Nguy cơ AI làm xói mòn bản sắc văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng trở thành công cụ phổ biến. Với khả năng thu thập và nhân bản các yếu tố văn hóa, AI mang lại tiềm năng to lớn trong việc lan tỏa những giá trị văn hóa, nhưng cũng đặt ra một thách thức lớn về nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa.
Đám cưới người Việt xưa qua tái tạo của AI được cho là có nhiều sai lệch về văn hóa, trang phục.
Đám cưới người Việt xưa qua tái tạo của AI được cho là có nhiều sai lệch về văn hóa, trang phục.

Hai mặt của AI khi lan tỏa văn hóa dân tộc

Không thể phủ nhận rằng, trí tuệ nhân tạo đã mang lại nhiều lợi ích trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là ở khả năng tiếp cận và phổ biến thông tin một cách rộng rãi và nhanh chóng. Thời gian qua, một số quốc gia, nhiều tổ chức đã và đang áp dụng các công trí AI như một phương pháp hữu hiệu để lưu trữ, sắp xếp, truyền thông về các nét đẹp của văn hóa dân gian. Thông qua các ứng dụng như phiên dịch tự động, sáng tạo nội dung đa ngôn ngữ, hoặc tái hiện văn hóa qua hình ảnh và âm thanh, AI giúp đưa các yếu tố văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.

Những câu chuyện dân gian, lễ hội truyền thống, hay di sản nghệ thuật có thể được AI tái hiện và phân phối rộng rãi, giúp nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. AI còn hỗ trợ việc số hóa và lưu trữ thông tin văn hóa, từ đó bảo vệ các di sản này khỏi nguy cơ mai một và giúp thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận hơn.

Một ví dụ cụ thể là dự án AINU-GO AI - “giải cứu” ngôn ngữ thiểu số có nguy cơ biến mất cao nhất tại Nhật. Thông qua các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thông qua dữ liệu âm thanh để nhận diện âm vị và tái hiện, ứng dụng đọc hiểu cổ văn, ứng dụng lưu trữ và mô hình hóa động tác của diễn viên nghệ thuật cổ... Dự án đã thành công trong việc lưu trữ nhiều nghệ thuật văn hóa dân gian đang có nguy cơ mai một, thất truyền.

Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích ấy luôn tồn tại những nguy cơ mà không phải ai cũng lường hết được. Một trong những đặc điểm của AI là khả năng học và sao chép nội dung từ dữ liệu có sẵn trên internet. Khi AI tạo ra các nội dung liên quan đến văn hóa, nó dựa trên các mẫu dữ liệu đã được thu thập, nhưng lại thiếu đi yếu tố bối cảnh và nguồn gốc cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng một số biểu tượng văn hóa, câu chuyện dân gian, ca dao tục ngữ hoặc phong tục truyền thống được tái hiện nhưng không giữ được ý nghĩa ban đầu, thậm chí có thể trở nên lệch lạc. Những yếu tố mang giá trị tinh thần sâu sắc khi bị tái tạo mà không có sự hiểu biết về ngữ cảnh sẽ dần mất đi ý nghĩa vốn có, tạo nên sự nhầm lẫn và hiểu lầm.

Khả năng nhân bản của AI có thể tạo ra một lượng lớn các bản sao của những yếu tố văn hóa, nhưng các phiên bản này lại không có sự phân biệt rõ ràng giữa các biến thể hoặc các yếu tố chính yếu. Trong khi mỗi nền văn hóa đều có những sắc thái đặc trưng, AI lại dễ dàng kết hợp hoặc sao chép những yếu tố văn hóa từ các quốc gia, các dân tộc khác nhau vào trong cùng một nội dung. Kết quả là các bản sắc văn hóa dần bị pha loãng, khó phân biệt được đâu là bản sắc riêng, đâu là yếu tố ngoại lai.

Một ví dụ, thời gian qua, một số nhà thiết kế, khi sử dụng đến trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm trang phục mang văn hóa dân gian, đã cho ra đời những sản phẩm lai căng. Các sản phẩm này khi kinh doanh rộng rãi trên thị trường, có thể gây ra những nhầm lẫn nghiêm trọng về nguồn gốc hoa văn, mất đi cái “gốc” thật sự của những chi tiết bản địa mang tính độc bản.

AI không chỉ tái hiện mà còn có thể tạo ra những nội dung thiếu chính xác hoặc gây nhận thức sai lệch, đặc biệt với thế hệ trẻ. Như thời gian qua, một số phiên bản do AI tạo ra, lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội làm nhiều bạn trẻ thích thú, nhưng khiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử phải lo lắng. Như những bộ ảnh về các anh hùng lịch sử nước ta, khi qua bàn tay “sáng tạo” của AI, bỗng trở thành những... siêu anh hùng trong các bộ phim hoặc game, với sự lai tạo về gương mặt, phục trang của cả Âu, Á. Điều này không chỉ làm mất đi cái “hồn” của bản sắc văn hóa mà còn tạo ra những nhầm lẫn về lịch sử và truyền thống.

