Trong 7 năm (giai đoạn 2014 - 2020), TP thu hơn 234.316 tỷ đồng từ đất, gồm các khoản tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập, phí, lệ phí… Tính trung bình, mỗi năm nguồn thu từ đất của TP là 33.474 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,46 tỷ USD).
Để nhận xét đánh giá về con số trên, trước tiên cần xét đến yếu tố dân số ở TP HCM rất lớn, hiện khoảng 13 triệu người, là địa phương có dân cư sinh sống đông nhất nước. Về yếu tố tự nhiên, TP HCM có tổng diện tích hơn 209.500ha, trong đó đất phi nông nghiệp hơn 96.721ha (46,16%), còn lại khoảng 1.030ha đất chưa sử dụng (0,49%). 20 năm qua, kinh tế TP phát triển nhanh với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao.
Như trên đã nói, con số 234.316 tỷ đồng từ đất đai, gồm các khoản tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập, phí, lệ phí… Trong số đó, phải chia ra làm 2 đối tượng, gồm cá nhân và doanh nghiệp. Với nhóm dự án, doanh nghiệp, từ năm 2003, Sở TN&MT TP đã thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 2.670 dự án với tổng diện tích hơn 17.800ha. Trong số này có 835 dự án nhà ở, 944 dự án sản xuất kinh doanh... đóng góp số tiền không ít trong hơn 234 ngàn tỷ đồng nêu trên, còn lại là nhóm cá nhân có nhu cầu ở thực, các đối tượng cá nhân đầu tư đầu cơ.
Theo đánh giá của Sở TN&MT TP, hiện đất là nguồn lực tài chính quan trọng của TP, thu hút đầu tư, sử dụng ngày càng lớn. Số tiền thu được từ đất đã đóng góp rất lớn cho phát triển KTXH của TP, tạo nguồn thu cho ngân sách. Nhờ tiền từ đất, nhiều công trình công cộng được triển khai giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Thế nhưng, chúng ta cũng phải băn khoăn một điều, là số tiền thu được như trên đã tương xứng với giá trị của đất hay chưa, cơ quan chức năng có bị nhiều cá nhân doanh nghiệp “qua mặt” trong việc tính toán các khoản thuế phí liên quan đến đất hay không? Còn nhớ đầu năm 2022, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thậm chí phải ra công văn gửi các tỉnh, thành, đề nghị kiểm soát chặt việc tính toán thuế phí với các trường hợp chuyển nhượng đất, chống vấn nạn các đối tượng mua bán nhà đất “hai giá”, giá kê khai thuế thì thấp, mà giá thực tế chuyển nhượng thì cao.
Sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan thuế các cấp, 5 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý thuế hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã có những chuyển biến. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã tăng 63% so với số thu 3 tháng đầu năm 2021.
Nhắc lại thực tế đó, để chúng ta thấy rằng trong 7 năm, nguồn thu hơn 234.316 tỷ đồng từ đất đai tại đô thị lớn nhất nước, có số dân đông nhất nước, nhà đất đắt giá bậc nhất nước… là không nhỏ. Nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa; để các đối tượng có ý định xấu càng ít có cơ hội trốn thuế, để tăng thu ngân sách đúng quy định, để góp phần tạo ra công bằng xã hội; để nguồn thu từ đất tương xứng với giá trị từ đất.