chúa” hay “hoàng tử” của cuộc đời mình, hoặc nếu bạn có thì nó cũng không giống như trong câu chuyện cổ tích. Bạn sẽ không có được một mối quan hệ “bình thường”, bởi vì bạn không “bình thường”, và tất cả những người xung quanh đều nói với bạn rằng điều đó thật tệ.
Và khi bạn trưởng thành, bạn nhận ra rằng mình sẽ là người duy nhất đứng lại khi tất cả bạn bè đều sẽ dẹp các mối quan hệ khác ra một bên để “ổn định cuộc sống” trong khi bạn không hề có một mối liên hệ nào với cái bản đồ dẫn đến kết thúc hạnh phúc giống như mọi người.
Kể cả khi bạn có những cảm xúc yêu đương thì bạn vẫn phải đối mặt với sự thật rằng bạn sẽ không trải nghiệm nó một cách “bình thường” và điều đó ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn và khả năng bạn tìm được “người đó” ngay từ lúc đầu.
Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một cuộc sống độc thân lâu dài, bạn sẽ phải dành cả phần đời còn lại để nghe và giải thích những nhận định sai lầm mà người khác nói về lựa chọn của bạn. Nhẹ nhàng thì người ta nghĩ mối quan hệ của bạn hơi “khác người”, còn kinh khủng hơn thì họ nói rằng bạn chọn cuộc đời độc thân chỉ như là một “giải khuyến khích” vì bạn đã thua trên “cuộc đua tình ái”... Thế nhưng, chẳng có ai quan tâm khi bạn cảm thấy thật tệ hoặc luôn thấy mình là một người không đủ tốt, luôn lo lắng mình sẽ không được hạnh phúc hoặc bị từ chối vì xu hướng của bản thân, vì đấy là chuyện của bạn”.
Võ Mai Hiền (Hà Nội), admin của Asexual in Vietnam, một trang facebook của cộng đồng người vô tính tại Việt Nam, cho biết: Khá nhiều người vô tính gặp tình trạng “nói không ai tin” khi công khai xu hướng tính dục của mình. Chia sẻ về chuyện này, Hiền cho biết: Mình đã nói về việc mình là người vô tính với bạn bè thân thiết, đa số cho là mình “chưa đủ lớn”. Mình cũng nói với mẹ, nhưng mẹ cũng không cho là thật, hoặc cũng có thể mẹ cho là thật nhưng không muốn mình tự tách bản thân ra khỏi số đông. Vì thế nên mẹ luôn cố thuyết phục là mình “bình thường” như bao người khác…