“Không ai nỡ bỏ chợ Rằm tháng Ba...”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến hẹn lại lên, cứ dịp rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, khách thập phương và các tộc người ở huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) từ khắp mọi miền Tổ quốc háo hức tìm về trung tâm huyện lỵ - thị trấn Quy Đạt, để hòa mình vào không khí tưng bừng, vui tươi của lễ hội và những ngày chợ Rằm độc đáo...
Lễ dâng hương tại Thác Bụt. Ảnh: Thanh Hà
Lễ dâng hương tại Thác Bụt. Ảnh: Thanh Hà

Từ điển tích Thác Bụt...

Người Minh Hóa trải qua bao thế hệ vẫn truyền đời một sự tích. Ngày hội Rằm tháng Ba ở Minh Hóa có gốc gác từ câu chuyện hai anh em nhà nông ở làng Yên Đức, xã Yên Hóa đi tìm mật ong trên lèn (núi đá) Ông Ngoi.

Khi hai anh em leo lên đến đỉnh núi thì gặp một giếng nước trong vắt, bên cạnh có cây quýt rất sai quả chín mọng. Dưới tán cây có 12 hòn đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng và có những quân cờ bằng đá. Hai anh em dừng lại nghỉ ngơi, hái quýt ăn và hết sức trầm trồ về những cảnh vật xung quanh.

Khi xuống núi, họ đã mang theo một hòn đá giống hình thù giống ông Bụt, đến thác Cúi thì họ đặt xuống để tắm. Nhưng thật kỳ lạ, khi tắm xong, người anh đến lấy hòn đá thì không tài nào nhấc lên nổi. Bực mình vì tiếc công mang, anh ta liền dùng rựa ghè sứt một góc tượng đá, hậu quả là dòng họ của người anh trong nhiều đời liên tục đều có người bị sứt môi hay hở hàm ếch...

Bắn nỏ - bộ môn thể thao gắn liền với đời sống săn bắn của các tộc người Minh Hóa từ ngày xưa trên dãy Trường Sơn. Ảnh: Thanh Hà

Bắn nỏ - bộ môn thể thao gắn liền với đời sống săn bắn của các tộc người Minh Hóa từ ngày xưa trên dãy Trường Sơn. Ảnh: Thanh Hà

Khi tượng đá xuất hiện ở thác Cúi chưa được bao lâu thì làng Yên Đức sinh ra nhiều dịch bệnh, chim muông, thú dữ về phá hoại mùa màng và bắt gia súc, gia cầm. Dân làng lập đàn khấn vái thì một người ứng đồng tự xưng là Bụt hiện đang ở thác Cúi và muốn người dân lập đền thờ tự.

Nghe vậy, dân làng làm theo và tự nhiên dịch bệnh tiêu tan, mùa màng tươi tốt, nhà nhà trở lại yên ấm. Từ đó, tại đền thờ ở thác Cúi hàng ngày có rất nhiều người đến cầu nguyện và dần dà, người dân quen gọi nơi đó là Thác Bụt cho đến ngày nay.

Ông Đinh Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa và là Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Rằm tháng Ba, chia sẻ: “Cứ đến lễ hội Rằm tháng Ba, người dân trong huyện và du khách thập phương lại đến Thác Bụt cúng Bụt để cầu tự, cầu tài, cầu lộc và chuẩn bị cho một mùa vụ mới được tốt tươi, no ấm”.

Các vận động viên tranh tài môn đẩy gậy ở hội Rằm tháng Ba Minh Hóa . Ảnh: Thanh Hà

Các vận động viên tranh tài môn đẩy gậy ở hội Rằm tháng Ba Minh Hóa . Ảnh: Thanh Hà

... đến hội chợ Rằm độc đáo

Năm 2024 này, lễ dâng hương sẽ diễn ra tại Thác Bụt và hội chợ Rằm tháng Ba truyền thống được tổ chức tại chợ Quy Đạt – giữa trung tâm huyện lỵ. Đi cùng với đó là các hoạt động thể thao sôi nổi với 9 bộ môn thi đấu, như: Bóng chuyền nam nữ, đẩy gậy, đánh đu, cà kheo… Nhiều chương trình văn hóa, lễ hội đặc sắc như: Vui trẩy hội, trình diễn dân ca của các nghệ nhân, đêm nhạc đường phố, lửa trại và các hoạt động quảng bá du lịch, ẩm thực đặc trưng về mảnh đất và con người Minh Hóa.

Giải vô địch bóng chuyền trong Lễ hội Rằm thu hút nhiều tuyển thủ quốc gia về tham gia thi đấu. Ảnh: Thanh Hà

Giải vô địch bóng chuyền trong Lễ hội Rằm thu hút nhiều tuyển thủ quốc gia về tham gia thi đấu. Ảnh: Thanh Hà

Theo ông Bùi Anh Tuấn - Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, Tuần văn hóa - thể thao - du lịch và hội Rằm tháng Ba là hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất và con người Minh Hóa. Hội Rằm còn là cơ hội Minh Hóa quảng bá, phát triển thế mạnh về du lịch trên hành trình di sản miền Trung với nhiều danh thắng, lịch sử, văn hóa, tâm linh: Thác Bụt, hệ thống hang động Tú Làn, làng đá cổ Trung Hóa, hồ Yên Phú, thác Mơ, Khe Thui, cổng Trời Cha Lo...

Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Tiến Dũng cho biết: “Lễ hội Rằm tháng Ba Minh Hóa năm nay diễn ra từ ngày 18 - 23/4 (từ 10 đến 15/3 âm lịch). Năm nay, hội Rằm tháng Ba được tổ chức quy mô hơn và có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc về hội chợ, thể thao, văn hóa văn nghệ. Đặc biệt, thời gian tổ chức Lễ hội Rằm không trùng với lịch thi đấu các giải bóng chuyền quốc gia nên sẽ có nhiều vận động viên về tham gia thi đấu trong màu áo các đội địa phương, chất lượng chuyên môn sẽ tăng lên và chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều du khách đến xem, cổ vũ”.

Đêm hội Rằm sẽ tổ chức vào 20h ngày 22/4 với một chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với sự tham gia biểu diễn của nhiều đoàn nghệ thuật từ Huế và đông đảo diễn viên, nghệ sĩ của câu lạc bộ nghệ thuật ở huyện Minh Hóa. Một điểm nhấn khác trong chương trình lễ hội là hoạt động trưng bày không gian văn hóa, ẩm thực, du lịch với khoảng 20 gian hàng từ các xã, thị trấn và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.

Các sản vật đặc trưng của người dân huyện miền núi Minh Hóa được bày bán tại Hội chợ Rằm. Ảnh: Thanh Hà

Các sản vật đặc trưng của người dân huyện miền núi Minh Hóa được bày bán tại Hội chợ Rằm. Ảnh: Thanh Hà

Với cộng đồng các tộc người ở huyện miền núi này, thì tuần hội Rằm tháng Ba còn là dịp bà con tạm gác lại công việc đồng áng, sản xuất để hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng, lưu giữ mãi mãi về một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của tổ tiên cha ông truyền lại. Người dân Minh Hoá dù đi đến xứ nào, ở xa tận đâu cũng không thể nào quên ngày rằm tháng Ba. Bởi thế mới có câu: “Thà rằng đau ốm mà nằm/ Không ai nỡ bỏ chợ Rằm tháng Ba...”


Đọc thêm