Nguồn vật liệu phục vụ thi công Cao tốc Bắc - Nam đã dần ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 19/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 133 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 60 nhằm tháo gỡ khó khăn cho vật liệu cao tốc Bắc - Nam. Nhiều “nút thắt” vật liệu xây dựng đã được tháo gỡ.
Vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đã dần ổn định.
Vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đã dần ổn định.

Nhiều quy định mới

Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), Bộ Giao thông Vận tải, Nghị quyết 133 có nhiều điểm mới so với Nghị quyết 60.

Cụ thể, trong Nghị quyết 60 chỉ quy định cho phép các mỏ vật liệu thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được cấp phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác.

Điểm mới trong Nghị quyết 133 vừa ban hành là Chính phủ cho phép các mỏ đất đắp nền đường được nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc, không giới hạn 50% công suất ghi trong giấy phép, đến khi dự án hoàn thành thì bàn giao lại mỏ cho địa phương.

Một điểm mới nữa của Nghị quyết 133 là các địa phương phải thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép khai thác mỏ vật liệu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu.

Cũng theo lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT, trước khi Chính phủ có Nghị quyết 133, vào cuối tháng 9 vừa qua, trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, tại thời điểm kiểm tra, 9/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có tổng nhu cầu đất đắp nền đường khoảng 51 triệu m3, thực tế triển khai thiếu hơn 22 triệu m3.

Sau khi có Nghị quyết 133, hiện nay, nguồn vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đã dần ổn định, một số địa phương trong thời gian qua đã cấp phép thêm các mỏ vật liệu. Hiện, nhu cầu vật liệu cho tất cả dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang tổ chức thi công chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu m3, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương

Theo ông Lê Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải), trước đây, để cấp phép xây dựng cho một mỏ vật liệu xây dựng phải mất khoảng 3 năm với rất nhiều thủ tục từ Trung ương đến địa phương.

Hiện nay, với cơ chế đặc thù được Chính phủ quy định hỗ trợ thực hiện cao tốc, thời gian cấp phép chỉ còn 4-6 tháng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương là rất quan trọng.

Theo tìm hiểu của PLVN, sau khi có Nghị quyết 133, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt bổ sung 8 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu. Tổng trữ lượng dự kiến các mỏ này hơn 4.100.000m3.

Tại Đồng Nai, sau khi áp dụng Nghị quyết 133, tỉnh này cho phép cải tạo đất nông nghiệp, gò đồi để làm nguồn cung đất đắp. Huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), nơi có cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua đang đẩy nhanh cấp phép các mỏ đất để vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 cơ bản giải quyết xong nguồn đất đắp.

Tại Thanh Hoá, Sở TN&MT mới đây đã cấp được 4 mỏ theo cơ chế đặc thù. Tất cả các mỏ đã thăm dò xong và phê duyệt trữ lượng. Dự kiến trong tháng 12 này 4 mỏ sẽ đi vào hoạt động khai thác phục vụ cho cao tốc Bắc - Nam.

Còn tại Khánh Hòa, một số mỏ đất chưa thể áp dụng Nghị quyết 133 do các mỏ này chưa được đưa vào quy hoạch. Tuy nhiên, địa phương đã linh hoạt tạo điều kiện. Theo đó, vật liệu san lấp cần cung cấp cho đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dự kiến thiếu 4,7 triệu m3.

Để đảm bảo nguồn vật liệu, nhà đầu tư đã kiến nghị được lập phương án và múc đất mặt bằng trước mắt tại 5 vị trí đồi đất lân cận tuyến đường cao tốc với tổng trữ lượng khoảng hơn 1 triệu m3 và được tỉnh này đồng ý chủ trương.

Tuy nhiên, các điểm này nằm ngoài quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của tỉnh, chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt nên hiện chưa áp dụng Nghị quyết 133 của Chính phủ. Được biết, theo kế hoạch, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ điều chỉnh quy hoạch, đưa các điểm mỏ đề xuất vào quy hoạch để áp dụng Nghị quyết 133 của Chính phủ.

Đọc thêm