Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết: Không để “dịch chồng dịch”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, thời điểm này đang thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng. Do vậy, việc phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng rất cấp thiết.
 Phun thuốc diệt muỗi giúp góp phần phòng chống sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi giúp góp phần phòng chống sốt xuất huyết.

Cả nước ghi nhận hơn 49.000 ca sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Tại miền Bắc, thời tiết mưa, nắng thất thường đang thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng gây áp lực cho ngành y tế khi phải căng mình chống dịch COVID-19 và sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch. Trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay có xu hướng gia tăng ở người cao tuổi. Người già mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh mạn tính có sẵn cần phải được chăm sóc và theo dõi sát. Bởi, chỉ 1-2 ngày, bệnh nhân có thể chuyển nặng.

Tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 114 ổ dịch quy mô thôn xóm, tổ dân phố tại 17 quận huyện, 50 xã, phường. Một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân tại các xã, phường như Phú Minh, Bưởi, Đức Giang, Song Phương, Hương Ngải… Cũng theo ông Tuấn, sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm do đây là thời điểm mùa mưa, tạo môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch COVID-19, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Tương tự, ở TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam xuất hiện nhiều ca bệnh sốt xuất huyết. Theo ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), trong giai đoạn này, dịch bệnh COVID-19 đang là trọng tâm, trọng điểm, lấn át trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, người dân thành phố cần lưu tâm đến các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết, nhất là vào mùa mưa. Phòng chống bằng cách khi đi ngủ có mắc màn, diệt muỗi, phá bỏ nơi sinh sản của muỗi.... Người dân cần nắm chắc các khuyến cáo phát hiện nghi ngờ nhiễm sốt xuất huyết và không chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân có thể truy cập website của HCDC để cập nhật hướng dẫn.

Thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn

Để chủ động công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Bộ Y tế đã có Công văn số 8186/BYT-KCB yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; thủ trưởng cơ quan y tế của các bộ, ngành cần căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn để bố trí cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác khám, chữa bệnh thông thường đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng theo các mô hình phù hợp. Các đơn vị cần thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19. Các cơ sở khám chữa bệnh phải thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19.

Bên cạnh thông tin rộng rãi để nhân dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh sốt xuất huyết Dengue và thông tin các cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất mà bệnh nhân có thể đến để được khám bệnh, tư vấn, thì các cơ sở y tế cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue trong tình hình dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn phòng lây nhiễm COVID-19.

Bố trí phòng khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị tạo điều bệnh khác thuận lợi cho người bệnh. Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn biến nặng lên. Đồng thời, cần củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Phân biệt triệu chứng COVID-19 và sốt xuất huyết

Theo theo các chuyên gia y tế, trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay rất dễ nhầm lẫn giữa COVID-19 và sốt xuất huyết bởi nhiều biểu hiện của chúng khá giống nhau. Cả hai bệnh đều có những triệu chứng ban đầu giống nhau như: đau nhức xương khớp, sốt, ớn lạnh, đau đầu... Tuy nhiên sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện: da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Ngoài ra, sốt xuất huyết còn có dấu hiệu đau bụng hoặc nôn nhiều, có biểu hiện ứ dịch, xuất huyết niêm mạc như: chảy máu cam, chảy máu chân răng. Còn đối với bệnh COVID-19 ngoài việc nguy cơ đi từ vùng dịch và tiếp xúc với F0 sẽ có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, đau họng, khó thở, nặng có thể dẫn đến thiếu oxy, suy hô hấp. Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người như COVID-19 mà lây qua vector (vật trung gian). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn.

Đọc thêm