Các nhà khoa học cũng lo ngại trước khả năng tạo ra hình ảnh và video siêu thực của AI, khiến người xem khó phân biệt thật - giả. Điều này đặt ra một nguy cơ rất lớn khi các phiên bản “lai” về văn hóa dân tộc được AI tung ra có thể gây ra những nhầm lẫn tai hại về nguồn gốc, khiến lâu dài, người dân khó lòng phân biệt đâu là bản gốc, đâu là biến dị.

Thách thức về bản quyền và giải pháp

Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo đặt ra những thách thức không hề nhỏ trong việc bảo tồn và tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Trong quá trình sử dụng dữ liệu văn hóa dân gian, AI có thể vi phạm quyền sở hữu văn hóa của các cộng đồng bản địa. Khi các yếu tố văn hóa này bị sao chép và sử dụng tràn lan mà không có sự công nhận, chúng dần mất đi quyền sở hữu của các dân tộc đã sáng tạo và gìn giữ.

Hơn nữa, các nền tảng trí tuệ nhân tạo không có khả năng xác thực hay bảo vệ bản quyền văn hóa. AI có thể dễ dàng lấy nội dung từ các nguồn tài liệu văn hóa khác nhau, nhưng không thể phân biệt được nguồn gốc của những yếu tố này. Điều này khiến những giá trị văn hóa truyền thống bị biến tướng và không còn giữ được vai trò quan trọng trong cộng đồng. Việc bảo tồn bản sắc văn hóa từ đó cũng trở nên khó khăn hơn, vì khi văn hóa bị lan truyền sai lệch, khó khăn trong việc ngăn chặn và phục hồi bản sắc gốc.

Gìn giữ các giá trị bản sắc văn hoá, truyền thống, quyền sáng tạo và làm chủ văn hoá của người dân, của quốc gia chính là an ninh văn hóa. Nếu lơ là, mất cảnh giác, đến một lúc nào đó, các bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của một dân tộc bỗng chốc bị lai căng, biến mất lúc nào không hay. Hiện nay, hành lang pháp lý cho các vấn đề liên quan đến bản quyền, đến tác hại của AI đối với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật trên thế giới và tại Việt Nam vẫn còn khá “chậm chân” so với tốc độ phát triển vũ bão của các ứng dụng này trong đời sống. Hơn lúc nào hết, để bảo vệ an ninh văn hóa, bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giảm thiểu những nguy cơ mà AI có thể gây ra cho bản sắc văn hóa, chúng ta cần càng sớm càng tốt đưa ra những giải pháp cụ thể để quản lý và kiểm soát cách AI tiếp cận và sử dụng dữ liệu văn hóa truyền thống.

Có thể nói, việc kiểm soát nội dung mà AI tạo ra là vô cùng cần thiết. Các cơ quan chức năng, các tổ chức bảo vệ văn hóa cần có những biện pháp nhằm giám sát và xác thực các dữ liệu văn hóa truyền thống trước khi chúng được sử dụng để đào tạo AI. Đồng thời, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu văn hóa chính thống, nơi lưu trữ và bảo tồn các giá trị văn hóa được xác thực cũng là một hành động không thể chậm trễ. Bởi, các cơ sở dữ liệu này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa mà còn hỗ trợ cho các ứng dụng AI tiếp cận thông tin một cách chính xác và đầy đủ. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng sai lệch thông tin mà còn góp phần giúp các giá trị văn hóa truyền thống được tôn trọng và bảo tồn.

Cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bản sắc văn hóa cũng là một yếu tố cực kì quan trọng. Đặc biệt, các thế hệ trẻ cần được giáo dục, định hướng về cách lựa chọn và đánh giá các thông tin văn hóa, giúp họ nhận thức đúng về giá trị văn hóa truyền thống.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã có những chia sẻ đáng để suy ngẫm: “Sử dụng công nghệ cũng như sử dụng con dao hai lưỡi, phải biết tính năng của nó để phát huy điểm yếu điểm, ưu điểm, tính năng tốt đồng thời hạn chế mặt hại, mặt tiêu cực. Thực ra mặt lợi, hại hay tiêu cực, suy cho cùng là do người sử dụng, con người sử dụng với một thiện ý, một mong muốn đưa đến những điều tốt đẹp thì nó tạo ra những điều tốt đẹp; còn con người sử dụng nó như là một công cụ để làm điều tiêu cực, thậm chí có thể là công cụ “giết chết” về văn hóa thì cũng rất dễ”.