Nguy cơ buôn bán nội tạng từ các trang web “vô danh”

(PLO) - Mặc dù chỉ có 2 địa chỉ chính thức được Bộ Y tế cho phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam, thế nhưng trong thời gian qua đã xuất hiện một số trang web, fanpage vô danh trên mạng xã hội facebook đứng ra nhận đăng ký, kêu gọi vận động mọi người hiến tạng, thậm chí là trao đổi tạng.
Nhiều thông tin muốn mua bán thận trên trang Tổ chức hiến tặng nội tạng Việt Nam. Ảnh chụp Facebook
Nhiều thông tin muốn mua bán thận trên trang Tổ chức hiến tặng nội tạng Việt Nam. Ảnh chụp Facebook
Xuất hiện website “ma” kêu gọi đăng ký, nhận hiến tạng
Với hơn 800 lượt like, trang fanpage mang tên “Tổ chức hiến tặng nội tạng Việt Nam” cập nhật ngày hoạt động đầu tiên là 3/2/2015. Trang này tự giới thiệu là tổ chức phi lợi nhuận, nâng cao nhận thức người dân Việt Nam, cầu nối giữa những người muốn hiến, nhận mô tạng, cung cấp thông tin về luật, thủ tục cần thiết. Fanpage hướng dẫn mọi người vào website hientangvietnam.xyz với hiển thị nổi bật khi truy cập vào trang này là mục Đăng ký hiến. 
Trong đó, có một mẫu đơn đăng ký hiến và nhận tạng bao gồm các thông tin cá nhân cụ thể, muốn hiến hay nhận tạng, bộ phận muốn hiến hoặc nhận, nhóm máu, giới tính, mô tả tình trạng bệnh (dành cho người nhận tạng), yêu cầu của người hiến tạng (cho người hiến tạng). 
Tuy nhiên, sau khi điền đầy đủ các thông tin, những người đăng ký đều không nhận được xác nhận thành công về email hay điện thoại, khiến họ không biết thông tin cá nhân mà họ kê khai sẽ được chuyển về đâu. Chưa kể website này còn cung cấp những địa điểm đăng ký gần nhất, bao gồm hàng chục bệnh viện, có cả bệnh viện tư nhân có thể nhận hiến tạng và có một số cơ sở chưa hề ghép tạng bao giờ. 
Tại trang facebook “Tổ chức hiến tặng mô tạng Việt Nam” cũng có rất nhiều lời đề nghị mua - bán mô tạng, có người cho biết đang làm mẹ đơn thân và muốn bán thận, có người muốn mua gan nếu có người có xét nghiệm phù hợp, có người muốn bán một quả thận để có tiền chữa bệnh cho mẹ... Từ đó trang web này đang dần trở thành một “chợ đen” mua bán nội tạng một cách công khai. 
Tương tự, trên trang facebook có nhóm “hiến-nhận nội tạng” được thành lập vào ngày 13/10/2015, tới nay đã có đến 538 thành viên. 
Trang này do một cá nhân có nickname Nguyễn Bá Bình lập ra và công khai mục đích: “Chỉ đơn thuần là nếu ai có nhu cầu cần gì đó (nội tạng) thì đăng lên đây... và những người muốn cho họ có thì hai bên gặp nhau”. Trang này cũng dẫn dắt người có nhu cầu hiến tạng đến biểu mẫu đăng ký hiến tạng với thông tin cụ thể.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, hiện cả nước mới chỉ có 2 địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam đặt tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Trong khi đó các trang web trên không thuộc bất kỳ cơ quan y tế sự nghiệp chính thống nào, vì thế người dân nên cảnh giác.
Mập mờ mua - hiến tặng nội tạng
Theo ông Trịnh Hồng Sơn, chuyên gia về ghép tạng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), một trong những yêu cầu khi hiến tặng mô, tạng tại Việt Đức là có người thân ký vào các văn bản đề nghị hiến tạng, nhưng nhiều người đã đưa người thân giả đến ký với bệnh viện. Ông Nguyễn Hoàng Phúc  cũng cho biết, trong số những người đến tìm hiểu để hiến tạng, có những người rất đáng ngờ là muốn bán nội tạng,  khi cho biết  chỉ muốn hiến cho người giàu và hỏi hiến tạng xong thì sẽ nhận được gì.
Theo ông Phúc, hiện nay nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần được ghép thận. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi,... 
Từ những con số trên, có thể thấy rằng hàng ngày, hàng giờ đang có rất nhiều người bệnh chờ đợi được ghép mô, tạng để được cứu sống. Bởi vậy, đăng ký hiến và hiến tặng mô, tạng hôm nay là trao tặng cơ hội mang lại sự sống cho hàng ngàn người bệnh.
Tuy nhiên, đối với những người muốn hiến tạng, có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất bày tỏ ý nguyện. Các cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo về Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế để thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp tiếp nhận đơn đăng ký hiến mô, tạng của người muốn hiến và hoàn tất các thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến mô, tạng (hiến sau khi chết), hiến xác cho người đăng ký hiến. 
Riêng về việc cấp thẻ đăng ký cho người dân thì chỉ có hai nơi đó là Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Sắp tới, có thể sẽ mở rộng ra các cơ sở ghép tạng, tuy hiện tại chỉ có 2 địa chỉ trên.
Trước vấn đề trên, ngành y tế khuyến cáo cộng đồng nói chung và những người có tâm nguyện hiến xác, hiến mô tạng cần cảnh giác trước những thông tin không chính thống đăng trên các trang mạng xã hội. Để tránh bị lợi dụng, trước khi quyết định đăng ký hiến tạng, người dân cần phải xác minh cụ thể các thông tin liên quan. Việc đăng ký hiến tạng chỉ nên thực hiện tại các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế cho phép tiếp nhận nguồn tạng hiến từ cộng đồng.
Quy trình đăng ký hiến tạng
- Vào trang web của đơn vị điều phối ghép tạng được cấp phép để đăng ký thông tin theo yêu cầu, gửi kèm một ảnh chân dung. 
- Sau khi gửi thành công, đơn vị điều phối ghép tạng có phản hồi gửi lại cho người đăng ký về những thông tin cá nhân. 
- Người đăng ký gửi xác nhận lần nữa bằng email. 
- Đơn vị điều phối ghép tạng gửi thẻ đăng ký hiến tạng mang tên và hình của người đăng ký về địa chỉ nhận của người đăng ký.

Đọc thêm